Đồng hành với mỗi chuyến vươn khơi

(Baonghean) - Để hỗ trợ ngư dân khai thác tốt tiềm năng đánh bắt hải sản, cùng với các chính sách của Trung ương, các cấp ngành ở Nghệ An có nhiều cơ chế tích cực...

Nhiều phương thức hỗ trợ ngư dân

Những năm qua, đồng hành cùng ngư dân vươn khơi bám biển, Trung ương có nhiều chính sách hỗ trợ về giá dầu; hỗ trợ khắc phục rủi ro do thiên tai trên biển; hỗ trợ mua bảo hiểm tàu thuyền, bảo hiểm thuyền viên và chính sách đóng tàu công suất lớn theo Nghị định 67… 

Cùng với đó, tỉnh Nghệ An đã trích kinh phí thực hiện nhiều chính sách hiệu quả. Tại thị xã Hoàng Mai, nhờ chính sách hỗ trợ ở Quyết định 87 của tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông thôn, năm 2015 thị xã Hoàng Mai đóng được 17 tàu cá, trị giá 4,8 tỷ đồng; năm 2016 được tiếp tục phân bổ thêm 2,4 tỷ đồng. Ngoài ra, những năm gần đây, mỗi năm ngư dân được hỗ trợ mua 4 - 6 máy ICOM tầm xa, 1.000 - 1.500 áo phao, 2 - 4 hầm cá PU giữ nhiệt; đồng thời được hỗ trợ tham gia đào tạo tập huấn, xây dựng các mô hình chuyển đổi khai thác gần bờ sang xa bờ, trang bị các trang thiết bị trong phòng chống lụt bão, khai thác thủy sản, máy định vị dò ngang…

Ngư dân xã Sơn hải, Quỳnh Lưu chuẩn bị cho chuyến ra khơi.
Ngư dân xã Sơn hải, Quỳnh Lưu chuẩn bị cho chuyến ra khơi.

Ở huyện Quỳnh Lưu, từ nguồn hỗ trợ theo Quyết định 87 của tỉnh, năm 2015 được phê duyệt đóng 40 tàu với tổng kinh phí hỗ trợ 9,750 tỷ đồng, tỉnh cấp hỗ trợ 2,5 tỷ đồng. Năm 2016 dự kiến sẽ đóng mới 51 tàu, đến nay đã nghiệm thu đợt 1 được 13 tàu và số kinh phí hỗ trợ đã được cấp là 3,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, mỗi năm Quỳnh Lưu trích ngân sách huyện hỗ trợ 2 mô hình chuyển đổi nghề từ khai thác gần bờ sang khai thác xa bờ với mức hỗ trợ 50 triệu đồng/mô hình. Ngoài ra, ngư dân còn được tỉnh hỗ trợ 17-18 máy Icom (28 triệu đồng/máy), 650 - 700 áo phao/năm; hỗ trợ làm hầm PU giữ nhiệt, mua máy móc hiện đại để ra khơi đánh bắt.

Sau 2 năm triển khai Nghị định 67, trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An đã có 113 chủ tàu được phê duyệt đủ điều kiện vay vốn. Trong đó gồm 29 tàu vỏ sắt, 78 tàu vỏ gỗ và 6 tàu vỏ composite. 36 chủ tàu đã được ký hợp đồng tín dụng (7 tàu sắt, 4 tàu composite, 25 tàu vỏ gỗ), với tổng giá trị vốn vay đã giải ngân 203,334 tỷ đồng/314,953 tỷ đồng. Hiện đã có 25 tàu đóng mới hoàn thành đưa vào khai thác hải sản.

Theo ông Nguyễn Chí Lương - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Nghệ An: Ngoài chính sách của Trung ương, thì ở cấp tỉnh, các chương trình hỗ trợ ngư dân theo Quyết định 87 được thực hiện với 58 mô hình chuyển đổi nghề khai thác từ vùng lộng sang vùng khơi, số tiền 3,665 tỷ đồng; trong 2 năm 2015 và 2016 hỗ trợ 20 mô hình đóng mới, cải hoán hầm bảo quản sản phẩm bằng vật liệu PU với số tiền 700 triệu đồng. Ngoài ra, có 2.437 thuyền trưởng, máy trưởng và thuyền viên được hỗ trợ đào tạo với tổng kinh phí 2,437 tỷ đồng;  hỗ trợ 13.337 phao cứu sinh cho ngư dân, đối tượng chính sách trị giá 2,639 tỷ đồng; hỗ trợ 119 máy thông tin tầm xa cho các tổ hợp tác khai thác trên biển trị giá 3,440 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng được 50 tổ hợp tác khai thác thủy sản, 6 máy dò ngang trị giá 1,2 tỷ đồng, đặc biệt hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho ngư dân đóng mới tàu thuyền đánh bắt xa bờ qua các năm được 398 tàu, với số tiền hỗ trợ là gần 6.451 tỷ đồng.

Hướng mục tiêu phát triển bền vững

Quan điểm chỉ đạo của tỉnh là phát triển thủy hải sản phải đảm bảo tính bền vững, hiệu quả gắn với công tác bảo vệ nguồn lợi, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, ứng dụng các công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng và thân thiện với môi trường. 

Những ngư dân cũ kỹ như chính chiếc thuyền của mình quà từ biển.
Những ngư dân vững vàng cùng tàu thuyền đón "lộc biển". Ảnh TL

Với những ưu tiên đánh bắt các đối tượng có giá trị xuất khẩu và khả năng cạnh tranh cao trên thị trường, tỉnh chủ trương nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ khai thác và chế biến thủy hải sản. Việc nâng cấp mở rộng một số cảng cá như cảng cá Lạch Quèn với công suất 300 tàu; cảng cá Cửa Hội với công suất 400 tàu; cảng cá Quỳnh Phương với công suất 200 - 300 tàu... đang được tỉnh xúc tiến. Cùng đó, tiếp tục hoàn thiện hệ thống khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá như: khu tránh trú bão Lạch Cờn, Lạch Quèn, Lạch Thơi, Lạch Vạn, Lạch Lò và khu tránh trú bão ở đảo Mắt.

Từng bước hình thành và phát triển ngành đóng tàu tập trung ở Khu kinh tế Đông Nam và một số khu vực ven biển thuộc thị xã Hoàng Mai, các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc nhằm đáp ứng nhu cầu sửa chữa cho đội tàu khai thác xa bờ. 

Qua trao đổi, ông Nguyễn Hữu Tiến - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Những năm tớ,i Nghệ An tiếp tục có chính sách ưu tiên đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế thủy sản, như: Xây dựng hệ thống cảng cá, bến cá, khu tránh trú bão cho tàu thuyền. Đồng thời có chính sách khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài, ODA, các doanh nghiệp tư nhân và hình thức hợp tác công- tư trong các lĩnh vực thủy sản.

Lễ hội còn thu hút phần lớn tàu thuyền đánh bắt của ngư dân trong phường tham gia màn rước lễ
Các tổ liên kết của ngư dân trên biển mang lại hiệu quả trong đánh bắt và cùng nhau giữ biển Tổ quốc. Ảnh TL

Đặc biệt, sẽ tiếp tục rà soát lại chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản nhằm loại bỏ, thay thế những chính sách không phù hợp, trong đó tập trung vào bổ sung sửa đổi chính sách về lãi suất đầu tư cho đóng mới tàu xa bờ, hỗ trợ mua bảo hiểm thuyền viên và tàu cá; nâng mức hỗ trợ xây dựng mô hình chuyển đổi nghề khai thác vùng lộng sang vùng khơi. 

Cùng đó, nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hỗ trợ chuyển đổi sinh kế cho cộng đồng ngư dân, đặc biệt là ngư dân chủ yếu sống dựa vào khai thác nguồn lợi thủy sản ven bờ. Tiếp tục thực hiện các chính sách của Trung ương, quan tâm thực hiện chính sách hỗ trợ việc thành lập, hoạt động của các tổ đoàn kết và tổ hợp tác kinh tế trên biển; phát triển các đội tàu dịch vụ thu mua hải sản và cung cấp nhiên liệu trên biển; hỗ trợ đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng và thuyền viên tàu cá cho ngư dân.

Các ngành chức năng của tỉnh cũng tăng cường phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, doanh nghiệp để tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, góp phần đưa kinh tế thuỷ sản phát triển ngày càng bền vững. Tất cả hướng tới khai thác tốt tiềm năng thủy sản, nâng cao hiệu quả trong mỗi chuyến ra khơi, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân ven biển.

Phú Hương

TIN LIÊN QUAN

Tin mới