Đồng minh Mỹ-Nhật chật vật “hâm nóng” quan hệ

(Baonghean) - Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang có chuyến thăm Mỹ lần thứ 2 kể từ khi người đồng cấp là Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền. Nhưng khác trước, chuyến công du lần này diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ đồng minh khăng khít Mỹ-Nhật đang vấp phải nhiều trắc trở, như vấn đề hợp tác kinh tế - thương mại và đặc biệt là vấn đề hạt nhân - tên lửa của Triều Tiên, khi Nhật Bản dường như đang bị “ra rìa” trong loạt động thái ấm lên trên bán đảo Triều Tiên. Liệu chuyến thăm lần này có hóa giải được những khúc mắc và bất đồng đang tồn tại?
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Mar-a-Lago, Florida. Ảnh: Getty
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Mar-a-Lago, Florida. Ảnh: Getty
Thời điểm nhạy cảm

Nhìn vào những dòng tít nổi bật trên báo chí quốc tế những ngày qua có thể hình dung ngay bối cảnh và mục đích mà Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ấp ủ trong chuyến công du Mỹ lần này. “Thủ tướng Nhật thăm Mỹ giữa lúc trong - ngoài đều rối”, “Đối thoại tại Mar-a-Lago có giải cứu quan hệ Mỹ - Nhật?” hay “Thủ tướng Abe đến Mỹ tìm lại tiếng nói trong cuộc chơi với Triều Tiên”

Trước hết, không khó để lý giải tại sao Thủ tướng Shinzo Abe lại chọn thời điểm này để tìm đến đồng minh Mỹ. Người ta vẫn bảo, bạn bè quý là nhiệt tình giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn, và tình huống của Thủ tướng Abe lần này cũng vậy.

Thủ tướng Shinzo Abe lên đường thăm Mỹ khi tỷ lệ ủng hộ trong nước đã giảm xuống chỉ còn 26,7%. Đây là mức tín nhiệm thấp nhất kể từ khi ông Abe lên nắm quyền vào tháng 12/2012.

Nguyên nhân xuất phát từ chuyện, chính quyền của Thủ tướng Abe đang phải đối mặt với vô số chỉ trích liên quan đến một vụ bê bối mua bán đất công của tổ chức giáo dục tư nhân Moritomo Gakuen. Bất chấp vợ chồng ông Abe thời gian qua kiên quyết phủ nhận sự liên quan, nhưng phe đối lập vẫn không ngừng gây sức ép buộc Thủ tướng phải từ chức.

Ngoài những rắc rối nội bộ, Thủ tướng Abe còn được cho là đang gặp tình huống “dở khóc dở cười” trong chính sách đối ngoại. Theo đó, ông Abe dường như đang bị “gạt ra rìa” trong các nỗ lực ngoại giao quốc tế để giải quyết vấn đề Triều Tiên, do Hàn Quốc đứng ra làm trung gian. Trong khi, Nhật Bản suốt thời gian qua luôn là một phần không thể thiếu và cũng là một trong những quốc gia đối diện thường xuyên nhất đối với các nguy cơ từ chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.

Ảnh chụp từ trực thăng của hãng tin Kyodo hôm 14/4, cho thấy khoảng 30.000 người tập trung trước Quốc hội yêu cầu Thủ tướng Shinzo Abe từ chức sau chuỗi bê bối gần đây. Ảnh: Kyodo
Ảnh chụp từ trực thăng của hãng tin Kyodo hôm 14/4, cho thấy khoảng 30.000 người tập trung trước Quốc hội yêu cầu Thủ tướng Shinzo Abe từ chức sau chuỗi bê bối gần đây. Ảnh: Kyodo
Không chịu “ra rìa”

Trong bối cảnh trong - ngoài đều rối, ngay trước chuyến thăm cũng như buổi họp báo cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Mar-a-Lago, Thủ tướng Abe đã khẳng định ngay, ông muốn tái khẳng định sự hợp tác giữa Mỹ và Nhật Bản về vấn đề Triều Tiên. Có lẽ, Thủ tướng Abe muốn đồng minh Mỹ cân nhắc kỹ lưỡng những thỏa thuận với Triều Tiên có thể gây bất lợi cho Nhật Bản. Có thể kể đến các thỏa thuận trong đó Triều Tiên dù đồng ý từ bỏ tên lửa đạn đạo liên lục địa có tầm bay tới Mỹ, thế nhưng vẫn tiếp tục phát triển tên lửa tầm ngắn có khả năng tấn công Tokyo.

Đặc biệt trong bối cảnh, hai hội nghị quan trọng là hội nghị thượng đỉnh liên Triều và thượng đỉnh Mỹ - Triều đang được các bên tích cực chuẩn bị - mà không có sự tham dự của Nhật Bản ở bất cứ vai trò nào. Cũng vì thế, vấn đề Triều Tiên đã được đánh giá là phép thử cho mối quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật, vốn coi hồ sơ hạt nhân tên lửa của Bình Nhưỡng là một trong những sợi dây gắn kết giữa hai bên.

Tất nhiên về phần mình, Tổng thống Donald Trump đã có tuyên bố trấn an Thủ tướng Abe rằng, Mỹ luôn quan tâm tới an ninh của các nước đồng minh như của chính nước Mỹ. Đồng thời, Mỹ vẫn quyết tâm thực hiện chiến lược phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên một cách hoàn toàn, đáng tin cậy và không thể đảo ngược. Ông Trump trong tuyên bố của mình cũng cam kết sẽ nêu những quan tâm của Nhật Bản không những về vấn đề Triều Tiên mà còn là vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc.

Rõ ràng, với một đồng minh quan trọng tại khu vực châu Á như Nhật Bản, chính quyền Tổng thống Trump khó có thể “ngó lơ” những nguyện vọng của Tokyo. Hiện Mỹ vẫn có khoảng 50.000 binh lính đồn trú tại các căn cứ quân sự tại Nhật Bản. Vì thế không thể phủ nhận, liên minh Mỹ - Nhật là một khối gắn kết góp phần duy trì tiếng nói và sự ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực địa chiến lược và năng động hàng đầu thế giới là châu Á - Thái Bình Dương.

Bởi vậy, đây có thể nói là một trong những nền tảng quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Mỹ đối với khu vực. Đặc biệt trong bối cảnh, đối thủ “nặng ký” của Mỹ là Trung Quốc đang ngày mở rộng và tăng cường vị thế và ảnh hưởng không chỉ trong khu vực mà trên toàn thế giới.

Ngoại giao gôn là đặc sản trong quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Nhật. Ảnh: Japan Times
Ngoại giao gôn là đặc sản trong quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Nhật. Ảnh: Japan Times

“Nhắc khéo” đồng minh

Tất nhiên, Thủ tướng Nhật Bản chắc chắn cũng không quên “nhắc khéo” người đồng cấp Mỹ về những lợi ích mà Washington có được thông qua Nhật Bản về vấn đề kinh tế thương mại, chứ không phải như ông Trump vẫn nghĩ rằng, Tokyo luôn được lợi hơn còn Mỹ chịu thiệt thòi hơn trong quan hệ thương mại song phương. Có thể nhắc tới việc các sản phẩm thép của Nhật Bản đã giúp cho những chiếc ô tô được sản xuất tại Mỹ có giá thành cạnh tranh hơn. “Lời nhắc nhở” này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh, Mỹ mới đây bất chấp quan hệ đồng minh đã không đưa Nhật Bản vào danh sách các quốc gia được miễn trừ thuế nhập khẩu nhôm và thép mới ban hành.

Không những thế, những trao đổi kỹ hơn về khả năng Mỹ có thể tái gia nhập Hiệp định TPP như tuyên bố của Tổng thống Mỹ mới đây cũng sẽ được Thủ tướng Nhật Bản tập trung. Một khi Mỹ thực sự có thể quay trở lại TPP, tức là Nhật Bản có thể hồi sinh vai trò đồng dẫn dắt về kinh tế trong khu vực, cũng sẽ đồng nghĩa, cử tri trong nước sẽ có lòng tin hơn vào chiến lược kinh tế Abenomic mà ông Abe vẫn đang thúc đẩy. Đây sẽ là bước đệm rất tốt trước khi diễn ra cuộc bầu cử Chủ tịch Đảng Dân chủ tự do (LDP) vào tháng 9 tới.

Còn về phía Mỹ, ngoài việc tìm kiếm mối quan hệ hợp tác thương mại công bằng hơn với Nhật Bản, Tổng thống Trump chắc chắn cũng không muốn bỏ lỡ cơ hội quay trở lại vai trò kiến tạo nền tảng để xây dựng một khu vực thương mại tự do rộng lớn do Mỹ dẫn đầu. Nhất là trong bối cảnh, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang gia tăng và Bắc Kinh lại đang có nhiều lợi thế hơn về lĩnh vực này trong khu vực. Mặc dù ngay sau cuộc gặp Thủ tướng Abe tại Mar-a-Lago vừa qua, ông Trump một lần nữa đã “chê” TPP trên trang Twitter cá nhân. Thế nhưng, “chê” là một chuyện, còn thực tế ra sao lại là chuyện khác!

Bởi thế, dù có thể có những tính toán riêng cho vấn đề Triều Tiên nhưng chắc chắn rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ khó có thể “quay lưng” với người bạn tốt và tin cậy hàng đầu khu vực là Nhật Bản. Và rằng, Thủ tướng Nhật Bản ít nhiều cũng sẽ đạt được những mục tiêu đặt ra trong chuyến công du ý nghĩa lần này.

“Trump - Abe: Quan hệ cá nhân tốt đẹp”

Không chỉ gắn kết trong quan hệ đồng minh, cá nhân Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Shinzo Abe cũng có mối quan hệ rất tốt kể từ ông Trump lên nắm quyền. Trong khi nhiều nhà lãnh đạo các nước kể cả các quốc gia đồng minh không đồng tình với ông Trump trong hàng loạt vấn đề, Thủ tướng Abe đã công khai ủng hộ ông Trump, ngay cả khi người đồng cấp Mỹ không ít lần “phàn nàn” về mối quan hệ không công bằng với Tokyo. Ông Abe cũng là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp ông Trump tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago sau chiến thắng của ông Trump hồi cuối năm 2016. Hai người cũng thường xuyên có các cuộc chuyện trò qua điện thoại, tặng quà cho nhau như những người bạn thực sự. Ngay như sau thời điểm ông Trump đắc cử Tổng thống, ông Abe đã tặng cho ông Trump một chiếc gậy đánh gôn, vừa để chúc mừng chiến thắng vừa là để chia sẻ sở thích chung giữa hai người.

Tin mới