Đồng thuận trong triển khai dự án Khu công nghiệp Hemaraj

(Baonghean) - Khu đô thị công nghiệp dịch vụ Hemaraj là dự án trọng điểm của Nghệ An. Dự án có tổng mức đầu tư trên 2.000 tỷ đồng dự kiến khởi công trong năm 2017. Hiện nay với sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của các cấp, các ngành, đã có gần 90% diện tích được người dân ký nhận hồ sơ đền bù, 1.018/1.196 hộ dân đồng ý. 

Tích cực giải phóng mặt bằng

Để giải phóng mặt bằng cho dự án Khu đô thị công nghiệp dịch vụ Hemaraj, bình quân một hộ dân ở 2 xã Nghi Long, Nghi Thuận (Nghi Lộc) được đền bù khoảng 2-3 sào đất, mỗi sào 82 - 90 triệu đồng (gồm cả tiền hỗ trợ), thì mỗi hộ được nhận số tiền khoảng gần 200 triệu đồng.

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền địa phương từ huyện đến xã, xóm, huyện Nghi Lộc đã làm tốt công tác GPMB trong hơn 1 năm qua. Lãnh đạo huyện Nghi Lộc luôn bám hiện trường, tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và nhường đất cho dự án.

Dự án Hemaraj giai đoạn 1 nằm cạnh đường N5 đoạn qua xã Nghi Thuận (Nghi Lộc). Ảnh: Châu Lan
Dự án Hemaraj giai đoạn 1 nằm cạnh đường N5 đoạn qua xã Nghi Thuận (Nghi Lộc). Ảnh: Châu Lan

Đến nay với sự đồng thuận của nhân dân, huyện đã ban hành 2 quyết định thu hồi đất với tổng diện tích 59,33ha; đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ (BT, HT) cho 675 hộ dân với tổng số tiền 103 tỷ đồng. 

Có 351 hộ dân xã Nghi Thuận đã ký hồ sơ đang được UBND huyện hoàn thiện hồ sơ để ban hành Quyết định phê duyệt thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ. 

Ở xã Nghi Long, đã có 548/567 hộ dân ký hồ sơ với tổng diện tích 44,5ha (đã có Quyết định thu hồi đất). Xã Nghi Thuận đã có 470/629 hộ dân ký hồ sơ với tổng diện tích đã ký là 49,5ha.

Theo nguyên tắc thỏa thuận giữa UBND tỉnh Nghệ An với nhà đầu tư Thái Lan là Công ty TNHH phát triển đất đai Hemaraj đầu tư Dự án xây dựng, kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp và đô thị Hemaraj tại Khu kinh tế Đông Nam tỉnh Nghệ An thì giá đền bù GPMB không quá 2 tỷ đồng/ha.

UBND tỉnh Nghệ An cam kết thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư theo kế hoạch, tiến độ đầu tư của chủ đầu tư theo từng giai đoạn. Trong đó kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng diện tích đất khu công nghiệp trước mắt UBND tỉnh Nghệ An bỏ ra 10% tổng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, Công ty TNHH phát triển đất đai Hemaraj ứng trước 90% tổng chi phí giải phóng mặt bằng theo phương án được duyệt (không tính lãi suất).

Quy hoạch chi tiết tiểu dự án khu công nghiệp Hemaraj 148 ha ở xã Nghi Thuận (Nghi Lộc). Ảnh: Châu Lan
Quy hoạch chi tiết tiểu dự án khu công nghiệp Hemaraj 148 ha ở xã Nghi Thuận (Nghi Lộc). Ảnh: Châu Lan

Nghệ An sẽ hoàn trả lại số tiền ứng trước này cho Công ty TNHH phát triển đất đai Hemaraj trong vòng 5 năm sau khi trừ tiền sử dụng đất phải nộp đối với dự án.

Mới đây, tại cuộc họp với lãnh đạo tỉnh về tiến độ dự án này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường đã giao UBND huyện Nghi Lộc chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ và chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân đối với khu vực đã ban hành quyết định thu hồi đất với tổng diện tích 27,05 ha, để giao cho Công ty Hemaraj. Chỉ đạo giải phóng mặt bằng phần diện tích ngoài ranh giới quy hoạch của dự án KCN Hemaraj và hoàn thành GPMB bàn giao cho nhà đầu tư.

Tiếp tục triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đối với phần còn lại.

Còn khó khăn vướng mắc

Nhân dân các xóm 4, 5, 6, 7, 8, 9 và 10 xã Nghi Thuận đang kiến nghị lập hồ sơ bồi thường phần diện tích còn lại nằm ngoài quy hoạch do không có hệ thống mương tưới, tiêu úng và không có đường giao thông đi lại (UBND huyện chưa đề xuất thu hồi đợt 1) với diện tích 4,96 ha.

Trong khi đó, nhân dân các xóm 12, 13, 14 và UBND xã Nghi Long kiến nghị lập hồ sơ hỗ trợ đất thầu khoán với các hộ dân tại khu vực Tây kênh Long Thuận. Qua kiểm tra bản đồ 299 xã Nghi Thuận và xã Nghi Long thì khu vực này thuộc địa giới hành chính xã Nghi Long. Theo kết quả đo đạc bản đồ địa chính, tổng diện tích 5ha bao gồm 2,3 ha thuộc địa giới xã Nghi Thuận, 2,7ha thuộc địa giới xã Nghi Long.

Về nguồn gốc và quá trình sử dụng đất, UBND huyện Nghi Lộc cho biết: Trước năm 1987, khu vực này được người dân các xóm 9, 12, 13, 14 xã Nghi Long được giao đất để trồng lúa.

Đến năm 1990, sau khi kênh Long Thuận hoàn thành thì phần phía Tây kênh không còn được các hộ dân sản xuất nữa do giao thông đi lại không thuận lợi. Từ năm 1991 đến năm 2015, UBND xã quản lý, hợp đồng thầu khoán với các hộ dân trồng lúa, hàng năm đều thu nghĩa vụ tài chính. Từ năm 2016 đến nay, mặc dù đã hết thời hạn trong hợp đồng nhưng các hộ dân vẫn tiếp tục sản xuất. 

Người dân còn kiến nghị thêm về chế độ bồi thường đối với  rừng cây và nghĩa trang Chợ Trụt. 

Nguyện vọng của người dân 

Cán bộ làm công tác GPMB huyện Nghi Lộc trao đổi với các hộ dân về chính sách đền bù. Ảnh: Trân Châu
Cán bộ làm công tác GPMB huyện Nghi Lộc trao đổi với các hộ dân về chính sách đền bù. Ảnh: Trân Châu

Với sự xuất hiện của nhiều dự án vào khu  kinh tế Đông Nam và nay là dự án khu công nghiệp Hemaraj, người dân Nghi Long và Nghi Thuận đã trải qua rất nhiều lần đền bù giải phóng mặt bằng. 

Xóm trưởng xóm 2 xã Nghi Long, ông Nguyễn Văn Lý cho biết: Nhân dân xóm 2 Nghi Long bị thu hồi 21 ha cho dự án Hemaraj. Đến nay, hơn 95% số hộ dân đã ký hồ sơ đền bù. Hầu hết nhân dân đồng thuận, mong nhà đầu tư chuyển tiền đền bù về cho chi trả để nhân dân sớm ổn định tư tưởng, tìm kiếm việc làm mới sau khi giao đất.

Theo chế độ chính sách đền bù của tỉnh, ông Nguyễn Văn Lý tính toán một sào được đền bù  khoảng  82,5  - 90 triệu đồng (55.000 đồng/m2, gồm cả tiền đền bù và tiền hỗ trợ chuyển đổi). Trong xóm 2, có ông Nguyễn Văn Sửu thu hồi 8 sào, hộ thu hồi nhiều thứ 2 là Nguyễn Viết Mùi 7 sào, hộ thứ 3 là ông Võ  Đình Liên gần 7 sào, các hộ khác từ 2-3 sào...

Xóm 2 đã 4 lần bị thu hồi đất. Từ 57 ha đất nông nghiệp ban đầu nay cả xóm chỉ còn gần 8 ha đất lúa. Năm 2004 là năm đầu tiên Nhà nước thu hồi đất khu công nghiệp Nam Cấm, năm 2008 thu hồi tiếp để xây dựng Nhà máy Vật tư nông nghiệp, tiếp đó dự án công trình kiểm định ô tô, lần thứ 4 là dự án Hemaraj.

Đất đai sản xuất đã gần hết, nguyện vọng của người dân được Nhà nước hoặc dự án đầu tư giao thông thủy lợi trong xóm bởi hiện nay đường sá xuống cấp, đi lại khó khăn. Khi dự án đi vào hoạt động, người dân mong muốn được tạo việc làm cho con em bởi hiện nay trong xóm còn hơn 50 thanh niên chưa có việc làm, chưa kể đến hàng trăm lao động từ 35 tuổi trở lên trước đó làm nông nghiệp giờ không còn việc.

Cùng chung nỗi niềm, ông Nguyễn Lộc - Chủ tịch UBND xã Nghi Thuận cho biết, xã bị thu hồi 90 ha cho dự án Hemaraj với 1.400 hộ dân bị ảnh hưởng. Tính cả dự án trước nữa thì Nghi Thuận đã bị thu hồi 170 ha đất. Và hiện nay khoảng hơn 700 hộ bị thiếu việc làm. Chính vì vậy người dân tha thiết các dự án ưu tiên đào tạo, tuyển dụng con em 2 xã vào làm việc trong khu kinh tế Đông Nam.

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc cho biết: Huyện mong muốn tỉnh cho phép UBND huyện lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích ngoài quy hoạch nhưng không sản xuất được và không có hệ thống mương tưới, tiêu úng và không có đường giao thông đi lại.


Trân Châu 

TIN LIÊN QUAN

Tin mới