Đồng tiền nhỏ bé

Với nhiều người, Tết đồng nghĩa với “ác mộng”. Bạn tôi là một trong số những người như vậy.

Làm account của một công ty quảng cáo, những ngày này, sau khi đã chạy đủ chỉ tiêu kinh doanh thì trận chiến thực sự mới nổ ra: Công cuộc đòi tiền nợ của các hợp đồng chưa quyết toán. Sếp của nó thẳng thừng tuyên bố: “Bằng mọi cách, các em phải đòi được tiền về cho công ty trước Tết, kể cả là dùng những lý do hèn nhất”. Nhóm chúng tôi đã được dịp cười vỡ bụng khi nó gửi ảnh chụp màn hình chỉ đạo nói trên của sếp vào nhóm chat và xin chúng tôi vài lời tư vấn. Hiển nhiên không cái nào được nó chọn gửi đi cho khách cả. Tôi đặc biệt thích cái này: “Dear chị, công ty em đang bị hỏng nhà vệ sinh nên mong chị thanh toán trước Tết để bọn em có thể sửa sớm. Hoặc, chị có thể cho nhân viên công ty em sang dùng nhờ nhà vệ sinh công ty chị được không ạ?”. Tôi đoán lý do này vẫn chưa đủ hèn.

Thế nhưng khi bạn tôi gửi cho chúng tôi xem email trả lời của khách hàng thì bọn tôi mới cảm thấy xấu hổ. Nguyên văn nhé: “Dear em, chị rất buồn phải thông báo với em tình hình tài chính của công ty chị đang trên con đường kiệt quệ. Công ty chị không thể thanh toán cho em trước Tết được. Em thông cảm nhé, chúc em ăn Tết vui vẻ!”. Ai mà nỡ đòi tiền sau khi đọc được một cái email hèn mọn đến mức đáng thương và đáng khinh như vậy chứ? Có đòi cũng chẳng sơ múi được gì, đồng nghĩa với việc bạn tôi không đòi được tiền và là kẻ thua cuộc trong trận chiến xem mặt ai dày hơn này.

Sau khi cười đã đời với nhau, đứa nào đó trong nhóm thốt lên một câu khiến tất cả phải suy nghĩ: “Thế mới biết khi dính dáng đến tiền thì người ta sẵn sàng vứt liêm sỉ sang một bên”. Tôi tự hỏi nếu tôi ở vị trí của bạn tôi – kẻ đi đòi tiền hoặc của vị khách hàng kia – kẻ bị đòi tiền, liệu tôi có thể thốt ra những câu chữ hèn mọn như họ không hay sẽ khăng khăng giữ lấy tự tôn cho mình? Tôi cũng không dám chắc. Tự nhiên tôi thấy câu chuyện nói trên không còn buồn cười chút nào nữa. Tôi thấy buồn cho bạn tôi, cho người khách hàng kia và thấy may mắn khi bản thân không rơi vào tình huống tương tự.

Con người là ông chủ của tiền bạc hay tiền bạc là ông chủ của con người? Ngay cả những người giàu có đứng trước câu hỏi này chắc hẳn cũng sẽ phải suy nghĩ trước khi đưa ra câu trả lời. Họ sở hữu vật chất hay vật chất sở hữu họ? Hai cái bề ngoài tuy giống nhau nhưng bản chất bên trong hoàn toàn khác. Sự khác biệt đó, chỉ có bản thân ta là người rõ nhất.

Tiền bạc luôn là một cái gì đó khó nói đến, khó tranh luận, khó phán xét, khó nắm bắt. Đôi khi nó tốt và đôi khi nó xấu. Đôi khi người ta muốn có nhiều tiền, đôi khi người ta chán ghét nó. Đôi khi nó đem đến niềm vui, đôi khi nó mang lại bất hạnh. Hoặc cũng có thể, đồng tiền không có lỗi mà lỗi nằm ở cách chúng ta nhìn nhận và sử dụng nó.

Một đứa em tôi quen khoe nó đang đi làm thêm ở rạp chiếu phim. Những đồng tiền đầu tiên tự nó kiếm ra sau 20 năm sống trong vòng tay bao bọc của bố mẹ. Hôm qua tôi tiện đường tạt ngó xem nó làm việc thế nào, buồn mồm mua một hộp bỏng ngô giá 80 nghìn và ăn hết trong 15 phút. Con bé nhìn tôi và nói “Chị vừa ăn hết 4 tiếng đứng soát vé của em”. Tôi nhún vai trả lời: “Còn em thì vừa lớn lên thêm chút nữa đấy”.