Đột phá mới trong kêu gọi thu hút đầu tư

(Baonghean) - Những năm gần đây, Nghệ An xác định thu hút đầu tư là đòn bẩy chủ lực để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; từ đó cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; tập trung kêu gọi các nhà đầu tư, các tổng công ty, các tập đoàn lớn, có thương hiệu mạnh trong và ngoài nước đầu tư vào địa bàn. Đồng thời coi thành công của các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi đầu tư, kinh doanh vào tỉnh là thành công chung trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội...

Một quan điểm xuyên suốt, thống nhất trong chỉ đạo điều hành của lãnh đạo tỉnh được đặt ra, đó là: “Để Nghệ An phát triển kinh tế nhanh, toàn diện và bền vững, sớm trở thành một tỉnh khá trong khu vực phía Bắc, thì nhiệm vụ cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, nhằm tập trung thu hút đầu tư trong và ngoài nước, chú trọng phát triển một số ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học - công nghệ và giá trị gia tăng cao; phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sạch, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường,... vừa là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, vừa là giải pháp mang tính đột phá, cần ưu tiên tập trung triển khai trong thời gian tới”.

Thi công cầu cảng Nghi Thiết.	Ảnh: C.L
Thi công cầu cảng Nghi Thiết. Ảnh: C.L

 Kết quả thu hút đầu tư của năm 2016 là một minh chứng cụ thể cho những nhận định trên, toàn tỉnh đã cấp mới 141 dự án, với tổng vốn đầu tư 35.441 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều dự án lớn, sử dụng công nghệ cao đã đi vào hoạt động có hiệu quả, tạo được nhiều việc làm và nộp ngân sách lớn, như: Nhà máy gỗ MDF của Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm; 2 Nhà máy Tôn Hoa Sen của Tập đoàn Hoa Sen; Nhà máy Xi măng Sông Lam 1, Sông Lam 2 của Tập đoàn Xi măng The Vissai; Nhà máy Thức ăn chăn nuôi; các Nhà máy Chăn nuôi bò thịt và bò giống và Trung tâm công nghệ thực phẩm Masan Miền Bắc của Tập đoàn Masan; Nhà máy thức ăn chăn nuôi Mavin AustFeed của Tập đoàn Mavin; Nhà máy may Hi-Tex Hàn Quốc; Chuỗi hơn 10 khách sạn của Tập đoàn Mường Thanh; Tổ hợp khách sạn, khu vui chơi giải trí và biệt thự nghỉ dưỡng Vinpearl Cửa Hội của Tập đoàn Vingroup,…

Đặc biệt là dự án Khu Công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An của Công ty Liên doanh TNHH Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore và Dự án Khu công nghiệp, đô thị WHA Hemaraj tại Khu Kinh tế Đông Nam của Liên doanh Tập đoàn Hemaraj (Thái Lan) và Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 4 đang được gấp rút triển khai.

Bên cạnh đó, nhiều công trình hạ tầng quan trọng như sân bay, cảng biển, giao thông, điện, nước, viễn thông,... đã và đang được tỉnh tập trung đầu tư nâng cấp, kết nối đồng bộ, để tiếp tục hỗ trợ tốt nhất cho các nhà đầu tư thực hiện hiệu quả các dự án trên địa bàn tỉnh.

Định hướng hoạt động xúc tiến đầu tư năm 2017 của tỉnh là tập trung thu hút các dự án công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất linh kiện điện tử và các phần mềm và sản phẩm dịch vụ thông minh (smart); các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đầu tư chiều sâu, hiện đại, nâng cao hiệu quả quản lý đối với các dự án khai thác chế biến khoáng sản gắn với bảo vệ tài nguyên - môi trường. Phát triển công nghiệp sản xuất và phân phối điện, nước theo hướng hiện đại.

Tập trung xây dựng Khu Kinh tế Đông Nam thành khu kinh tế đa ngành, đa chức năng và xứng đáng là một khu kinh tế ven biển trọng điểm của Quốc gia, lấy hạt nhân là thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào Khu Công nghiệp, dịch vụ và đô thị VSIP Nghệ An; Khu Công nghiệp, đô thị WHA Hemaraj tại Khu Kinh tế Đông Nam. Phấn đấu mục tiêu trong năm 2017 thu hút đầu tư vào tỉnh Nghệ An được khoảng trên 100 dự án với số vốn đăng ký đạt từ 30.000 - 35.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu kêu gọi đầu tư mạnh vào FDI khoảng 10.000 - 12.000 tỷ đồng, tạo việc làm mới cho khoảng 13.000 - 15.000 lao động.

 

Để thực hiện được các mục tiêu trên, tỉnh Nghệ An đã có những thay đổi quan trọng về tư duy, cách làm mới mang tính đột phá trong phương pháp tiếp cận và kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư lớn, có thương hiệu trong và ngoài nước, cung cấp đầy đủ, kịp thời các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư của Trung ương và địa phương; từng bước rà soát, xây dựng quỹ đất sạch để sẵn sàng giao đất cho nhà đầu tư khi có nhu cầu.

Cùng đó, xây dựng kế hoạch, chương trình xúc tiến đầu tư sát đúng với định hướng ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn cần tập trung kêu gọi đầu tư. Tập trung công tác đào tạo nguồn nhân lực và nhân lực chất lượng cao cho các dự án lớn trong tỉnh. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác xúc tiến và hỗ trợ đầu tư chuyên nghiệp thông qua việc thành lập Trung tâm Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư trực thuộc UBND tỉnh. Tạo lập môi trường thuận lợi đầu tư kinh doanh thuận lợi để phát triển doanh nghiệp, đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của sự phát triển, xây dựng bộ máy hành chính phục vụ, kiến tạo, liêm chính, thực sự sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp, làm tốt công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ để các nhà đầu tư yên tâm sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, bền vững tại Nghệ An.

Nguyễn Văn Nam

(PGĐ Trung tâm XT-HT đầu tư Nghệ An)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới