ĐT Việt Nam: 'Đụng trần' và khả năng vượt trần

(Baonghean.vn) -​Sau trận đấu gặp ĐT Oman ở vòng loại thứ 3 World Cup 2020, bóng đá Việt thực sự “ngấm” điều lâu nay ai cũng biết nhưng không muốn biết: bóng đá châu lục là một đẳng cấp khác và thua trận là điều hiển nhiên.

Trong sân cỏ, đối thủ lão luyện ở sân chơi lớn này nên vào trận đủ binh tình, lực lượng để áp đặt lối chơi trước ĐT Việt Nam non nớt về mọi mặt. Có thể điều kiện thể hình, thể lực là nguyên nhân đầu tiên khiến cho ĐT Việt Nam bất lợi khi chơi bóng bổng nhưng kể cả khi không bất lợi, thầy trò ông Park Hang-seo cũng gặp khó khi đối thủ luôn có những ngôi sao đẳng cấp gây khó dễ cho tuyến ngự của đội bóng số 1 Đông Nam Á. Wu Lei (Trung Quốc), Isslam (Oman)…là những mẫu cầu thủ luôn biết cách chứng minh sự hơn hẳn của họ trước đội bóng lần đầu ra sân chơi lớn như ĐT Việt Nam.

Tiến Linh ghi bàn cho đội tuyển VN trận đấu với Oman. Ảnh: AFF
Tiến Linh ghi bàn cho đội tuyển VN trận đấu với Oman. Ảnh: AFF

Ngoài sân cỏ, khi công nghệ VAR được áp dụng, có vẻ như phần thua thiệt hay thiếu may mắn luôn đồng hành với ĐT Việt Nam. Lý do lớn nhất là V. League chưa có VAR, cầu thủ không quen nên vào trận cứ mang đầy đủ chất “vùng trũng” ra vung chân, múa tay và ăn đòn từ VAR là không tránh khỏi.

Đến đây, phải thấy thêm một thực tế nữa là khu kỹ thuật của đối thủ là những nhân vật có đẳng cấp cao nếu so với ông Park Hang-seo và dàn cộng sự. Ông Park có lý lịch là trợ lý HLV trưởng ĐT Hàn Quốc dự World Cup 2002, HLV trưởng U23 Hàn Quốc dự ASIAD Busan 2002, thành công vang dội với ĐT Việt Nam, U23 Việt Nam nhưng nếu so với HLV trưởng Oman, ông B. Ivankovic lại là câu chuyện khác. Đó là người cũng từng làm trợ lý cho HLV trưởng đội Croatia đoạt hạng 2 World Cup 1998, là người chiến thắng chính ông Park tại ASIAD Busan 2002 tại bán kết sau đó giành HCV cho ĐT Iran, để sau đó lại dẫn dắt đội Iran vào VCK World Cup 2006.

Hoặc có thể nói đến HLV Li Tie của ĐT Trung Quốc có thể không có “hồ sơ” long lanh như ông Park nhưng đây là tuyển thủ từng thi đấu ở Giải Ngoại hạng Anh. Khi đối đầu với nhau, ông Li Tie trẻ tuổi nhưng tỏ ra rất già rơ không ồ ạt tấn công ĐT Việt Nam, tìm cách “dụ” đối thủ dâng cao rồi phất bóng dài, dùng tốc độ và sức bền để ghi bàn. Sau đó lại là bài bóng bổng rót vào chỗ yếu kém nhất của đối thủ, lặp đi lặp lại mà vẫn hiệu quả như thường…

Để nói, sức lực ĐT Việt Nam đã phát huy hết trong những trận đấu vừa qua nhưng chừng đó là không đủ khi ra sân chơi lớn, gặp đối thủ lớn và vô vàn điều mới lạ chưa từng gặp trong và ngoài sân cỏ. Ý chí của từng người, của một tập thể là cần thiết, nhưng nếu năng lực đến “ngưỡng” thì mọi chuyện cũng chỉ dừng lại ở chỗ “biểu dương”, “ghi nhận” mà thôi, còn kết quả là một câu chuyện xa vời.

Có thể năng lực một số cầu thủ qua từng trận đấu liên tục được phát hiện, nâng cấp, chứng minh như Hoàng Đức, Trọng Hoàng, Tiến Linh, Quang Hải, phần nào đó Tấn Tài, nhưng cũng qua từng trận nhiều cầu thủ dường như đến độ “đụng trần” hoặc thấp hơn trần như Tấn Trường, Ngọc Hải, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Đức, Đức Huy, Hồng Duy, Văn Thanh, Văn Toàn…

Điều này để thấy, nếu ĐT Việt Nam muốn tiếp tục làm được một điều gì đấy ở sân chơi châu lục, giữ được ngôi vị ở khu vực thì phải xem xét lại, bổ sung lại lực lượng sớm nhất có thể. Ông Park Hang-seo từng bộc lộ chuyện nhiều cầu thủ được gọi lên nhưng không đáp ứng được, đành phải trả về. Đúng vậy, nhưng liệu trong số những cầu thủ chơi tốt ở V. League lâu nay nhưng vì lý do nào đó chưa được gọi, liệu tới đây có được thử sức không? Liệu có những người bị coi là “không phù hợp lối chơi” đội tuyển có được bồi dưỡng để thực sự thay đổi cho phù hợp hay không?

Việc ông Park rất mạnh dạn đôn cầu thủ trẻ U23 VN lên ĐT Việt Nam và tung vào sân như Thanh Bình, rồi lại trả về sớm vì sai lầm của cả thầy lẫn trò nên được tiếp thu, sửa sai như thế nào khi rõ ràng, ĐT Việt Nam luôn cần sự tươi mới, nhiệt huyết từ những tài năng trẻ, kế cận.

Và điều cần nói sớm, nói ngay nữa là thái độ thi đấu của từng người khi ra sân chơi châu lục. Việc ĐT Việt Nam nhận quá nhiều quả phạt đền vừa qua là bài học đắt giá nhất mà dứt khoát phải từ bỏ. Ngoại trừ những tình huống bất khả kháng, thì những cú nhảy xô người vô nghĩa trong vòng cấm, những cú vung tay thừa thãi và tai hại, những lần cãi cự kiểu trẻ con…đều đáng phải bị “kỷ luật” đích đáng từ trọng tài, từ án nội bộ, từ dư luận…để không thể diễn ra trong bất cứ sân chơi nào, hoàn cảnh nào…

Bổ sung rất nhiều năng lượng tích cực cho hành trình mới, đồng thời loại bỏ những sai lầm không đáng có sẽ giúp cho ĐT Việt Nam từng bước lớn lên, trưởng thành, đủ sức lực để “sánh vai” “vươn vai” làm nên những chiến công mới ở tầm châu lục. Khó, rất khó nhưng bắt buộc phải làm và làm tốt, tránh cho kỳ được “vết xe đổ” của người hàng xóm Thái Lan? Đã có nhiều nhân tố “đụng trần” nhưng ĐT Việt Nam phải biết cách để “vượt trần”!!!

Tin mới