ĐT Việt Nam: Lỗ hổng chết người từ các tình huống bóng chết

(Baonghean.vn) - 10 trận đấu gần đây nhất, đội tuyển Việt Nam thủng lưới 7 bàn, 5 trong số đó từ các tình huống bóng chết. Lỗ hổng ấy vẫn chưa được bịt kín khi mà Asian Cup 2019 đang kề cận khiến người hâm mộ càng lo lắng.

Phải nói ông Park Hang-seo đã khá kỳ công khi xây dựng tuyến phòng thủ 3 trung vệ cả U23, Olympic Việt Nam và giờ đây là đội tuyển. Triết lý bóng đá, không được để thua trước khi có bàn thắng của ông thầy người Hàn Quốc đã được thấm xuống từng học trò.

Chúng ta chơi phòng ngự phản công mà để thua sớm thì cực kỳ gặp khó khăn. Kể từ AFF Cup 2018 cho đến giờ, rất may đội tuyển chưa từng lâm vào tình trạng này, nhưng việc để 5 bàn thua từ các pha phạt góc, đá phạt vẫn là nỗi lo.

Đi tìm nguyên nhân

Đầu năm ở vòng chung kết giải U.23 châu Á, 7 trong 9 bàn thua của U.23 Việt Nam đều từ đá phạt. Đến AFF Cup 2018, 3 trong 4 bàn thua của tuyển Việt Nam cũng rơi vào tình trạng tương tự. 

Kể từ đầu tháng 11 đến nay, Việt Nam để thủng lưới 7 bàn sau 8 trận AFF Cup và 2 trận giao hữu. Khá ngạc nhiên khi 5 trong số 7 bàn thua đó đến từ một kịch bản quen thuộc, đó là bóng chết. Ở trận hòa CHDCND Triều Tiên trên sân Mỹ Đình, thủ môn Tiến Dũng của Việt Nam phải nhận bàn thua từ một quả đá phạt gần vòng cấm của đối thủ.

Hàng rào 5 người không thể kiểm soát được cú sút góc xa của Safari (11, Malaysia). Ảnh: Trung Kiên
Hàng rào 5 người không thể kiểm soát được cú sút góc xa của Safari (11, Malaysia). Ảnh: Trung Kiên

Ở trận thắng 4-2 trước Philippines vừa qua, bàn thua đầu tiên mà Việt Nam phải nhận cũng đến từ một tình huống phạt góc, bóng lập bập trong vòng cấm và cầu thủ đối phương nhanh chân dứt điểm rút ngắn tỷ số xuống 1-2. Như thế cả thủ môn Văn Lâm và Tiến Dũng đều đã phải vào lưới nhặt bóng từ các pha cố định.

Trước hết, khi đối đầu với các cầu thủ Philippines, CHDCND Triều Tiên có thể hình cao to, lối đá tốc độ, khi mất bóng các cầu thủ Việt Nam không còn cách nào khác là phải phạm lỗi, dù biết như vậy là rất nguy hiểm. Tại Asian Cup 2019, các cầu thủ Trung Á cũng sẽ có những mối đe dọa tương tự nhờ thể lực vượt trội chúng ta.

Các cầu thủ Việt Nam có chiều cao khiêm tốn, lại nhỏ con nên hàng rào không phát huy nhiều tác dụng. Bàn thua thứ hai ở chung kết lượt đi trước Malaysia tại AFF Cup là cả hàng rào 5 người (Duy Mạnh, Huy Hùng, Văn Hậu, Ngọc Hải và Tiến Linh) chưa đủ kín, Văn Lâm lại không thể kiểm soát được góc xa.

Trong khi đó chúng ta lại gặp phải đối thủ có những cầu thủ sở hữu kỹ thuật sút phạt đẳng cấp như Jong Il Gwan (CHDCND Triều Tiên), bóng đi căng, quỹ đạo có độ khó cao. Muốn cản phá được các pha bóng như thế thủ môn phải phán đoán chính xác và có độ rướn tốt.

Trong 5 bàn thua, có 2 lần thủ môn Văn Lâm và Tiến Dũng bắt bài, nhún sẵn hướng bay người và đều bị bất ngờ bởi phán đoán sai hướng bóng. Khó thể trách các thủ môn bởi cảm nhận được hướng bóng khi đối thủ ra chân thì họ đành chọn phương án 50/50 như thế. Nhưng nó cảnh báo tại Asian Cup 2019 trình độ cỡ Jong Il Gwan là không ít, nếu như không muốn nói có nhiều cầu thủ còn nổi trội hơn.

Bàn thua từ tình huống lộn xộn trước khu vực cầu môn cho thấy vai trò chỉ huy của đội trưởng Quế Ngọc Hải cần phải được đề cao, từ khâu lập hàng rào đến kèm người khu vực. Đông người nhưng không theo kèm chặt thì khung thành của Văn Lâm vẫn bị thủng lưới như thường. Không chỉ kèm các tiền đạo mà chúng ta cần chú ý cả những pha ghi bàn như hậu vệ Malaysia đã từng thực hiện.

Bốc thuốc cắt bệnh

Ông Park và các cộng sự đã thấy rõ bất cập này. Trong nhiều buổi tập gần đây tại Doha (Qatar), ông liên tục "chỉnh" từng lỗi của các cầu thủ cách vào bóng, cách lấy bóng như thế nào trước các đối thủ to cao mà hạn chế thấp nhất phạm lỗi.

Ông cũng nhắc nhở những cầu thủ như Bùi Tiến Dũng, Duy Mạnh, Đoàn Văn Hậu, Trọng Hoàng hay Ngân Văn Đại là phải biết kiềm chế cái đầu. Các tiền đạo lẫn hậu vệ không được chuyền bóng khi ở thế bất lợi, không được trả đũa khi bị khiêu khích.

Ông Park yêu cầu thủ môn Văn Lâm phải thực sự tập trung trước những pha bóng xuất phát từ tình huống cố định, ra vào dứt khoát và phải phán đoán nhanh để kịp phản xạ cản phá những cú sút khó của đối phương. Ảnh tư liệu
Ông Park yêu cầu thủ môn Văn Lâm phải thực sự tập trung trước những pha bóng xuất phát từ tình huống cố định, ra vào dứt khoát và phải phán đoán nhanh để kịp phản xạ cản phá những cú sút khó của đối phương. Ảnh tư liệu

Ông Park cũng quan tâm đến việc xây dựng hàng rào chống đá phạt. Do thể hình nhỏ nên 5 cầu thủ Việt Nam đứng chắn trước bóng cũng không thể nào bịt hết các góc sút của đối phương. Để tránh đường bóng bay lượn sát hàng rào vào góc xa thủ môn thì số lượng cầu thủ có thể hình tốt hơn phải dày hơn khi xây dựng hàng rào.

Tại Asian Cup 2019 thì 4 cầu thủ Ngọc Hải, Thành Chung, Duy Mạnh và Đoàn Văn Hậu là “khung cứng” xây dựng hàng rào và Ngọc Hải có trách nhiệm phân công kèm người trước khung thành để chống lại các quả phạt đá thẳng.

Bên cạnh đó, nhà cầm quân người Hàn Quốc cũng đã cho tập nhiều bài phòng ngự số đông để bịt kín các không gian không cho các cầu thủ Tây Á rảnh chân tung ra những cú dứt điểm.

Vai trò của thủ môn Văn Lâm cũng được điều chỉnh, theo đó anh phải thực sự tập trung trước những pha bóng xuất phát từ tình huống cố định, ra vào dứt khoát và phải phán đoán nhanh để kịp phản xạ cản phá những cú sút khó của đối phương.

Vấn đề bây giờ là các học trò có làm được đúng ý đồ của ông thầy Hàn Quốc hay không mà thôi!

Tin mới