Dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa còn chung chung, mơ hồ

(Baonghean.vn) - Cơ bản đồng tình với việc ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tuy nhiên hầu hết các ý kiến góp ý đều cho rằng, dự án luật này còn sơ sài, chung chung, mơ hồ, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Góp ý vào dự án luật, ông Hà Lê Dũng - Phó Cục trưởng Cục thuế Nghệ An bày tỏ sự lo ngại về tên gọi của luật là “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa” vì nếu hỗ trợ thì vi phạm luật cạnh tranh khi nước ta tham gia hội nhập kinh tế quốc tế. Còn về nội dung, ông Dũng đánh giá, dự án luật viết nhiều vấn đề để hỗ trợ nhưng “đọc đi đọc lại” chưa thấy hỗ trợ gì?

“Hàn Quốc có Luật “doanh nghiệp lớn không được làm những việc nhỏ” và sau đó chi tiết những việc nhỏ doanh nghiệp lớn không được làm. Phải nghĩ ra cần câu cơm, tạo việc làm cho họ” - ông Dũng góp ý.  

Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thanh Hiền chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Sáng 14/4, đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức lấy ý kiến góp ý vào dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng chí Nguyễn Thanh Hiền - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì cuộc làm việc.

Cùng dự có đồng chí Trần Văn Mão - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, đại diện một số cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh, các hội doanh nghiệp…

Còn ông Phạm Đình Ngân - đại diện Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam chi ngánh Nghệ An (VCCI Nghệ An) tỏ ra băn khoăn khi cho rằng, Việt Nam đang muốn tạo môi trường kinh doanh bình đẳng nhưng luật này can thiệp và hỗ trợ đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa thì có bóp méo thị trường hay không?

Ông Ngân cũng cho rằng, chủ thể được hưởng lợi là doanh nghiệp nhỏ và vừa, song tiêu chí để xếp loại quy mô các doanh nghiệp này phụ thuộc vào nhiều tiêu chí, loại hình kinh doanh như sản xuất hay dịch vụ, do đó, luật phải xác định rõ tiêu chí để tránh cơ chế “xin - cho” khi phân định quy mô doanh nghiệp.

Đại diện VCCI Nghệ An cũng đánh giá: “Dự thảo luật còn nhiều điểm chung chung, mơ hồ, chưa cụ thể, ví dụ biện pháp hỗ trợ tiếp cận tín dụng, thực chất là cái gì, biện pháp đó được vận hành như thế nào, nguồn từ đâu".

Sản xuất ván sàn xuất khẩu tại Doanh nghiệp Song Thắng (KCN nhỏ Nghi Phú, TP. Vinh).
Sản xuất ván sàn xuất khẩu tại Doanh nghiệp Song Thắng (KCN nhỏ Nghi Phú, TP. Vinh). Ảnh tư liệu Báo Nghệ An

Hỗ trợ doanh nghiệp là vấn đề được ông Nguyễn Văn Hải - Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ đầu tư của tỉnh đặt ra trong phát biểu góp ý. Ông cho biết, nguồn lực hỗ trợ gồm 3 nguồn chính là: ngân sách, tín dụng từ ngân sách và các nguồn xã hội hóa, song thực tế tại Nghệ An, nguồn lực hỗ trợ chủ yếu cho công tác đào tạo, đổi mới khoa học công nghệ chủ yếu là từ ngân sách… Do đó, cần cân nhắc vì khi ban hành sẽ trở thành gánh nặng ngân sách nhà nước.

Trong khi đó, theo ông Hải, dự thảo luật quy định Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa để hỗ trợ cho doanh nghiệp, song mới chỉ thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng ở Trung ương, còn ở các địa phương việc thành lập khó khăn, có địa phương thành lập được, có tỉnh không thành lập được. Do đó, “nên đánh giá lại quỹ bảo lãnh tín dụng ở Trung ương trước khi đưa ra điều khoản về bảo lãnh tín dụng vào luật” - ông Hải đề xuất.

Ông
Ông Nguyễn Văn Hải - Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ đầu tư của tỉnh phát biểu góp ý. Ảnh: Thành Duy

Cũng tại hội nghị, nhiều ý kiến góp ý vào dự án luật cho rằng, các điều khoản về hỗ trợ thuế, mặt bằng sản xuất, ươm tạo và nâng cao năng lực công nghệ… còn chung chung, cần đi vào cụ thể, rõ ràng.

Tiếp thu ý kiến các đại biểu, chủ trì cuộc làm việc, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thanh Hiền đánh giá, các ý kiến đóng góp vào dự thảo luật là đầy đủ, trách nhiệm, nhiều nội dung và cơ bản đồng tình sự cần thiết phải ban hành luật này.

Ông Hiền cũng tiếp nhận các ý kiến cho rằng, nội dung dự thảo luật còn sơ sài, chưa đáp ứng được yêu cầu, xây dựng luật theo hình thức cụ thể hóa từng điều khoản, không xây dựng luật dạng khung để tránh tình trạng chờ các nghị định hướng dẫn của Chính phủ, bộ, ngành, luật chậm đi vào đời sống khi ban hành.

Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có 4 chương, 38 điều. Đây là dự án luật được xem là rất quan trọng để phát triển doanh nghiệp ở nước ta khi có tác động đến đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn có tỷ lệ khoảng 97% doanh nghiệp trong cả nước. 

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cũng nhấn mạnh quan điểm của Quốc hội khóa XIV là xây dựng luật không nặng luật khung mà đi vào cụ thể. Chính phủ trình dự thảo thì phải trình luôn dự thảo nghị định lên Quốc hội. “Thái độ của Ban Thường vụ Quốc hội rất rõ nếu luật nào chưa tốt thì không đưa ra, không trình” - ông Hiền nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thanh Hiền cũng cho biết, sau hội nghị lấy ý kiến các cơ quan quản lý nhà nước, tiếp theo Văn phòng đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổ chức hội nghị lấy ý kiến của các doanh nghiệp về dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; đồng thời tiếp xúc cử tri là doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Thành Duy

TIN LIÊN QUAN

Tin mới