Dự báo năm nay có mưa đặc biệt lớn gây ngập lụt

(Baonghean.vn) - Đó là thông tin được đưa ra tại hội nghị trực tuyến Chủ tịch UBND cấp huyện của các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt do Bộ NN&PTNT tổ chức sáng 26/6.
Thiên tai phức tạp, dị thường
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT cho thấy, năm 2019 và nửa đầu năm 2020, thiên tai diễn biến phức tạp, mang nhiều yếu tố cực đoan, dị thường trên khắp các vùng miền cả nước.
Theo nhận định của ngành Khí tượng thủy văn, mùa mưa bão năm nay có khoảng 11 - 13 cơn bão và ATNĐ hoạt động trên khu vực Biển Đông, tập trung nhiều trong những tháng cuối năm 2020.
Và theo chu kỳ 2 năm sau hạn hán gay gắt trên diện rộng (2019 và 2020), mưa bão sẽ diễn biến phức tạp, khó lường. Đặc biệt, sau hạn hán kỷ lục thường có nguy cơ cao xảy ra mưa đặc biệt lớn gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, mất an toàn cho hệ thống đê điều, hồ đập. 
Tỉnh Nghệ An tham gia hội nghị dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Văn Đệ- giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT. Ảnh: Phú Hương
Nghệ An tham gia hội nghị dưới sự chủ trì của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Văn Đệ. Ảnh: Phú Hương

Bất cập an toàn chống lũ

Việt Nam có tổng số 9.078 km đê, trong đó hơn 2.726 km đê từ cấp III đến cấp đặc biệt; 975,8 km kè và 1.524 cống qua đê; 31.191 km bờ bao vùng Đồng bằng sông Cửu Long. 

Được coi là “tấm lá chắn” bảo vệ các vùng đồng bằng và ven biển, nhưng hiện hệ thống đê điều xuống cấp, nhiều điểm xung yếu, hư hỏng; tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều ngày càng nghiêm trọng. Từ năm 2011 đến hết tháng 5/2020 đã xảy ra 10.678 vụ; sau xử lý, giải tỏa vẫn còn tồn đọng trên 7.402 vụ. Nếu có các trận mưa cực đoan, thì khả năng xảy ra lũ lớn, vượt tần suất thiết kế trên hệ thống sông là rất cao, uy hiếp an toàn đê điều.
Nghệ An có 493 km đê điều, đi qua 11 huyện, thành, thị, trong đó hơn 44 km đê cấp III. Nằm trong tình trạng chung, hệ thống đê điều của tỉnh hiện tồn tại nhiều bất cập trong đảm bảo an toàn chống lũ, như xuống cấp, hư hỏng, thẩm lậu khi có lũ; tình trạng vi phạm pháp luật đê điều khá phổ biến và kéo dài, chưa được xử lý dứt điểm…
Thi công nâng cấp hệ thống đê biển tại Quỳnh Lưu. Ảnh: Phú Hương
Thi công nâng cấp hệ thống đê biển tại Quỳnh Lưu. Ảnh: Phú Hương

Nâng cao vai trò Chủ tịch UBND cấp huyện

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Hoàng Hiệp - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT nhấn mạnh: UBND cấp huyện có nhiệm vụ tổ chức thực hiện công tác phòng chống thiên tai, quản lý, bảo vệ, tu bổ, nâng cấp, kiên cố hóa đê điều và hộ đê. Bởi vậy, vai trò của Chủ tịch UBND cấp huyện là yếu tố quan trọng, cả trong phòng, chống thiên tai (phòng ngừa và ứng phó thiên tai, khắc phục hậu quả)  và trong công tác đê điều. 

Năm 2020, Chủ tịch UBND cấp huyện được giao 6 nhiệm vụ trong phòng, chống thiên tai; 5 nhiệm vụ trong công tác đê điều. Theo đó, Chủ tịch UBND cấp huyện cần kiện toàn tốt Ban chỉ huy PCTT và TKCN cấp huyện; đầu tư, xử lý cấp bách các công trình PCTT do huyện quản lý; thực hiện phòng ngừa thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”… 

Bên cạnh đó, phải hoàn thiện phương án bảo vệ trọng điểm, hộ đê và tổ chức triển khai trên thực tế; chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện theo phương án bảo vệ trọng điểm và hộ đê được phê duyệt; tổ chức tuần tra canh gác trong mùa lũ, kiểm tra, báo cáo và xử lý sự cố đê điều, hộ đê; đồng thời tổ chức thực hiện tốt phong trào thi đua xây dựng đê kiểu mẫu do Bộ Nông nghiệp và PTNT phát động. 

Tin mới