Đủ căn cứ để điều chỉnh quy hoạch Di tích Thành cổ Vinh

“Cần thiết”, “cấp bách” là những câu từ được UBND tỉnh sử dụng tại Công văn số 8709/UBND-CN ngày 3/11/2022 gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Di sản văn hóa về việc xin điều chỉnh khu vực khoanh vùng và góp ý Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Bảo tồn, tôn tạo Di tích Thành cổ Vinh.

Về lý do điều chỉnh quy hoạch, tại Công văn số 8709/UBND-CN, UBND tỉnh thông tin: “Quy hoạch chi tiết 1/500 Bảo tồn, tôn tạo Di tích Thành cổ Vinh được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt tại Quyết định số 4312/QĐ.UBND-CN ngày 01/10/2008. Đến nay, qua 13 năm thực hiện quy hoạch, một số hạng mục tại khu vực đã được cải tạo, nâng cấp (như hệ thống đường và mương hào Thành cổ, một số công trình thể dục, thể thao…); còn lại hầu hết chưa triển khai theo quy hoạch được duyệt. Việc bảo tồn, phát huy các giá trị Di tích lịch sử Thành cổ chưa hiệu quả; Các di tích chưa được cắm mốc khoanh vùng bảo vệ, hồ sơ di tích được lập vào năm 1996 đến nay không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn; kiến trúc cảnh quan đô thị chưa được quản lý hiệu quả, đồng bộ…

Bìa các bài viết về điều chỉnh quy hoạch Di tích Thành cổ Vinh trên báo Nghệ An điện tử.
Bìa các bài viết về điều chỉnh quy hoạch Di tích Thành cổ Vinh trên báo Nghệ An điện tử.

Bên cạnh đó, một số khu tập thể cũ trong Thành cổ mặc dù đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa được giải quyết do không phù hợp quy hoạch, không bố trí được vị trí tương đương và nguồn lực để di dân tái định cư với số lượng lớn, gây mất cân bằng an sinh xã hội, xáo trộn trong dư luận quần chúng và gây khiếu kiện đông người tại khu vực này thời gian qua.

Vì vậy, việc lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 Bảo tồn, tôn tạo Di tích Thành cổ Vinh trong giai đoạn hiện nay là thiết thực và cấp bách, nhằm rà soát lại vị trí, quy mô, phạm vi ranh giới thực tế của các di tích, đánh giá tổng thể tính khả thi của quy hoạch được duyệt cũng như các hạn chế, vướng mắc, từ đó đề xuất những giải pháp cơ cấu quy hoạch có tính chất đồng bộ, dài hạn và khả thi nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa – lịch sử của Di tích Thành cổ Vinh, gắn với việc giải quyết nhu cầu bức xúc về quyền sử dụng đất, chỗ ở cho cư dân các khu tập thể trong phạm vi quy hoạch, giúp quản lý quy hoạch, kiến trúc, hạ tầng hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế – xã hội khu vực theo hướng bền vững”.

Công văn số 8709/UBND-CN cũng làm rõ những nội dung điều chỉnh chi tiết khoanh vùng bảo vệ các hạng mục di tích lịch sử – văn hóa. Cụ thể, qua rà soát thì hồ sơ khoanh vùng bảo vệ di tích năm 1996 được lập sơ họa bằng bản vẽ tay, đến nay chưa được cắm mốc khoanh vùng bảo vệ. Về hiện trạng sử dụng đất và hạ tầng khu vực xung quanh các di tích, đã thay đổi nhiều so với năm 1996; diện tích khoanh vùng trước đây so với thực tế hiện nay không chính xác do sai số đo đạc.

Công văn số 8709/UBND-CN của UBND tỉnh gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (trái); Văn bản số 5050/BVHTTDL-DSVH của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Công văn số 8709/UBND-CN của UBND tỉnh gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (trái); Văn bản số 5050/BVHTTDL-DSVH của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Thời gian qua, UBND thành phố Vinh đã tổ chức nghiên cứu, rà soát, đề xuất lại diện tích, ranh giới các khu vực bảo vệ di tích phù hợp hiện trạng và định hướng quy hoạch hiện nay trong đồ án điều chỉnh quy hoạch để có cơ sở khoanh vùng bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử – văn hóa: Bia dẫn tích tại địa điểm Bác Hồ nói chuyện với cán bộ và Nhân dân Nghệ An ngày 14/7/1957; Di tích Bờ thành phía Bắc; Cổng Tiền; Cổng Tả; Cổng Hữu; Hào Thành; Di tích Bốt gác; Bờ Thành phía Đông Bắc; Bờ thành phía Nam.

Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Bảo tồn, tôn tạo Di tích Thành cổ Vinh đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch; UBND thành phố Vinh đã tổ chức lập, lấy ý kiến cộng đồng dân cư và các tổ chức, chuyên gia về lĩnh vực văn hóa, lịch sử tại địa phương; báo cáo xin ý kiến Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Vinh; hoàn thiện, nộp hồ sơ trình Sở Xây dựng Nghệ An thẩm định và báo cáo xin ý kiến các sở, ngành liên quan.

Bởi vậy, UBND tỉnh kiến nghị, đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: “Do đây là khu vực đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Vì vậy, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An kính đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Cục Di sản văn hóa cho ý kiến thống nhất nội dung điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ các hạng mục di tích trong khu vực Thành cổ Vinh và đóng góp ý kiến về nội dung Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Bảo tồn, tôn tạo Di tích Thành cổ Vinh, thành phố Vinh. Kính đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Cục Di sản văn hóa quan tâm xem xét, giải quyết”.

Các khu nhà tập thể trong vùng quy hoạch Di tích Thành cổ Vinh.
Các khu nhà tập thể trong vùng quy hoạch Di tích Thành cổ Vinh.

Ngày 16/12/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Văn bản số 5050/BVHTTDL-DSVH về việc điều chỉnh Quy hoạch Bảo tồn, tôn tạo Di tích Thành cổ Vinh gửi UBND tỉnh.

Tại đây, đối với việc điều chỉnh Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Bảo tồn, tôn tạo Di tích Thành cổ Vinh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ý kiến “cơ bản thống nhất với nội dung điều chỉnh Quy hoạch, quy mô khoảng 39,75 ha, với ranh giới cụ thể như sau: Phía Bắc giáp khu dân cư Đội Cung. Phía Nam giáp đường Đặng Thái Thân, phường Cửa Nam. Phía Đông giáp khu dân cư phường Quang Trung. Phía Tây giáp khu dân cư phường Cửa Nam”.

Tuy nhiên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An lưu ý chỉ đạo các cơ quan chuyên môn một số nội dung. Đó là, đối với phương án quy hoạch khu vực Di tích Nhà lao Vinh, Bốt gác thì cần giữ lại khu vực bảo vệ Di tích Nhà lao Vinh, đồng thời bổ sung quy hoạch phương án đặt lại bia ghi dấu địa điểm Nhà lao Vinh trong quy hoạch điều chỉnh. Bổ sung, làm rõ trong hồ sơ Quy hoạch điều chỉnh nội dung liên quan đến phương án khoanh vùng di tích khu vực Thành hào. Bổ sung nội dung đánh giá tác động của việc điều chỉnh ranh giới, diện tích khoanh vùng đối với hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị Di tích Thành cổ Vinh.

Sơ đồ không gian kiến trúc, cảnh quan của Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Bảo tồn, tôn tạo Di tích Thành cổ Vinh.
Sơ đồ không gian kiến trúc, cảnh quan của Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Bảo tồn, tôn tạo Di tích Thành cổ Vinh.

Đối với các điểm di tích được đề xuất điều chỉnh diện tích khoanh vùng bảo vệ, đề nghị nghiên cứu trồng bổ sung cây xanh tạo cảnh quan, hạn chế xây dựng các công trình nhà ở, tái định cư để giữ gìn cảnh quan, không gian của di tích. Ngoài ra, đối với các di tích chỉ còn địa điểm, dấu tích, cần có phương án khoanh vùng bảo vệ, làm bia, biển giới thiệu về giá trị di tích (địa điểm Nhà lao Vinh, Di tích chân Bờ thành phía Nam, Bờ thành phía Bắc…). Nghiên cứu, bổ sung đề xuất việc xây dựng và ban hành quy chế bảo vệ di tích theo quy hoạch được phê duyệt, nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng dân cư địa phương.

Đối với nội dung điều chỉnh khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị UBND tỉnh giao Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An căn cứ quy hoạch điều chỉnh để xem xét lập hồ sơ, Biên bản và Bản đồ điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ di tích theo quy định tại Thông tư số 09/2011/TT- BVHTTDL ngày 14/7/2011 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về nội dung hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa và danh lam, thắng cảnh.

Theo ông Đặng Hiếu Lam – Chủ tịch UBND phường Cửa Nam, ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Văn bản số 5050/BVHTTDL-DSVH là căn cứ pháp lý quan trọng để cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Bảo tồn, tôn tạo Di tích Thành cổ Vinh. Những ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ được đơn vị tư vấn tiếp thu, chỉnh sửa bổ sung để UBND thành phố Vinh góp ý hoàn thiện, trình các sở, ngành cho ý kiến lần cuối; sau đó, sẽ trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt”.

Ông Đặng Hiếu Lam cũng cho hay, để chuẩn bị cho cuộc họp HĐND phường trong thời gian sắp tới, HĐND phường đã tổ chức tiếp xúc cử tri trên địa bàn, trong đó có cử tri các khối 1, 2, 3, là những khu vực dân cư chịu ảnh hưởng bởi quy hoạch Thành cổ Vinh. Quá trình tiếp xúc cử tri, phường đã thông tin việc Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch có ý kiến thống nhất điều chỉnh quy hoạch; trình tự tiếp theo để hoàn thiện đồ án điều chỉnh quy hoạch theo quy định. Hỏi về quan điểm của phường Cửa Nam, ông Đặng Hiếu Lam trả lời: “Phường mong muốn Đồ án Điều chỉnh quy hoạch Di tích Thành cổ Vinh sớm được phê duyệt và được triển khai thực hiện. Bởi có như vậy, mới giải quyết được nguyện vọng chính đáng của người dân sống trong vùng quy hoạch. Đồng thời, tạo được mỹ quan đô thị cho thành phố và phát huy những giá trị văn hóa – lịch sử của hệ thống di tích cấp Quốc gia này…”.