Dù giá thịt lợn tăng chóng mặt, Nghệ An không mở rộng đàn ồ ạt

(Baonghean.vn) - Sau thời gian dài lao đao, người chăn nuôi lợn bắt đầu có lãi khi từ tháng 3/2018 đến nay, giá thịt lợn hơi bắt đầu tăng trở lại và hiện đã đạt mức 56.000 đồng/kg. Theo ông Ngô Đức Quỳnh, Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, để tránh lặp lại tình trạng lợn hơi rớt giá thê thảm như năm 2017, người dân không nên mở rộng đàn ồ ạt.

PV: Thưa ông! Giá lợn hơi đã tăng khá mạnh trong mấy tháng qua. Theo ông, đâu là nguyên nhân của hiện tượng này và khả năng có thể kéo dài không?

Ông Ngô Đức Quỳnh:  Năm 2017, giá thịt lợn hơi giảm mạnh do nguồn cung vượt quá xa so với nhu cầu thực tế của thị trường. Do đó, cùng với các biện pháp khuyến cáo và tuyên truyền của các cơ quan chức năng, người chăn nuôi trên địa bàn cả nước đã điều chỉnh lại quy mô nuôi, không mở rộng đàn ồ ạt mà thậm chí đã giảm đàn để phù hợp với nhu cầu tiêu thụ, cân đối giữa cung và cầu trong chăn nuôi lợn. Và đến thời điểm hiện tại, có thể khẳng định chúng ta đã cân đối được, đưa giá lợn hơi trở về mức giá phù hợp, giúp người chăn nuôi có lãi.

Hiện Cục Chăn nuôi đang tiến hành khảo sát trên địa bàn cả nước để dự báo nhu cầu thị trường, đưa ra biện pháp điều tiết ngành chăn nuôi lợn trong thời gian tới.

Thị lợn sạch được bán tại chợ Vietgap Diễn Thành,huyện Diễn Châu. Ảnh: Phú Hương
Thị lợn sạch được bán tại chợ VietGAP Diễn Thành, huyện Diễn Châu. Ảnh: Phú Hương
PV: Quy mô ngành chăn nuôi lợn của Nghệ An hiện có vượt quá quy hoạch hay không? Thời gian tới chúng ta có giải pháp gì trong góp phần đảm bảo nguồn cung cân đối với nhu cầu cũng như tăng giá trị sản xuất, thưa ông?

 Ông Ngô Đức Quỳnh: Toàn tỉnh Nghệ An hiện có gần 890.000 con lợn. Thời điểm lợn hơi ế thừa năm 2017, đàn lợn của chúng ta cũng chỉ ở mức 915.000 con, việc người chăn nuôi Nghệ An lao đao do nguồn cung ở trong nước quá dư thừa, lợn từ các địa phương khác đổ về tỉnh ta quá nhiều.

Tủ vacxin dự phòng của Trang trại chăn nuôi lợn Tiến Thành, huyện Yên Thành. Ảnh: Phú Hương
Tủ vacxin dự phòng của Trang trại chăn nuôi lợn Tiến Thành, huyện Yên Thành. Ảnh: Phú Hương
Bên cạnh chỉ đạo, khuyến cáo giữ quy mô đàn lợn trong quy hoạch của tỉnh, để góp phần bình ổn giá thị trường cũng như tăng giá trị sản xuất cho người chăn nuôi, hiện Nghệ An đang tập trung vào hai việc chính, đó là tăng trọng lượng con và tăng chất lượng thịt.

Để tăng trọng lượng con, tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp thay đổi cơ cấu giống để có những giống lợn có năng suất cao, chất lượng tốt, bằng cách nhập lợn đực giống, lợn nái giống ngoại về lai tạo trong nước.

Từ các Quyết định 15 năm 2018 về hỗ trợ những gia đình nhập nuôi từ 50 con lợn nái ngoài trở lên, QĐ 2695 ngày 21/6/2017 của UBND tỉnh hỗ trợ hoàn toàn tinh lợn phối giống lợn ngoại nông hộ, các trang trại chăn nuôi tập trung được hỗ trợ lợn nái và lợn đực giống, chăn nuôi nhỏ lẻ được hỗ trợ tinh lợn ngoại.

Năm 2017, toàn tỉnh phối được trên 50.000 liều tinh lợn ngoại, từ đầu năm đến nay phối được trên 30.000 liều tinh;  nhiều trang trại và các hệ thống cung cấp giốngđược hỗ trợ nhập lợn đực ngoại từ Pháp, Đan Mạch… Tỷ lệ lợn lai trên địa bàn toàn tỉnh hiện đạt trên 90%.

Người chăn nuôi lợn được hỗ trợ để nâng cao chất lượng con giống. Ảnh: Phú Hương
Người chăn nuôi lợn được hỗ trợ để nâng cao chất lượng con giống. Ảnh: Phú Hương
Để nâng cao chất lượng thịt, Nghệ An đã có chính sách áp dụng công nghệ cao vào chăn nuôi gồm: ứng dụng các công nghệ sinh học trong sản xuất thức ăn để nâng cao tỷ lệ tiêu hóa và khả năng hấp thu cho lợn; ứng dụng công nghệ sinh học để xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi; áp dụng công nghệ cao tự động hóa trong chăn nuôi.

Cùng đó, khuyến cáo người chăn nuôi trong giai đoạn hiện nay không tăng đàn ồ ạt, tiếp tục phát triển chăn nuôi VietGAP, chăn nuôi sạch, xử lý tốt môi trường chăn nuôi để có sản phẩm ngon, sạch, đảm bảo an toàn VSTP.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tin mới