Dù kịch bản nào thì các biện pháp phòng, chống dịch cũng không ngơi nghỉ

Với số ca mắc giảm mạnh, ca tử vong ở mức thấp, trong khi tỷ lệ bao phủ vaccine cao, hơn 1 tháng nay, Việt Nam đã mở cửa du lịch, khôi phục lại hoàn toàn các hoạt động kinh tế, xã hội.

Tuy vậy, với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, những hiểu biết về virus gây bệnh Covid-19 chưa toàn diện, các biến chủng mới có thể xuất hiện, làm giảm hiệu quả vaccine, khiến bệnh lây lan mạnh, tử vong cao cũng có thể xảy đến. Chính vì vậy, việc chuẩn bị các kịch bản ứng phó phù hợp là cần thiết để tránh nguy cơ bị động khi có tình huống mới.

Vậy ngành Y tế đang chuẩn bị kịch bản cụ thể nào để thích ứng với tình hình mới? Các kịch bản này tập trung bảo vệ nhóm người yếu thế và nguy cơ cao ra sao? GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế trao đổi về nội dung này.

GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Nguồn: Bộ Y tế)
GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng. Nguồn: Bộ Y tế

PV: Thưa GS Phan Trọng Lân, ông có thể cho biết các kịch bản phòng chống dịch trong giai đoạn mới?

GS Phan Trọng Lân: Covid-19 chúng ta thấy có 2 đặc điểm: Một là miễn dịch do mắc phải dù có vaccine thì cũng suy giảm theo thời gian, thứ hai là sự tiến hóa khó dự đoán được, luôn có các kịch bản, có thể có kịch bản ít hiệu quả hơn với vaccine, từ đó chúng ta đưa ra 2 kịch bản: Một kịch bản là xu thế hiện nay phần lớn nó sẽ chuyển sang biến thể Omicron có tỷ lệ tử mắc nặng và tử vong thấp, cái trên nền tác dụng của vaccine, tỷ lệ tử vong thấp, trên đối tượng nhất định. Như vậy, chúng ta hướng đến bệnh lưu hành, chúng ta sẽ triển khai các hoạt động bình thường và tập trung vào đối tượng nguy cơ cao.

Kịch bản thứ hai là sự tiến hóa của virus sinh ra biến thể, biến chủng, làm hiệu quả vaccine giảm, làm người mắc rồi tái nhiễm, gây ra ca nặng tử vong, lây lan nhanh thì đấy cũng là kịch bản có thể xảy ra. Dù bất kể hoàn cảnh nào cũng không để chúng ta bị động, mà phải chủ động hơn nữa.

PV: Trong kịch bản này, chúng ta cũng lường trước yếu tố khi bệnh dịch diễn biến phức tạp hơn, với các biến chủng mới nguy hiểm lây lan nhanh, vậy trong hoàn cảnh đó, liệu chúng ta có thể ứng phó được kịp thời, thưa GS?

GS Phan Trọng Lân: Trong 2 năm qua, những kinh nghiệm phòng chống dịch chúng ta đưa ra vẫn còn nguyên giá trị, thông điệp Chính phủ thích ứng an toàn, hiệu quả, để phòng chống phù hợp, có thể chúng ta không làm trên diện rộng mà làm trên diện hẹp. Mỗi địa điểm khi xảy ra dịch đòi hỏi biện pháp toàn diện. Với kinh nghiệm đấy, chúng ta hạn chế tối đa, một trong những cái khi các chủng mới xuất hiện làm sao chúng ta phát hiện sớm, khoanh vùng, xử lý không để lây lan, chống dịch thì chống tận gốc là hiệu quả nhất…

PV: Hiện nay, khi số ca mắc của cả nước đã giảm mạnh, số tử vong xuống mức rất thấp, đây có là tiền đề để chúng ta xây dựng kịch bản coi Covid-19 là bệnh lưu hành, thưa GS?

GS Phan Trọng Lân: Đối với công tác kiểm soát bệnh truyền nhiễm mang yếu tố bền vững, một trong những yếu tố nó sẽ giảm miễn dịch theo thời gian kể cả vaccine kể cả mắc phải, dù chúng ta có chuyển sang bình thường mới hay lưu hành thì các biện pháp phòng chống dịch cũng không nghỉ ngơi, chúng ta vẫn tiếp tục tăng cường tùy theo từng mức độ, tùy theo đánh giá cả trên thế giới và Việt Nam theo mức độ phù hợp.

PV: Với số ca mức cao trong khi tỷ lệ tiêm chủng đạt mức cao nhất thế giới khiến miễn dịch cộng đồng lớn, theo GS, đây là cơ sở trở lại cuộc sống bình thường mới một cách toàn diện nhất?

GS Phan Trọng Lân: Chúng ta phân tích nó trên nhiều khía cạnh, đối với Covid-19 ngày nay không có miễn dịch cộng đồng, khó đạt được mức như mong muốn, do đó chúng ta liên tục phải tiêm vaccine theo chỉ định. Đặc biệt, dù thế nào thì kịch bản đưa ra cũng phải dựa vào khoa học, với Việt Nam là vấn đề tiêm chủng, tập trung vào chiến dịch bảo vệ những người nguy cơ cao. Hai yếu tố đó giúp chúng ta vượt qua đại dịch một cách nhẹ nhàng hơn.

PV: Xin cám ơn GS.TS Phan Trọng Lân./.

Tin mới