Du lịch cộng đồng Nghệ An linh hoạt chuyển đổi, tìm cách 'lấy ngắn nuôi dài'

(Baonghean.vn) - Trong khi vắng khách do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các tổ hợp tác du lịch cộng đồng ở vùng miền núi Nghệ An đã chuyển sang sản xuất hàng thổ cẩm và các mặt hàng truyền thống để phục vụ du khách sau khi hoạt động trở lại.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các cơ sở kinh doanh du lịch homestay không có khách, để duy trì hoạt động, các hộ dân đã chuyển sang sản xuất các mặt hàng truyền thống để chuẩn bị sẵn sàng phục vụ nhu cầu của du khách sau khi ngành du lịch hoạt động trở lại. 
Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn miền núi, có 4 huyện đã xuất hiện loại hình kinh doanh du lịch bằng homestay gắn với du lịch cộng đồng. Trong đó, tại Tương Dương có 1 cơ sở; Con Cuông 5 cơ sở; Quỳ Châu có 7 cơ sở; Thanh Chương có 3 cơ sở. 
Tổ hợp tác phát triển du lịch cộng đồng tại xã Yên Khê (Con Cuông) tranh thủ dệt thổ cẩm, chuẩn bị sẵn hàng để khi cần có thể phục vụ nhu cầu của du khách. Ảnh: Tiến Đông
Tổ hợp tác phát triển du lịch cộng đồng tại xã Yên Khê (Con Cuông) tranh thủ dệt thổ cẩm, chuẩn bị sẵn hàng để khi cần có thể phục vụ nhu cầu của du khách. Ảnh: Tiến Đông

Chị Lô Thị Hoa - chủ một homestay tại xã Yên Khê (Con Cuông) cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, năm 2021 này gần như không có khách nên chị cùng với 27 chị em khác trong tổ hợp tác phát triển du lịch cộng đồng đã tổ chức lắp đặt 7 khung cửi để cùng nhau dệt vải thổ cẩm, sau đó may thành các loại áo, váy truyến thống, chuẩn bị sẵn nguồn hàng để phục vụ nhu cầu của du khách du lịch khi hoạt động trở lại. 

Theo tổng hợp từ Phòng VH-TT huyện Con Cuông, tính đến thời điểm này của năm 2021, loại hình homestay trên địa bàn đã thu được 889 triệu đồng từ du lịch cộng đồng, trong đó doanh thu từ hoạt động mua sắm của du khách là 146 triệu đồng. Dù nguồn thu này không đáng kể so với chi phí đầu tư mà các hộ kinh doanh phải bỏ ra, tuy nhiên trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, nguồn thu này có thể bù đắp được phần nào. 

Những sản phẩm thổ cẩm của Tổ hợp tác phát triển du lịch cộng đồng xã Yên Khê. Ảnh: Văn Thụ
Những sản phẩm thổ cẩm của Tổ hợp tác phát triển du lịch cộng đồng xã Yên Khê. Ảnh: Văn Thụ

Tại Quỳ Châu, hiện nay cũng đã có 7 homestay tập trung tại xã Châu Tiến, nơi gắn liền với cụm di tích hang Bua và Mường Chiêng Ngam của đồng bào dân tộc Thái.

Theo chị Lang Thị Tâm - Chủ nhiệm HTX du lịch cộng đồng Hoa Tiến (Quỳ Châu), để phù hợp với tình hình dịch bệnh, các hộ kinh doanh homestay đã chuyển sang tập trung sản xuất các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp. Đặc biệt, nhiều homestay đã tận dụng những cơ sở vật chất, thiết bị sẵn có để tiến hành mở thêm các hoạt động ẩm thực phục vụ cho thực khách trên địa bàn huyện. 
Đội văn nghệ của HTX
Đội văn nghệ của HTX du lịch cộng đồng Hoa Tiến (Quỳ Châu), tổ chức tập luyện văn nghệ để sẵn sàng phục vụ cho du khách khi du lịch hoạt động trở lại. Ảnh: Tiến Đông 

Ông Nguyễn Hùng Cường - Trưởng phòng VH-TT huyện Quỳ Châu chia sẻ, mặc dù dịch bệnh Covid-19 đã khiến cho ngành du lịch gặp muôn vàn khó khăn, nhất là du lịch cộng đồng, vì thế các hộ kinh doanh phải chuyển sang trạng thái mới cho phù hợp với tình hình. Đây là việc làm rất thiết thực, để đảm bảo duy trì hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng và cả nguồn nhân lực, để khi nào dịch bệnh được kiểm soát thì đi vào hoạt động ngay./. 

Tin mới