Du lịch hang động: Tiềm năng còn bỏ ngỏ

(Baonghean) - Không được như Quảng Bình, Ninh Bình, Quảng Ninh và Hà Nội nhưng xét ở một góc độ nào đó Nghệ An vẫn là địa phương có tiềm năng để phát triển du lịch hang động. Bởi nơi đây có những dãy núi đá vôi trải dài, vừa tạo nên cảnh quan kỳ vĩ, vừa có hệ thống hang động kỳ thú và hấp dẫn, mời gọi du khách gần xa đến khám phá.
Vẻ đẹp tiềm ẩn
Hệ thống hang động ở Nghệ An hiện chưa có số liệu thống kê đầy đủ, được phân bố khắp địa bàn, từ vùng ven biển đến đồng bằng, trung du và miền núi cao, nhiều hang động đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa.
Có những hang động là di chỉ khảo cổ học, có dấu tích của người Việt cổ như Đồng Trương (Anh Sơn), Thẩm Hoi (Con Cuông); là nơi gắn với sự tích khai bản lập mường như hang Tạo Nọi (Quế Phong); gắn với sự nghiệp cách mạng và chiến công đánh đuổi giặc ngoại xâm như hang Rú Ấm (Nghĩa Đàn), hang Hỏa Tiễn (TX. Hoàng Mai), Thẩm Lạn, hang Phỉ (Kỳ Sơn).
Hay những hang động gắn liền với những câu chuyện truyền thuyết về tình yêu thủy chung của đôi lứa như hang Bua (Quỳ Châu), Thẩm Nàng Màn (Con Cuông). Và có những hang động vừa mới được người dân phát hiện như hang Thung Bừng, Pha Phầng, Thẩm Tông (Con Cuông), Thẩm Tầu, hang Dơi (Tương Dương)...
Vẻ đẹp lộng lẫy của hang Bua (Quỳ Châu). 	Ảnh Sách Nguyễn
Vẻ đẹp lộng lẫy của hang Bua (Quỳ Châu). Ảnh Sách Nguyễn
Đặc điểm chung của hệ thống hang động ở Nghệ An là hầu hết đều có phong cảnh đẹp, nhiều hang động có thể xem là danh lam thắng cảnh. Sự hấp dẫn ở đây thể hiện ở vẻ đẹp lung linh của không gian bên trong cùng hệ thống thạch nhũ với nhiều hình dáng, kích thước, màu sắc làm nên vẻ đẹp huyền ảo và thơ mộng. Những giọt nước trải hàng trăm, hàng nghìn năm thẩm thấu qua lòng núi đá, rơi tí tách từ trần hang làm cho không khí càng thêm mát lạnh, rất thích hợp khi đến đây vào những ngày hè bỏng rát.
Chưa kể, trong lòng hang có nhiều ngóc ngách, giúp du khách đến đây thỏa sức khám phá và chinh phục.
Một số hang có suối nhỏ chảy phía trong càng điểm tô thêm vẻ đẹp và sức hấp dẫn như Thẩm Tông (Con Cuông), Rú Ấm (Nghĩa Đàn), hang Mó (Tân Kỳ).
Đặc biệt, hang Núi Rồng ở xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu) thông với mặt biển, thuyền nhỏ có thể ra vào, thuận tiện cho việc thám hiểm. Nhu cầu du lịch hang động thật sự thích hợp với những ai ưa cảm giác mạo hiểm và thích được khám phá những gì mới mẻ và lý thú. Đến đây, du khách được hòa mình vào thiên nhiên, cảm nhận vẻ đẹp của những “kiệt tác thiên nhiên” và càng thêm cảm phục sự tài hoa của bàn tay tạo hóa. 
Chờ được “đánh thức”
Như vậy, tiềm năng phát triển du lịch hang động ở Nghệ An là không thể phủ nhận, nhưng trên thực tế hệ thống hang động ở đây hầu hết chưa được khai thác để tham quan du lịch. Ngoại trừ một số điểm như hang Bua gắn với lễ hội đầu năm, hang Núi Rồng gắn với khu du lịch biển Quỳnh, còn lại đều như những “nàng công chúa ngủ trong rừng” đang chờ được “đánh thức”.
Trong đó có nhiều hang động khá gần với các điểm du lịch nổi tiếng như Thẩm Hoi, Thẩm Nàng Màn, Thung Bừng gần với Vườn Quốc gia Pù Mát; hang Dơi gần rừng săng lẻ Tương Dương; hang Hỏa Tiễn cách khu du lịch biển Quỳnh không xa nhưng vẫn chưa có sự kết hợp, tổ chức tham quan để “níu chân” du khách.
Việc tham quan, thám hiểm hang động hiện nay chủ yếu còn đang tự phát, nghĩa là các nhóm nhỏ (chủ yếu là giới trẻ) tự tổ chức vào tham quan, vừa không đảm bảo an toàn, vừa có nguy cơ phá vỡ cảnh quan vốn có. Thực tế, một số nơi người đến tham quan đã đập gãy thạch nhũ để đem về khiến các vách hang trở nên nham nhở. 
Du khách thích thú trước những nhũ đá trong hang Dơi (Tương Dương). Ảnh Hồ Phương
Du khách thích thú trước những nhũ đá trong hang Dơi (Tương Dương). Ảnh Hồ Phương
Hang động chưa được khai thác để phát triển du lịch một phần do thường nằm ở địa bàn khá xa, vị trí có phần hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn. Phần khác nữa do các địa phương chưa thực sự quan tâm hoặc chưa nhận thấy tiềm năng của các danh lam thắng cảnh này, và cũng có thể chưa đủ nguồn lực.
Thực tế, nếu chỉ lấy hang động trên địa bàn làm điểm đến sẽ gặp khó khăn trong việc thu hút du khách. Các địa phương nên “kết nối” với các điểm du lịch trong vùng để khai thác một cách triệt để nhằm tăng thời gian lưu trú của khách, từ đó tăng doanh thu và góp phần quảng bá hình ảnh đất và người quê hương.
Ngoài hang Núi Rồng và hang Bua đã được triển khai và bước đầu mang lại hiệu quả, sắp tới ở Con Cuông cũng sẽ “kết nối” hệ thống hang động trên địa bàn với các điểm du lịch cộng đồng và Vườn Quốc gia Pù Mát. Tương tự, huyện Tương Dương cũng đã đưa hang Dơi trở thành điểm tham quan du lịch bên cạnh rừng săng lẻ và điểm du lịch sinh thái Khe Cớ; xã Tiên Kỳ (Tân Kỳ) cũng đưa hang Mó vào quy hoạch xây dựng điểm du lịch cộng đồng bản Thái Minh.
Điểm đặc sắc bậc nhất của lễ hội Hang Bua chính là hang Bua, hang Bua được xem là hang động đẹp bậc nhất ở Nghệ An. Hang Bua gắn với huyền sử dân gian của đồng bào Thái trên địa bàn, trong đó có chuyện về những mối tình của chàng Khủn Tinh - một trong những anh hùng trong sử thi của người Thái.
Điểm đặc sắc bậc nhất của lễ hội Hang Bua chính là hang Bua, hang Bua được xem là hang động đẹp bậc nhất ở Nghệ An. Hang Bua gắn với huyền sử dân gian của đồng bào Thái trên địa bàn, trong đó có chuyện về những mối tình của chàng Khủn Tinh - một trong những anh hùng trong sử thi của người Thái.
Có thể nói, cùng với việc xúc tiến, đầu tư, ngành du lịch và các địa phương cần tăng cường công tác quảng bá, mời gọi du khách đến thám hiểm và khám phá hệ thống hang động trên địa bàn; đầu tư hạ tầng tại các điểm tham quan hang động để tạo thuận lợi cho du khách. Đặc biệt, sớm xây dựng và hình thành các tour, tuyến, đưa hang động vào danh mục các điểm tham quan, góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng về các sản phẩm du lịch, giữ chân du khách ở lại lâu hơn. 

“Hiện tại, ngành Du lịch Nghệ An đang tập trung phát triển sản phẩm du lịch biển - nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái - cộng đồng, thời gian tới sẽ nghiên cứu và xây dựng kế hoạch khai thác tiềm năng du lịch hang động để tăng số lượng và thời gian lưu trú của du khách”.

Bà Nguyễn Thị Thành An - Phó Giám đốc Sở Du lịch

Theo PGS.TS Tạ Hòa Phương - chuyên gia về địa chất: “Hang động thực chất là những khoang rỗng có hình dạng và kích thước khác nhau được hình thành trong lòng khối đá vôi, thông với bề mặt bằng một hoặc nhiều cửa. Hang động thường liên kết thành hệ thống, phân bố thành nhiều tầng cao thấp khác nhau. Độ cao của các tầng trong hang động thường tương ứng với các bậc thềm sông, do sự phát triển của chúng liên quan với các chu kỳ xói mòn của hệ thống sông ngòi”. Theo định nghĩa này, các dãy núi đá vôi ở Nghệ An có hệ thống hang động khá phong phú, có điều về mặt kích thước không bằng các hang động đang được khai thác của các tỉnh, thành nêu trên. Nhưng về mặt cảnh quan, kiến tạo và vẻ đẹp bên trong không mấy thua kém, vẫn đủ sức hấp dẫn và thu hút những bước chân ưa mạo hiểm, những người có nhu cầu thám hiểm và khám phá. 

Tin mới