Kỷ niệm Ngày Du lịch thế giới (27/9/1980 - 27/9/2018)

Du lịch Nghệ An: Nắm bắt cơ hội vàng từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

(Baonghean.vn) - Nhân kỷ niệm Ngày Du lịch thế giới 27/9/2018, với chủ đề “Du lịch và chuyển đổi kĩ thuật số”, Báo Nghệ An có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Mạnh Cường - Giám đốc Sở Du lịch về những kết quả đạt được của du lịch Nghệ An nói chung và việc ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số trong phát triển du lịch thông minh nói riêng.
“Bỏ túi” kinh nghiệm du lịch Nghệ An từ A-Z

“Bỏ túi” kinh nghiệm du lịch Nghệ An từ A-Z

(Baonghean.vn) - Nghệ An đang là “ngôi sao đang lên” trên bản đồ du lịch trong nước. Ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước bị chinh phục bởi phong cảnh thiên nhiên đẹp mê hồn, đa dạng các loại hình du lịch, giao thông thuận lợi, các dịch vụ lưu trú, ăn uống với mức giá rẻ không tưởng…

PV: Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Nghệ An trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng Bắc Trung bộ và là điểm đến hấp dẫn của cả nước. Đến thời điểm này, ngành du lịch tỉnh nhà đã có những bước tiến cụ thể nào để thực hiện mục tiêu, lộ trình nói trên, thưa ông?

Ông Nguyễn Mạnh Cường: Thời gian qua, ngành Du lịch Nghệ An đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; các chủ trương, chính sách, chương trình, đề án được ban hành và tổ chức triển khai thực hiện với tinh thần quyết tâm cao nhất.Nhờ vậy, du lịch Nghệ An đã có những bước tiến quan trọng, tạo tiền đề cho sự phát triểntrong thời gian tới.

Nổi bật là kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch, đặc biệt là đường giao thông được quan tâm đầu tư và có bước phát triển mang tính đột phá. Hầu hết các tuyến đường giao thông tiếp cận các khu du lịch trọng điểm của tỉnh được đầu tư xây dựng, nhất là đối với khu vực ven biển. Cảng hàng không quốc tế Vinh được xây dựng nhà ga mới, nâng cấp, mở rộng đường băng đủ khả năng đón máy bay lớn hơn với công suất 2 triệu khách/năm...

Du lịch văn hóa - tâm linh là sản phẩm truyền thống và vẫn "hút khách" của Nghệ An. Ảnh: Thành Cường
 Du lịch văn hóa - tâm linh là sản phẩm truyền thống và vẫn "hút khách" của Nghệ An. Ảnh: Thành Cường

Bên cạnh đó, không gian phát triển du lịch từng bước được mở rộng cả về địa bàn và loại hình. Ngoài bãi tắm Cửa Lò, Khu Di tích Kim Liên, hoạt động du lịch đã dịch chuyển mạnh về khu vực miền Tây và một vài huyện lân cận với nhiều điểm du lịch mới được hình thành. Sản phẩm du lịch có bước chuyển tích cực cả về chất lượng và tính đa dạng.

Bên cạnh các sản phẩm truyền thống như du lịch văn hóa - lịch sử gắn với tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng biển, thời gian gần đây, du lịch sinh thái, du lịch hội nghị - hội thảo, du lịch cộng đồng, du lịch canh nông… đang có xu hướng gia tăng.

Cơ sở vật chất phục vụ du lịch phát triển nhanh chóng cả về quy mô và chất lượng, nhất là cơ sở lưu trú du lịch. Tính đến 31/8/2018, toàn tỉnh có 839 cơ sở lưu trú du lịch với 20.054 phòng, số lượng khách sạn đạt tiêu chuẩn 3-5 sao ngày càng tăng. Công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh với hình thức đa dạng hơn, đem lại hiệu quả thiết thực.

Du lịch Nghệ An từng bước tăng trưởng khá, giai đoạn 2011-2016, lượng khách du lịch có lưu trú tăng bình quân gần 6%/năm, doanh thu dịch vụ du lịch tăng 16%/năm. Đến năm 2017, du lịch Nghệ An đã có bước phục hồi mạnh mẽ sau sự cố môi trường biển, lượt khách tăng 35%, doanh thu từ hoạt động du lịch tăng 43% so với năm 2016.

9 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh đã đón trên 5,3 triệu lượt khách, trong đó có gần 3,7 triệu lượt khách lưu trú, bằng 111% so với cùng kỳ năm 2017; có gần 111.000 lượt khách quốc tế, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2017; tổng thu du lịch toàn tỉnh ước đạt 6.637 tỷ đồng, bằng 114% so với cùng kỳ năm 2017.

PV: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực du lịch toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Ở Nghệ An - một địa phương được đánh giá là “ngôi sao đang lên” trên bản đồ du lịch trong nước, với tầm nhìn dài hạn, ông đánh giá như thế nào về sự ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nói chung, lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật số nói riêng đối với sự phát triển du lịch của tỉnh?

Ông Nguyễn Mạnh Cường: Trước hết, phải khẳng định rằng, những năm qua, dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng ngành Du lịch Nghệ An vẫn luôn không ngừng nỗ lực vượt khó, nắm bắt và hòa cùng xu thế phát triển chung của du lịch cả nước.

Trước trào lưu mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chúng tôi nhận thức rằng, cuộc cách mạng này không chỉ là Internet mà là trí tuệ nhân tạo, là thế giới phẳng, tốc độ kết nối dữ liệu thông tin.

Công nghệ tiên tiến sẽ làm thay đổi phương thức cung cấp dịch vụ du lịch, thay đổi vai trò của người hướng dẫn viên, thuyết minh viên và còn ảnh hưởng đến ngành du lịch thông qua 4 loại hình dịch vụ cơ bản: dịch vụ cung cấp chỗ nghỉ, nhà hàng ăn uống, các tour tham quan và phương tiện di chuyển, tiếp thị bằng kỹ thuật số "digital maketing".

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chính là cú hích quan trọng, là cơ hội vàng để mở rộng thị trường du lịch. Để không bị tụt hậu, đứng ngoài cuộc, đòi hỏi ngành du lịch phải đề ra những chiến lược tầm trung và dài hạn, làm chủ ứng dụng kỹ thuật số, lấy công nghệ làm đòn bẩy để phát triển nhanh, bền vững.
Đối với công tác quản lý nhà nước về du lịch, ngành đã triển khai sử dụng phần mềm iOffice và chữ ký số nhằm tạo môi trường làm việc điện tử, nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm thời gian và chi phí văn phòng phẩm.
Ngoài ra, Sở cũng triển khai ứng dụng giao dịch "một cửa điện tử" với nhiều quy trình tiếp nhận thông tin, tiếp nhận hồ sơ, trả lời qua mạng. Hiện nay, ngành đang phối hợp nhà thầu triển khai xây dựng phần mềm tin học ứng dụng quảng bá hệ thống di tích, danh lam thắng cảnh của Nghệ An tích hợp trên điện thoại thông minh; hướng đến việc xây dựng website du lịch mới song ngữ Việt - Anh dễ dàng tìm kiếm, tiếp cận và liên kết các cơ sở dữ liệu về du lịch Nghệ An với Hà Nội, TP. HCM, các tỉnh trong nước và quốc tế. Cùng với đó, du lịch Nghệ An đã và đang tích cực đẩy mạnh quảng bá thương hiệu du lịch Nghệ An qua các kênh như: Website, Fanpage, Youtube...
Đối với các doanh nghiệp du lịch, công nghệ cũng giúp giảm tối đa chi phí quảng cáo, tiếp thị; hỗ trợ bán hàng qua mạng và thanh toán trực tuyến tiện ích; tiết giảm nhân công, chi phí; liên kết tour, tuyến, tăng lượng khách và hiệu suất kinh doanh… Hiện nay, hầu hết doanh nghiệp du lịch ở Nghệ An đều có quan tâm sử dụng Internet trong hoạt động quảng cáo và kinh doanh.

PV: Thấy rõ lợi ích từ công nghệ, kỹ thuật số, nhưng cũng cần nhìn nhận rằng du lịch Nghệ An vẫn còn nhiều hạn chế trong tiếp cận và ứng dụng các công nghệ ấy. Định hướng, giải pháp nào cho vấn đề này, thưa ông?

Ông Nguyễn Mạnh Cường: Tôi có theo dõi số liệu điều tra khách du lịch quốc tế đến năm 2017 của Tổng cục du lịch, theo đó, 71% du khách có tham khảo thông tin điểm đến trên internet, 64% có đặt mua dịch vụ trên mạng trong chuyến đi đến Việt Nam. Nhìn vào số liệu này, có thể thấy tầm ảnh hưởng quan trọng của công nghệ, của internet trong việc xây dựng thói quen du lịch và kết nối du khách trong thời đại hiện nay.

Các doanh nghiệp Nghệ An đã làm tốt điều này chưa? Phải thẳng thắn nói rằng là chưa và thậm chí là còn chậm bắt nhịp so với một số tỉnh, thành phố lớn trong cả nước. Phần lớn các doanh nghiệp Nghệ An có sử dụng mạng xã hội, website để làm “kênh” quảng bá, nhưng việc quản trị các công cụ này còn yếu. Nhiều doanh nghiệp chưa đầu tư đúng mức để xây dựng website chuyên nghiệp có thể nắm bắt được xu thế công nghệ mới.

Ở góc độ quản lý nhà nước, do nguồn lực(nhân lực, tài lực…) còn hạn chế nên việc đầu tư xây dựng, nâng cấp các website giới thiệu thông tin dịch vụ ở các khu, điểm du lịch còn bất cập, nhiều điểm đến ở Nghệ An chưa có “kênh” thông tin chính thức.

Quảng bá du lịch Nghệ An qua kênh Facebook cũng là cách làm hiệu quả.jpg
Quảng bá du lịch Nghệ An qua kênh website, Facebook cũng là cách làm hiệu quả.

Chúng ta cũng chưa xây dựng được các ứng dụng di động nhằm hướng dẫn đường đi, kết nối giao thông…; dịch vụ đường truyền internet miễn phí - điều phổ biến ở nhiều điểm du lịch nổi tiếng trong nước và thế giới nhưngtỉnh ta vẫn chưa làm được. Mặt khác, công nghệ trong phát triển du lịch hiện nay đã tương đối phát triển với du lịch thực tế ảo 360 độ và thực tế tăng cường, thẻ du lịch đa năng, thuyết minh du lịch tự động, phần mềm quét mã QR…

Chúng ta đã thay đổi tư duy, nhận thức, đã nghĩ và mong mỏi đến những đổi thay về công nghệ này, nhưng để có được trong thực tế thì cần rất nhiều yếu tố, mà trước hết là nguồn lực đầu tư của nhà nước kết hợp với huy động xã hội hóa.

Để từng bước khắc phục hạn chế, tiếp cận với các tiến bộ kỹ thuật công nghệ phục vụ cho phát triển du lịch thông minh, thời gian tới, ngành Du lịch Nghệ An sẽ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác quảng bá điểm đến; tìm hiểu ứng dụng các công nghệ mới như website du lịch thông minh 360 độ, du lịch trực tuyến thông qua thực tế ảo, mở rộng phát triển các mạng xã hội, đồng bộ và số hóa dữ liệu du lịch, phát triển một số mô hình thuyết minh tự động tại các khu, điểm du lịch gắn với quét mã QR…

Đồng thời, tiếp tục tăng cường xã hội hóa, hợp tác công - tư trong phát triển du lịch và thu hút các dự án du lịch lớn, góp phần hiện thực hóa tinh thần Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị trên địa bàn Nghệ An./.

PV: Cảm ơn ông đã tham gia phỏng vấn!

Tin mới