Du lịch Việt hồi hộp ngóng tin miễn visa

Các công ty du lịch đang lo lắng trước chính sách miễn thị thực chưa rõ ràng.

Chỉ còn hơn một tháng nữa (ngày 30-6), chính sách miễn thị thực (visa) cho công dân năm quốc gia Tây Âu gồm Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Ý sẽ hết hiệu lực sau một năm thực hiện. Nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng từ cơ quan chức năng là có tiếp tục chính sách này nữa hay không.

Chính điều này đang gây lúng túng cho doanh nghiệp (DN) du lịch và gây thiệt hại rất lớn cho Việt Nam.

Không biết ăn nói sao với đối tác

Đề cập đến vấn đề trên, Tổng Giám đốc Công ty Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ thông tin thời gian qua nhờ chính sách miễn visa nên việc thu hút khách từ năm quốc gia Tây Âu rất tốt. Riêng tại Vietravel, trong ba tháng đầu năm nay lượng khách từ những quốc gia này bằng cả năm 2015. Đáng buồn là hiện nay thông tin chưa rõ ràng khiến các DN hoang mang.

“Nếu việc miễn visa chấm dứt thì bao nhiêu công sức, tiền bạc bỏ ra đầu tư quảng bá, tiếp thị của chúng tôi trong thời gian qua đổ sông đổ biển. Hơn nữa các đối tác nước ngoài sẽ mất lòng tin không chỉ với công ty mà còn cả ngành du lịch Việt. Trong khi các quốc gia bên cạnh Việt Nam tạo điều kiện thoải mái cho du khách nhập cảnh, tiếp tục mở rộng diện miễn visa thì chính sách của chúng ta lại chập chờn du lịch Việt sẽ tiếp tục thua trong cuộc cạnh tranh với các nước” - ông Kỳ nhấn mạnh.

Đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh đang là xu hướng chung trên thế giới. Trong ảnh:  Du khách ngoại đến VN.
Đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh đang là xu hướng chung trên thế giới. Trong ảnh: Du khách ngoại đến Việt Nam.

Phân tích thêm về vấn đề này, bà Uyển Phương, phụ trách khối khách nước ngoài của Saigontourist, kể thời gian gần đây các công ty du lịch quốc tế đều đặt câu hỏi liệu việc miễn visa của Việt Nam có tiếp tục hay dừng lại sau ngày 30-6. Trước câu hỏi này, các công ty du lịch Việt không biết trả lời thế nào.

“Lý do đối tác nước ngoài rất quan tâm đến visa là để lên kế hoạch đưa khách đến với Việt Nam. Đối với các nước Tây Âu, năm du lịch của họ bắt đầu từ tháng 10 năm nay đến tháng 9 năm tới, do vậy việc chuẩn bị chương trình, sản phẩm, giá cả… phải làm rốt ráo, kết thúc trước quý II hằng năm. Chính vì vậy tháng 4 và 5 là thời điểm họ cần biết chính sách miễn visa, chính sách phát triển du lịch của các điểm đến” - bà Phương lý giải.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn TP.HCM Tào Văn Nghệ, nhiều công ty du lịch Việt đang trải qua thời kỳ khá bi đát, chủ yếu do du lịch miền Trung gặp khó khăn. Chẳng hạn ở Quảng Bình có resort 354 phòng nhưng chỉ có 15 phòng có khách.

“Trước tình hình này Nhà nước nên hỗ trợ cho DN, nếu siết chặt visa thì thật đáng tiếc” - ông Nghệ nói.

Cần chính sách ổn định

Bộ VH-TT&DL vừa đưa ra đánh giá, sau khi thực hiện việc miễn thị thực cho Cộng hòa Belarus và năm nước Tây Âu, lượng khách đến từ các thị trường này tăng liên tục. Tổng lượng khách du lịch từ năm nước trong chín tháng được miễn thị thực nhập cảnh đạt 554.242 lượt, tăng 13,91% so với cùng kỳ năm 2014 và 2015; tổng thu tăng thêm từ số lượng khách du lịch từ năm nước Tây Âu ước đạt hơn 171 triệu USD.

Như vậy, nếu đột ngột dừng chủ trương miễn thị thực thì sẽ gây thiệt hại rất lớn cho Việt Nam. Không chỉ vậy, chính sách miễn thị thực cho công dân các nước Tây Âu chỉ trong một năm (tính từ 1-7-2015). Đây là một thách thức cho các cơ quan quản lý nhà nước, công ty du lịch và khách du lịch trong quá trình triển khai. Lý do là việc miễn thị thực ngắn hạn chủ yếu thu hút khách đi lẻ, còn các công ty tổ chức khách theo đoàn lớn vẫn còn dè dặt, chờ đợi chính sách dài hạn, ổn định của Việt Nam.

Đặc biệt, việc miễn thị thực ngắn hạn trong một năm là chưa đủ để thực sự hỗ trợ cho DN. Bởi kế hoạch kinh doanh của các công ty thường theo chiến lược trung hạn 3-5 năm hoặc dài hạn trên năm năm. Bản thân hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch cũng cần trước ít nhất sáu tháng đến một năm để lan tỏa đến du khách.

“Do vậy, nếu công dân năm nước Tây Âu tiếp tục được miễn visa và tăng thời gian lưu trú thì sẽ thuận lợi cho phát triển du lịch Việt. Chúng tôi mong muốn Nhà nước đưa ra chính sách về visa ổn định lâu dài để DN yên tâm đầu tư, đừng để năm nay đầu tư nhưng năm sau không biết thế nào” - đại diện một công ty du lịch kiến nghị.

Trước những kiến nghị của DN, ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho hay ông đồng tình với quan điểm của các DN. Ông cũng cho rằng việc tiếp tục miễn visa cho năm quốc gia Tây Âu và tăng thời hạn được miễn visa… là cần thiết. Có như vậy mới có thể tăng thêm sức hấp dẫn cho du lịch Việt.

Kiến nghị gia hạn, miễn thị thực

Theo thông tin từ Bộ VH-TT&DL, bộ này đã có văn bản đề xuất Chính phủ xem xét, gia hạn thời gian miễn thị thực nhập cảnh cho công dân năm nước Tây Âu từ một lên năm năm; tăng thời gian miễn thị thực nhập cảnh từ 15 lên 30 ngày để phù hợp với nhu cầu của khách du lịch.

Bộ cũng đề nghị Chính phủ sớm xem xét, chấp thuận đề xuất của Bộ về việc đề nghị miễn thị thực đơn phương cho công dân 13 nước đến Việt Nam du lịch theo chương trình tour trọn gói do các công ty lữ hành quốc tế được phép hoạt động tại Việt Nam tổ chức…

Đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh đang là xu hướng chung trên thế giới. Hiện nay, các nước láng giềng với Việt Nam cũng tiếp tục đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh để tăng cường thu hút khách. Điển hình là từ đầu tháng 3-2016, Indonesia miễn thị thực thêm cho công dân 79 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Nỗi khổ của du khách

Nếu thời gian khách quốc tế xin cấp visa đúng vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật hay các ngày lễ… thì họ thường phải chờ hết những ngày đó mới được vào Việt Nam. Trong khi du khách muốn vào Campuchia, Lào… rất dễ dàng, thuận lợi vì các nước cấp visa liên tục cho du khách chứ không có chuyện lễ, tết thì không cấp.

Theo Pháp Luật

TIN LIÊN QUAN

Tin mới