Du lịch xanh Nghệ An và sự khởi đầu

(Baonghean.vn) - Phát triển du lịch xanh là cơ hội và cũng là thách thức, là mục tiêu quan trọng trong phát triển du lịch bền vững, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Ở Nghệ An, du lịch xanh đang ở giai đoạn khởi đầu.

TÔN TẠO, XÂY DỰNG GIÁ TRỊ

Trên Quốc lộ 7, khu vực xã Tam Đình, huyện Tương Dương hiện hữu một quần thể săng lẻ vô cùng độc đáo, được mệnh danh là cánh rừng đẹp nhất Đông Dương, mà bất cứ ai đi qua cũng phải dừng chân để chiêm ngưỡng. Những cây săng lẻ ở đây có thân cao đến 40m, màu trắng, được bàn tay tạo hóa xếp đặt trên diện tích 241 ha, hình thành nên một không gian xanh, đẹp đến ngỡ ngàng. Rừng săng lẻ đã là niềm tự hào, biểu tượng, là điểm đến du lịch đáng chú ý ở miền Tây xứ Nghệ.

Rừng săng lẻ Tam Đình đang là điểm dừng chân thu hút du khách. Ảnh tư liệu
Rừng săng lẻ Tam Đình đang là điểm dừng chân thu hút du khách. Ảnh tư liệu

Hiện, rừng săng lẻ Tam Đình đã trở thành một thắng cảnh du lịch quan trọng, tiền đề để phát triển du lịch xanh cho huyện Tương Dương nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung. Ông Lô Thanh Nhất - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: Thực hiện Đề án phát triển du lịch của huyện, Tương Dương đang phối hợp cùng Sở Du lịch nghệ An, hiệp hội Du lịch Nghệ An và Chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt nam (Quỹ Môi trường Toàn cầu) triển khai Dự án phát triển du lịch sinh thái cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng đệm Vườn Quốc gia Pù Mát. Điểm nhấn trọng tâm của dự án là xây dựng trạm nghỉ chân ngắm cảnh cho du khách và đường tham quan, chụp ảnh cho du khách đi bộ kết hợp tuần tra bảo vệ rừng.

Du lịch xanh là loại hình du lịch dựa vào tự nhiên và văn hóa, có giáo dục môi trường, đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững, có sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Cốt lõi của du lịch xanh là sản phẩm du lịch với các yếu tố đặc biệt thân thiện môi trường, được phát triển phù hợp với các nguyên tắc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Có thể nói, phát triển du lịch xanh là chìa khóa để phát triển du lịch có trách nhiệm, đảm bảo du lịch bền vững.

Từ rừng săng lẻ Tương Dương, ở Nghệ An đã và đang có thêm những cánh rừng du lịch sinh thái được tôn tạo, xây dựng thêm, tiêu biểu là rừng cây bản địa của huyện Quỳ Châu. Thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Quỳ Châu lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Thường trực Huyện ủy đã có chủ trương xây dựng mô hình “Trồng cây gỗ lớn gắn phát triển du lịch sinh thái” nhằm tạo tiền đề phát triển kinh tế rừng, phát triển du lịch. Theo đó, Thường trực Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện Quỳ Châu thu hồi 51 ha đất đồi ở khu vực dốc Kẻ Lè (bên cạnh Quốc lộ 48, giáp ranh giữa 2 xã Châu Hội và Châu Hạnh) triển khai mô hình rừng cây bản địa - rừng cây đại đoàn kết.

Rừng cây bản địa được trồng mới ở Quỳ Châu. Ảnh: Thành Cường
Rừng cây bản địa được trồng mới ở Quỳ Châu. Ảnh: Thành Cường

"Huyện đã phát động phong trào đến toàn bộ cán bộ nhân viên trong cơ quan; các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài huyện tham gia ủng hộ, trồng cây bản địa tại rừng cây đại đoàn kết. Nhận thấy lợi ích lớn mà rừng cây bản địa nói riêng và phong trào trồng cây đem lại, các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trong ngoài huyện đã hưởng ứng, tích cực tham gia”.

Ông Lương Trí Dũng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Quỳ Châu

Chỉ dăm năm nữa, khi cây xanh tươi bén rễ, huyện Quỳ Châu sẽ có một khu rừng đẹp. Rừng cây bản địa trở thành điểm nhấn du lịch sinh thái xanh quan trọng bên cạnh những di tích, danh thắng sẵn có như Hang Bua, Thẩm Ồm, Thẩm Chàng, Di tích lịch sử Đốc binh Lang Văn Thiết, bản Thái cổ Hoa Tiến, khe Bàn, thác Khe Bấn, khe Mị... Dưới tán rừng cây bản địa dốc Kè Lè, huyện cũng sẽ cho triển khai trồng các loại cây dược liệu, tạo nên các sản phẩm phục vụ nhu cầu của du khách khi đến địa phương.

 ĐỂ DU LỊCH PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG  

Tuy nhiên, vẫn phải nói rằng, ở Nghệ An hiện nay việc thực hiện phát triển du lịch xanh còn ở giai đoạn khởi đầu và bộc lộ một số hạn chế. Cụ thể, việc phát triển du lịch chưa gắn với khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên; xây dựng không theo quy hoạch; gây ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường du lịch, thay đổi cảnh quan thiên nhiên, văn hóa ngoại lai... Một trong những điển hình là ở khu vực thượng lưu đập Phà Lài (xã Môn Sơn, huyện Con Cuông).

Du khách không mặc áo phao, ăn uống ngay trên thuyền tại đập Phà Lài. Ảnh: Thành Cường
Du khách không mặc áo phao, ăn uống ngay trên thuyền tại đập Phà Lài. Ảnh: Thành Cường

Tại khu vực thượng lưu đập Phà Lài từ nhiều năm nay có một số hộ xây dựng nhà bè trên mặt nước phục vụ kinh doanh ăn uống dù chưa có đăng ký, đăng kiểm, chứng nhận an toàn kỹ thuật và vi phạm hành lang đê điều, nhà bè tạm bợ, được thiết kế từ các thùng phi liên kết với nhau, nhiều chỗ bị hư hỏng, dễ gây mất an toàn cho người tham gia du lịch. Không những thế, chủ nhà bè xả rác, nước thải trực tiếp gây ô nhiễm môi trường. ngoài ra, các hộ kinh doanh nhà bè còn lập bến tàu sử dụng các phương tiện tàu chưa có đăng ký, đăng kiểm để chở khách du lịch tham quan tại sông Giăng, rất nguy hiểm cho người tham gia... Dù lực lượng chức năng đã kiểm tra, nhắc nhở nhưng các nhà bè vẫn tồn tại và đang cơi nới thêm diện tích dưới nước cũng như ở trên bờ. 

“Huyện đã chỉ đạo chính quyền xã Môn Sơn kiên quyết xử lý nhưng UBND xã vẫn chần chừ do không hiểu rõ các quy định của pháp luật. Trước tết Nguyên đán, UBND huyện yêu cầu Phòng Tư pháp hướng dẫn bằng văn bản để UBND xã xử lý...”.

Ông Vi Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông

Các hoạt động trái phép tồn tại lâu nay tại đập Phà Lài. Ảnh: Thành Cường
Các hoạt động trái phép tồn tại lâu nay tại đập Phà Lài. Ảnh: Thành Cường

Phát triển du lịch xanh trên cơ sở dựa vào tài nguyên tự nhiên, văn hóa, môi trường, cộng đồng ở nghệ An vẫn đang có những hạn chế về mặt nhận thức. Hiện nay, du lịch ở tỉnh đang được đẩy mạnh ở khu vực miền Tây với những điểm đến mới như Mường Lống, Pù Xai Lai Leng và đã có những biểu hiện “ăn xổi” xuất hiện trong một số hộ kinh doanh cá thể.

Ông Nguyễn Hữu Bắc - Giám đốc một công ty du lịch ở Nghệ An cho rằng: “Sẽ rất nguy hiểm khi người ta khai thác giá trị tự nhiên mà không theo quy hoạch, không quan tâm đến việc bảo vệ và tôn tạo; đặc biệt là việc lai tạp văn hóa, du nhập văn hóa khác vào xem như văn hóa bản địa, chưa đào tạo được con người phục vụ du lịch đã tính đến việc khai thác. Nghệ An đang ở giai đoạn đầu của phát triển du lịch xanh, điều cần thiết bây giờ là nâng cao nhận thức và đào tạo về du lịch xanh cho cộng đồng, cán bộ chuyên môn, quản lý từ đó hoạch định ra chiến lược thực hiện. Trước khi khai thác, chúng ta cần ứng xử “đẹp” với môi trường như cách Tương Dương, Quỳ Châu đã làm”./.

Tin mới