Dư luận Mỹ tranh cãi về việc ngừng cấp kinh phí cho cảnh sát

Ngừng cấp kinh phí cho cảnh sát liệu sẽ hướng tới giải quyết các vấn đề xã hội từ gốc rễ hay chỉ khiến tỷ lệ tội phạm gia tăng?

"Ngừng cấp kinh phí cho cảnh sát" - cụm từ này đã được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội cũng như được sơn đậm trên các đường phố và được các chính trị gia nhắc đến thường xuyên sau cái chết của người đàn ông da đen George Floyd ở thành phố Minneapolis.

Dư luận Mỹ tranh cãi về việc ngừng cấp kinh phí cho cảnh sát ảnh 1

Biểu tình vụ George Floyd ở New York. Ảnh: Reuters

Những người biểu tình đã đổ ra đường và làm nóng lên những cuộc thảo luận về vai trò của cảnh sát trong xã hội trong khi một số nhà hoạt động kêu gọi "ngừng cấp kinh phí cho cảnh sát".

Tại Minneapolis, đa số thành viên trong Hội đồng thành phố đều nhất trí giải thể phòng cảnh sát, đi ngược với mong muốn của Thị trưởng Jacob Frey là chỉ thay đổi chứ không giải tán lực lượng hiện tại.

"Rõ ràng là hệ thống cảnh sát này không thể đảm bảo an toàn cho cộng đồng của chúng ta. Theo thời gian, những nỗ lực nhằm tạo ra sự cải cách lớn đã phai mờ", Chủ tịch Hội đồng Lisa Bender khẳng định.

Thị trưởng Los Angeles Eric Garcetti cũng cho biết sẽ cắt giảm khoảng 150 triệu USD của phòng cảnh sát thành phố, vốn là một phần trong kế hoạch tăng ngân sách cho cơ quan này, trong khi Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio hôm 7/6 khẳng định, thành phố này sẽ chuyển ngân sách của Phòng Cảnh sát New York cho các sáng kiến dành cho thanh niên và các dịch vụ xã hội.

Phong trào ngừng cấp kinh phí cho cảnh sát là gì?

Động thái ngừng cấp kinh phí cho cảnh sát được hiểu khá đơn giản. Điều đó tức là nguồn ngân sách được cấp cho các lực lượng cảnh sát ở Mỹ sẽ bị cắt giảm hoặc rút lại.

Việc ngừng cấp kinh phí cho cảnh sát được kêu gọi hiện nay ở Mỹ đã vượt ngoài vấn đề tiền bạc. Theo các nhà hoạt động xã hội, động thái này sẽ là một cú hích để tái phân bổ các nguồn ngân sách trên cho các chương trình xã hội cần thiết.

"Việc này không chỉ là rút ngân sách của lực lượng cảnh sát mà còn là tái đầu tư số tiền đó cho các cộng đồng người da đen. Chúng tôi sẽ phải cân nhắc lại về việc phân bổ nguồn lực. Tôi đang nói về việc hiện nay chúng ta có một nền kinh tế "trừng phạt" thay vì một nền kinh tế "chăm sóc", Patrisse Cullors - người đồng sáng lập phong trào Black Lives Matter (tạm dịch là "Người da màu đáng được sống) nhận định.

Dù vậy, trong một bài bình luận trên Washington Post, Christy E. Lopez, giáo sư Trường Luật Georgetown viết rằng, việc ngừng cấp ngân sách cho cảnh sát không nên diễn ra ngay tức khắc hoặc cắt giảm triệt để nguồn kinh phí này xuống còn con số 0.

"Ngừng cấp kinh phí cho cảnh sát nghĩa là thu hẹp phạm vi trách nhiệm của cảnh sát và thay đổi hầu hết những điều chính phủ đang làm để đảm bảo an toàn cho chúng ta so với việc trang bị cho tốt hơn những thực thể để đáp ứng nhu cầu đó", ông Lopez bình luận.

MPD150, một sáng kiến của các nhà tổ chức ở Minneapolis nhằm tạo ra "thay đổi mang tính cấu trúc ý nghĩa" với lực lượng cảnh sát thành phố cho rằng, việc thay đổi trách nhiệm của cảnh sát là trung tâm của phong trào ngừng cấp kinh phí cho cảnh sát.

"Những người chịu trách nhiệm phản ứng với các khủng hoảng trong cộng đồng của chúng ta nên là những người được trang bị tốt nhất để đối phó với những khủng hoảng này", nhóm này nhận định trên trang web của mình.

Những người đề xuất ý tưởng ngừng cấp kinh phí cho cảnh sát nói rằng chính sách ở Mỹ trong một thời gian dài đã gây ra sự tổn hại không cân đối với các cộng đồng người da màu.

Alex S. Vitale, giáo sư về xã hội học tại Cao đẳng Brooklyn đã giải thích với NPR rằng có một sự hiểu lầm rằng cảnh sát là lực lượng trung lập về chính trị cũng như thực thi luật pháp để đem tới sự công bằng cho mọi người.

"Thực tế là trật tự xã hội Mỹ chưa bao giờ hoàn toàn công bằng. Mặc dù chúng tôi không sử dụng cảnh sát để duy trì chế độ nô lệ hay thuộc địa ngày nay nữa nhưng cảnh sát vẫn được huy động để giải quyết các vấn đề mà hệ thống bất bình đẳng của chúng tôi tạo ra".

"Việc một cơ quan thực thi luật pháp trở thành một cơ quan chính phủ chăm sóc và chia sẻ với cộng đồng người da đen là điều bất khả thi", Cullors nhận định.

Định nghĩa lại về vai trò của cảnh sát

Vitale đánh giá một trong những vấn đề lớn nhất với cảnh sát trong những thập kỷ trở lại đây là việc thực thi luật pháp đóng vai trò ngày càng lớn trong việc đối phó với các vấn đề xã hội.

Dư luận Mỹ tranh cãi về việc ngừng cấp kinh phí cho cảnh sát ảnh 2
Các sĩ quan tuần tra của bang triển khai lực lượng nhằm giữ tình hình ổn định trong cuộc biểu tình sau cái chết của ông George Floyd ở Minneapolis, Minnesota ngày 31/5.

Tuy nhiên, theo Vitale, thay vì giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề thì cảnh sát được sử dụng để "tội phạm hóa" những người gây ra các vấn đề đó.

Theo MPD150, thay vì điều động "những người lạ được trang bị súng, những người có thể không sống ở khu dân cư mà họ đi tuần", thì các nhà chức trách nên sử dụng các nhân viên xã hội, chuyên gia chăm sóc sức khỏe tinh thần, những người từng có kinh nghiệm để giải quyết vấn đề thay vì đối phó với vấn đề như cách mà lực lượng cảnh sát vẫn gọi.

Năm 2016, cảnh sát trưởng thành phố Dallas David Brown nói rằng: "Chúng ta đang yêu cầu cảnh sát làm quá nhiều điều tại đất nước này. Bất kỳ vấn đề xã hội nào, chúng ta đều gọi tới cảnh sát".

Nhận định với Philadelphia Inquirer về chủ đề liệu có phải cảnh sát đang được yêu cầu làm quá nhiều việc hay không, William Bratton, cựu ủy viên hội đồng cảnh sát thành phố New York, đồng thời ủy viên hội đồng cảnh sát Boston và cảnh sát trưởng Los Angeles nhận định: "Sau vụ 11/9, các phòng cảnh sát, đặc biệt ở những thành phố lớn phải cam kết về nguồn lực để ngăn chặn khủng bố. Cảnh sát hiện nay cũng phải giải quyết với các vấn đề từ tội phạm mạng cho tới dùng ma túy quá liều. Cảnh sát cũng được kỳ vọng có đủ chuyên môn để giải quyết những người có vấn đề về tâm lý. Chúng ta đang yêu cầu cảnh sát trong thế kỷ 21 phải gần như các bác sĩ".

Các luồng quan điểm trái chiều

Peter Newsham - cảnh sát trưởng thủ đô Washington cảnh báo rằng việc ngừng cấp ngân sách cho các phòng cảnh sát có thể gia tăng sức ép với các sĩ quan cảnh sát làm việc vụ.

"Vấn đề số 1 khiến các cơ quan cảnh sát bị quá tải là khi bạn ngừng cấp ngân sách cho họ. Việc này sẽ tác động đến quá trình đào tạo, tuyển dụng cũng như bồi dưỡng và phát triển các lãnh đạo giỏi", Newsham nhận định.

Những người phản đối ý tưởng ngừng cấp ngân sách cho cảnh sát bày tỏ lo ngại việc này có thể dẫn đến tỷ lệ tội phạm gia tăng.

Liên minh cảnh sát thành phố Los Angeles cho biết việc cắt giảm ngân sách sẽ là "cách nhanh nhất khiến các khu dân cư của chúng ta trở nên nguy hiểm hơn".

Tổng thống Trump và các đồng minh của ông hôm 8/6 cũng chỉ trích các nhà hoạt động xã hội và một số thành viên đảng Dân chủ vì đã ủng hộ phong trào "ngừng cấp kinh phí cho cảnh sát".

"Sẽ không có chuyện ngừng cấp kinh phí và giải tán lực lượng cảnh sát. Họ đã giúp chúng ta sống trong yên bình và chúng tôi muốn đảm bảo rằng sẽ không có bất kỳ người không đáng tin nào trong lực lượng cảnh sát", ông Trump cho biết trong một cuộc họp với các sĩ quan làm nhiệm vụ thực thi luật pháp và các cảnh sát trưởng tại Nhà Trắng, đồng thời khẳng định ông tin rằng "99% cảnh sát là những người tuyệt vời".

Trong khi đó, những người ủng hộ ý tưởng trên thì cho rằng nguồn ngân sách bị cắt giảm này có thể tái phân bổ cho những nhu cầu xã hội khác nhằm làm giảm tỷ lệ tội phạm.

Cullors nhận định: "Biện pháp gắn camera lên trang phục cảnh sát không có ý nghĩa gì ngoài việc cho chúng ta thấy những điều đã xảy ra vẫn lặp đi lặp lại. Hoạt động đào tạo không có ý nghĩa gì ngoài việc cho chúng ta thấy cơ chế thực thi luật pháp và văn hóa thực thi luật pháp không thể tạo ra sự thay đổi".

"Bằng cách chuyển nguồn ngân sách từ cảnh sát sang các dịch vụ thực sự đáp ứng được nhu cầu của người dân, chúng ta có thể xây dựng một xã hội mà không ai phải đi cướp ngân hàng nữa", MPD viết trên trang web của tổ chức./.

Tin mới