Đưa cam Vinh lên các sàn thương mại điện tử

(Baonghean) - Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Nghệ An vừa tổ chức thành công chương trình livestream giới thiệu, quảng bá tiêu thụ cam Vinh. Đây là cách làm mới phù hợp xu thế nhằm đưa thương hiệu cam Vinh đến gần hơn người tiêu dùng ở xa.

Tác động tích cực

Ngày 28/11 vừa qua, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Nghệ An phối hợp với UBND huyện Yên Thành tổ chức thành công chương trình livestream kết nối tiêu thụ cam Vinh và đặc sản Nghệ An ngay tại vườn cam ở xã Đồng Thành (Yên Thành). 

Đây là lần đầu tiên người dân khắp nơi trên lãnh thổ Việt Nam và ở nước ngoài có thể tìm hiểu về cam Vinh một cách trực tuyến mà không cần có mặt tại vườn. Thông qua kênh quảng bá và bán hàng trực tuyến trên các kênh truyền thông đa phương tiện này, người tiêu dùng có thể hiểu hơn về hình ảnh, chất lượng, giá trị của thương hiệu cam Vinh nói riêng và các đặc sản Nghệ An nói chung. 

Người dân thu hoạch cam Vinh tại trang trại. Ảnh: TĐ
Người dân thu hoạch cam Vinh tại trang trại. Ảnh: T.Đ

Ngay sau khi chương trình livestream quảng bá cam Vinh được tổ chức thành công, người trồng cam tại xã Đồng Thành đã rất hào hứng với cách thức kết nối mới này. Ông Phạm Công Hải - quản lý trang trại cam Thiên Sơn tại xóm Đồng Trung (Đồng Thành) cho biết: Sau khi chương trình livestream trực tiếp diễn ra, đã có nhiều khách hàng mới trên khắp cả nước gọi điện đến đặt vấn đề kết nối, tiêu thụ, một số người thì xin địa chỉ trực tiếp để đến tham quan và tìm hiểu cụ thể. Theo ông Hải bình quân mỗi ngày trang trại bán ra từ 4-5 tấn cam, sau khi chương trình diễn ra số lượng cam bán ra đã có tăng hơn. 

Ông Trương Văn Biên - chủ trang trại cam cũng tại xã Đồng Thành thì cho biết thêm, chương trình livestream quảng bá cam Vinh đã đem lại nhiều bài học, kinh nghiệm cho các nhà vườn, nhất là trong việc sử dụng công nghệ thông tin để quảng bá sản phẩm của mình. "Chắc chắn trong thời gian sắp tới, ngoài việc tập trung nâng cao chất lượng quả cam Vinh, chúng tôi cũng sẽ sắp xếp, bố trí không gian livestream để tích cực lên sóng hơn nữa. Bởi phải có nhiều người biết đến quả cam Vinh thì việc bán hàng mới hiệu quả" - ông Biên nhấn mạnh. 
 
Vào thời điểm  này, cam Vinh đang bước vào mùa thu hoạch, việc tổ chức chương trình livestream trực tiếp tại vườn giúp quảng bá hình ảnh cam Vinh đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Ảnh: TĐ
Vào thời điểm này, cam Vinh đang bước vào mùa thu hoạch, việc tổ chức chương trình livestream trực tiếp tại vườn giúp quảng bá hình ảnh cam Vinh đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Ảnh: TĐ

Ông Ngô Văn Tuấn - Chủ tịch UBND xã Đồng Thành rất phấn khởi khi chương trình livestream quảng bá, giới thiệu cam Vinh đã được tổ chức. Ông Tuấn cho biết, hiện toàn xã đã có khoảng 70 hộ dân tham gia trồng cam quy mô từ 1-2 ha cho đến 17 ha. Đến nay, diện tích cam của toàn xã đã đạt 130 ha, dự kiến diện tích quy hoạch cam sẽ được mở rộng lên đến 300 ha. Ngoài việc xây dựng thương hiệu cam theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP thì xã cũng đã phối hợp với các ban, ngành triển khai xây dựng quy trình sản xuất cam sạch. Và với cách quảng bá mới này, ông Tuấn hy vọng thương hiệu cam Vinh sẽ ngày càng được biết đến nhiều hơn trên thị trường trong và ngoài nước. 

Ông Nguyễn Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết: Cam là cây trồng mới trên địa bàn huyện Yên Thành, vì thế người dân vẫn còn đang nhiều bỡ ngỡ trong việc sản xuất, tiêu thụ. Chính vì thế, huyện cũng đã đề ra nhiều chính sách để hỗ trợ bà con nông dân trồng cam.

Trong đó, ngoài hỗ trợ cây giống đảm bảo chất lượng thì còn tổ chức chuyển giao khoa học, kỹ thuật, tổ chức tập huấn cho bà con nông dân ở ngay tại vườn, giúp người dân biết cách chăm sóc cây cam để phòng, chống sâu bệnh, qua đó cho quả cam đạt chất lượng cao nhất và đẹp về mẫu mã. 

Ông Nguyễn Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết rằng, huyện cũng đã có nhiều chính sách để hỗ trợ bà con nông dân trồng cam. Ảnh: Tiến Đông
Ông Nguyễn Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết rằng, huyện cũng đã có nhiều chính sách để hỗ trợ bà con nông dân trồng cam. Ảnh: Tiến Đông 

Ngoài ra, huyện cũng đã hỗ trợ người dân xúc tiến thương mại, quảng bá quả cam thông qua các trang thông tin điện tử của huyện, gắn với xây dựng sản phẩm OCOP. Tổ chức tuyên truyền, quảng bá hình ảnh quả cam Vinh thường xuyên trên các trang facebook, zalo cũng như các hội chợ, triển lãm do UBND tỉnh và tỉnh bạn tổ chức. Giúp cho khách hàng trong và ngoài nước biết đến thương hiệu cam Vinh, cam Đồng Thành nhiều hơn.

Với thời lượng 1 tiếng đồng hồ livestream quảng bá cam Vinh trên các fanpage của Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An, đã thu hút hơn 42.000 lượt xem và chia sẻ. Chưa kể đến việc có hàng chục nghìn lượt theo dõi, tương tác qua các kênh tiếp sóng của Đài Truyền hình Việt Nam VTV; Đài Truyền hình Kỹ thuật số Việt Nam VTC…  

Marketing cam Vinh

Có thể thấy rằng, từ chương trình livestream giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ cam Vinh, sự tương tác giữa người tiêu dùng với các đơn vị sản xuất, cung cấp, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm đã được nâng lên.

Bên cạnh đó, nhận thức, tư duy của các nhà sản xuất, cung ứng từ phạm vi, quy mô nhỏ lẻ, tự phát cũng dần thay đổi sang hướng tư duy kinh doanh trên nền tảng số, nhằm đa dạng hóa phương thức bán hàng để phù hợp với tình hình dịch bệnh và bối cảnh Việt Nam đang hướng tới nền kinh tế số. Từ đó, góp phần từng bước đưa nông nghiệp của Nghệ An tiến tới nền nông nghiệp số, tạo thị trường lớn, mở ra cơ hội mới cho người sản xuất, kinh doanh. Việc bán hàng online hay livestream bán hàng trực tiếp đã được rất nhiều người thực hiện và đem lại hiệu quả cao, trở thành bài học cho việc xây dựng thương hiệu cũng như marketing bán hàng. 

Lãnh đạo và cán bộ Trung Tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Nghệ An kiểm tra công tác chuẩn bị kịch bản trước giờ livestream. Ảnh: TĐ
Lãnh đạo và cán bộ Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Nghệ An kiểm tra công tác chuẩn bị kịch bản trước giờ livestream. Ảnh: T.Đ

Ông Nguyễn Văn Nam - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Nghệ An: Thực hiện nhiệm vụ của cơ quan Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch, đồng thời thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy cũng như UBND tỉnh, Trung tâm cũng đã phối hợp với các ban, ngành cấp tỉnh triển khai nhiều chương trình  nhằm thúc đẩy tiêu thụ cam Vinh cũng như các loại nông sản của Nghệ An đến thị trường trong nước và tiến tới xuất khẩu. Trong thời gian qua, Trung tâm cũng đã tổ chức đưa cam Vinh đến nhiều hệ thống siêu thị lớn trong cả nước. 

Dự kiến trong tháng 12/2021, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Nghệ An tiếp tục livestream tiêu thụ cam Vinh và các đặc sản Nghệ An tại phòng livestream được xây dựng ở Khách sạn Mường Thanh Sông Lam. Tại chương trình này, ngoài cam Vinh, sẽ có thêm 10 sản phẩm đặc sản khác của Nghệ An được lên sóng trực tiếp để quảng bá tới người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Văn Nam - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Nghệ An cho rằng, điều mà những người tổ chức chương trình mong muốn là định hướng cho các trang trại, các cơ sở sản xuất sản phẩm nông nghiệp chủ động nghiên cứu thị trường, ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá sản phẩm của mình. Ảnh: T.Đ
Ông Nguyễn Văn Nam - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Nghệ An cho rằng, điều mà những người tổ chức chương trình mong muốn là định hướng cho các trang trại, các cơ sở sản xuất sản phẩm nông nghiệp chủ động nghiên cứu thị trường, ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá sản phẩm của mình. Ảnh: T.Đ

Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, và sự phát triển của các nền tảng số, càng thúc đẩy việc đưa cam Vinh lên các sàn thương mại điện tử. Đặc biệt, thời gian qua Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Nghệ An cũng đã làm việc với Vụ Thị trường trong nước, Vụ Thương mại điện tử và kinh tế số của Bộ Công Thương để triển khai ký kết với các sàn thương mại điện tử như Voso, Sendo hay Tiki để đưa cam Vinh lan tỏa hơn nữa.

Cũng theo ông Nam, qua chương trình livestream trực tiếp, phía Trung tâm mong muốn định hướng cho các trang trại, nhà vườn và cơ sở sản xuất nông sản chủ động nghiên cứu nhu cầu thị trường, lựa chọn đúng loại hàng hóa mục tiêu, từng bước hiện đại hóa công tác sản xuất, ứng dụng công nghệ để quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất an toàn, kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi bán ra thị trường. Đảm bảo nông sản được tiêu thụ trong chuỗi giá trị, đáp ứng được tiêu chuẩn trong nước và các nước nhập khẩu. Đặc biệt quan tâm, hướng dẫn sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn Global GAP, Organic, GMP… 

Tin mới