Đưa dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ về cơ sở

(Baonghean) - Tháng 3, những người làm dân số lại sôi động với chiến dịch “Truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ”. Thành công của chiến dịch, quyết định đến kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch Dân số - KHHGĐ trong năm 2017...

Đưa dịch vụ về cơ sở

Xã Lăng Thành, huyện Yên Thành được chọn làm điểm triển khai chiến dịch dân số của tỉnh trong năm 2017. Đêm trước ngày phát động, sân khấu của UBND xã đã chật kín người đến tham dự đêm giao lưu truyền thông dân số. Chương trình chỉ diễn ra trong khoảng 90 phút, với những tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn”, những tiểu phẩm nhỏ xoay quanh chủ đề về dân số nhưng đã đem đến cho những người tham dự nhiều cảm xúc thú vị. Qua đó, người dân hiểu được những khó khăn, vất vả của công tác dân số hiện nay và thấy được trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp dân số của tỉnh nhà.

Học sinh huyện Yên Thành diễu hành hưởng ứng Lễ phát động Chiến dịch dân số. Ảnh: Mỹ Hà
Học sinh huyện Yên Thành diễu hành hưởng ứng Lễ phát động Chiến dịch dân số. Ảnh: Mỹ Hà.

Lăng Thành là một trong những xã đặc thù, khó khăn của huyện Yên Thành. Những năm qua, mặc dù chính quyền địa phương đã rất quan tâm đến công tác dân số nhưng do địa bàn của xã trải rộng trên 12 km, trình độ dân trí không đồng đều, nhận thức của người dân còn hạn chế nên tỷ lệ sinh con thứ 3 ở đây vẫn còn ở mức cao với tỷ lệ 22%.

Trước thực trạng này, trong năm 2017, Chi cục Dân số - KHHGĐ và Trung tâm Dân số huyện Yên Thành đã chọn xã Lăng Thành làm nơi triển khai chiến dịch. Tham gia chiến dịch, người dân không chỉ được truyền thông, tuyên truyền về các chính sách dân số mà còn được thụ hưởng các dịch vụ về khám, tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản và được cấp thuốc miễn phí.

Chị Hoàng Thị Thúy, viên chức dân số của xã chia sẻ: “Ở nông thôn, do điều kiện về kinh tế, đường sá đi lại khó khăn nên số người được thăm khám sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe sinh sản rất ít. Vì vậy, khi chương trình được triển khai ở xã, bà con rất hồ hởi, nhiệt tình và đăng ký tham gia rất đông, ai cũng thấy được những lợi ích thiết thực từ chương trình mang lại”.

Cũng nằm trong chương trình phát động, trước đó, đoàn cán bộ y, bác sỹ của Chi cục Dân số - KHHGĐ và Trung tâm Tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh cũng trực tiếp xuống một số xã đặc thù và một số doanh nghiệp trên địa bàn huyện Yên Thành để khám và tư vấn cho gần 500 công nhân đang làm việc ở các xưởng sản xuất.

Tuyên truyền chính sách dân số cho người dân huyện Yên Thành.Ảnh: Mỹ Hà
Tuyên truyền chính sách dân số cho người dân huyện Yên Thành. Ảnh: Mỹ Hà.

Theo chị Nguyễn Thị Hoài - Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Yên Thành: “Việc các doanh nghiệp ủng hộ và tạo điều kiện cho người lao động được nghỉ việc và tham gia vào chương trình cho thấy nhận thức của chủ doanh nghiệp có nhiều tiến bộ. Về phía người lao động, đây là một cơ hội rất tốt để họ được kiểm tra sức khỏe định kỳ và bổ sung những kiến thức cần thiết về việc chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS)”. 

Mô hình thử nghiệm cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS và phương tiện tránh thai cho công nhân ở khu công nghiệp cũng sẽ là hoạt động xuyên suốt trong năm 2017 ở các địa phương khác như Diễn Châu, Anh Sơn, thành phố Vinh với gần 5.000 lượt người được khám, tư vấn và cấp thuốc miễn phí.

Theo bà Thái Thị Tuyết - Phó phòng Dân số - Chi cục Dân số - KHHGĐ, do đặc thù công việc, nhiều công nhân gần như không có thời gian chăm sóc bản thân, đặc biệt là đối với các bạn nam, nữ trẻ tuổi ở các khu công nghiệp. Mô hình đã giúp cho một bộ phận người lao động được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ, qua đó, nhằm đảm bảo quyền lợi của công nhân trong chăm sóc SKSS, nâng cao ý thức tự chăm sóc bản thân, đảm bảo nguồn lực lao động cho quê hương.

Đúng, trúng và sát đối tượng

Chiến dịch “Truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ” là dịp cao điểm để tập trung tuyên truyền vận động, hỗ trợ nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS - KHHGĐ. Năm nay, do điều kiện kinh phí hạn chế nên chỉ 101 xã thuộc các vùng miền núi khó khăn, vùng có mức sinh cao được hỗ trợ kinh phí triển khai chiến dịch.

Tuy nhiên, từ ý nghĩa và tầm quan trọng của chiến dịch, 21/21 huyện, thành thị vẫn chủ động triển khai chiến dịch từ nguồn xã hội hóa và nguồn ngân sách của địa phương, với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực và sát với điều kiện và nhu cầu thực tế ở địa phương.

Tư vấn sử dụng các biện pháp KHHGĐ ở xã Hưng Tây (Hưng Nguyên). Ảnh: Mỹ Hà
Tư vấn sử dụng các biện pháp KHHGĐ ở xã Hưng Tây (Hưng Nguyên). Ảnh: Mỹ Hà.

Tại huyện Quỳ Hợp, do thời gian qua trên địa bàn tình trạng tảo hôn trong học sinh, trẻ vị thành niên có xu hướng tăng mạnh nên trong tháng 3 huyện đã tổ chức Hội nghị “Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng, chống tảo hôn” với sự tham gia của đông đảo các ban, ngành và các trường học trong huyện, qua đó chỉ ra những hệ lụy của tình trạng tảo hôn cũng như những tồn tại trong việc hạn chế tình trạng tảo hôn trong đồng bào dân tộc hiện nay.

Ngoài ra, để giúp học sinh hiểu rõ hơn về hệ quả của tình trạng tảo hôn, Chi cục Dân số - KHHGĐ cũng đã đến Trường THPT Quỳ Hợp 3 và Trường THCS thị trấn để tuyên truyền, nói chuyện với học sinh. Thông qua chương trình này, học sinh Trần Thị Thanh Hoài, lớp 11, Trường THPT Quỳ Hợp 3 cho rằng: “Em thấy buổi nói chuyện rất bổ ích và sẽ tác động đến rất nhiều bạn học sinh. Chúng em hiểu rằng, không nên lấy chồng khi còn quá sớm vì điều đó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, cuộc sống và hạnh phúc của chính bản thân mình”.

Chiến dịch truyền thông năm 2017 cũng được triển khai rầm rộ ở Hưng Nguyên, Nam Đàn, Quỳnh Lưu, thị xã Cửa Lò với nhiều hoạt động phong phú như tổ chức các buổi tuyên truyền nhóm, giao lưu các câu lạc bộ dân số và tổ chức các buổi tuyên truyền ở chợ, xóm vạn chài...

Ở các huyện vùng cao, các đơn vị cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền ở các địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời, đẩy mạnh truyền thông trực tiếp, tư vấn tại hộ gia đình để nâng cao hiểu biết cho từng đối tượng cụ thể. Ngoài ra, nhiều địa phương còn vận động sự tham gia của các trường học, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, chức sắc tôn giáo tham gia ủng hộ các hoạt động, các chương trình...

Đến thời điểm này, Nghệ An là một trong những tỉnh đi đầu và thực hiện hiệu quả chiến dịch “Truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ”. Theo bà Lê Thị Hoài Chung - Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ: “Sự lan tỏa của chiến dịch cho thấy, nhận thức của chính quyền các cấp về công tác dân số đã có nhiều chuyển biến và họ thấy được hiệu quả mà chương trình mang lại. Từ thành công này, chúng tôi cũng hy vọng trong năm 2017, công tác dân số của tỉnh nhà sẽ có nhiều kết quả tích cực, nhằm góp phần thực hiện nỗ lực giảm sinh và nâng cao sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ trẻ em và nâng cao chất lượng dân số tỉnh nhà”.

Mỹ Hà

TIN LIÊN QUAN

Tin mới