Dấu ấn nhiệm kỳ 2010 - 2015: Hướng đi lên vững chắc từ sản xuất nông nghiệp

(Baonghean) - Những năm qua, nông nghiệp Nghệ An đã có bước phát triển cả về lượng và chất. Với nhiều giải pháp và chính sách phù hợp, nông nghiệp không chỉ đảm bảo được an ninh lương thực mà còn tạo nên giá trị gia tăng cao từ những giống cây, con chủ lực được triển khai sản xuất theo quy mô hàng hóa. Từ đó, tạo đà vững chắc cho nông nghiệp tỉnh nhà phát triển trong những năm tiếp theo.
Vượt mục tiêu an ninh lương thực
Trước hết, trong sản xuất lúa gạo, có những chuyển động sâu rộng ở các địa phương được xem là vựa lúa của tỉnh như: Yên Thành, Quỳnh Lưu. Cùng đó, những địa phương có điều kiện canh tác không mấy thuận lợi cũng đã có bước phát triển vượt bậc về năng suất, sản lượng và chất lượng gạo. Chúng tôi về xã Thanh Liên vào thời điểm bà con đang tập trung thu hoạch những trà lúa hè thu 2015 - một vụ sản xuất đầy khó khăn bởi hạn hán, dịch bệnh ngay đầu vụ với dự báo ảnh hưởng rất lớn đến năng suất. Nhờ bám sát chỉ đạo của huyện, của xã, bà con cơ cấu giống chống chịu hạn, chịu sâu bệnh, có thời gian sinh trưởng ngắn, cho năng suất cao. Ông Khương Xuân Trúc, xóm 8, chia sẻ: “Vụ hè thu này, gia đình tui làm 6 sào lúa, nhờ thực hiện tốt chỉ đạo sản xuất của xã về cơ cấu giống, về lịch thời vụ nên năng suất vẫn đạt tương đương với vụ hè thu năm ngoái, đạt hơn 5 tấn/ha”. 
Lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu trao đổi với bà con nông dân về hiệu quả sử dụng máy gặt đập liên hoàn. Ảnh: Hữu Nghĩa
Lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu trao đổi với bà con nông dân về hiệu quả sử dụng máy gặt đập liên hoàn. Ảnh: Hữu Nghĩa
Cũng đồng đất ấy, con người ấy nhưng sản xuất nông nghiệp ở Thanh Liên hôm nay đã có những chuyển biến về chất. Thực hiện chuyển đổi ruộng đất, từ bình quân 5,9 vùng/hộ, giảm xuống còn 1,89 vùng/hộ, tạo điều kiện để đưa các tiến bộ KHKT và cơ giới hóa vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Đồng chí Phan Bá Ngọc, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Sau chuyển đổi ruộng đất, những diện tích không chủ động nước, xã chỉ đạo chuyển đổi sang trồng ngô, bí xanh hoặc làm kinh tế trang trại, đồng nghĩa là diện tích sản xuất lúa thu hẹp hơn so với nhiệm kỳ trước nhưng sản lượng cả nhiệm kỳ vẫn tăng lên; đặc biệt là chất lượng lúa gạo tốt hơn”.
Đồng chí Đặng Anh Dũng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Chương, chia sẻ: “Đa số nhân dân trên địa bàn huyện sống phụ thuộc hoàn toàn vào nông nghiệp nên “được mùa thì dân không giàu, nhưng mất mùa thì nguy to”. Xuất phát từ đặc điểm đó, tư tưởng chỉ đạo sản xuất nông nghiệp của Thanh Chương trong nhiệm kỳ 2010 – 2015 là phải chủ động và tự túc được lương thực, vừa phục vụ cho con người, vừa phục vụ phát triển chăn nuôi”. Để thực hiện được mục tiêu này, huyện chỉ đạo tập trung thâm canh lúa ở những vùng đất chủ động tưới tiêu, không làm lúa “bằng mọi giá”. Theo đó những diện tích cao cưỡng, không chủ động nguồn nước được chuyển sang trồng ngô, rau màu các loại hoặc làm trang trại. Huyện cũng chủ động dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất, đưa các tiến bộ KHKT và cơ giới hóa vào sản xuất; xây dựng các cánh đồng mẫu và cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất lúa; gắn với đó quy hoạch đồng bộ, hoàn thiện mạng lưới giao thông nội đồng, hệ thống kênh mương thủy lợi, đáp ứng lâu dài cho sản xuất bền vững. Nhờ vậy, nông nghiệp Thanh Chương liên tục được mùa, đạt mục tiêu ổn định sản lượng lương thực 100.000 - 105.000 tấn lương thực/năm, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. 
Còn tại huyện miền núi Quế Phong, tận dụng diện tích lúa nước tương đối lớn so với mặt bằng của các huyện vùng cao, cùng với ứng dụng các giống lúa mới phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, áp dụng kỹ thuật bón phân dúi trong điều kiện ruộng bậc thang, sản xuất lúa nước của huyện đã có những bước phát triển vượt bậc trong nhiệm kỳ vừa qua. Tổng diện tích gieo trồng hàng năm đạt trên 7.880 ha, trong đó, diện tích gieo cấy lúa nước tăng từ 4.117 ha năm 2010 lên 4.391 ha năm 2015 (tăng 274 ha, bình quân tăng 55 ha/năm); năng suất lúa nước đạt khá, dự ước năm 2015 đạt 51,1 tạ/ha, tăng so với năm 2010 là 6,15 tạ/ha. Song song với việc đầu tư tăng năng suất, huyện đã chú trọng đầu tư đến giống lúa chất lượng cao Japonica, dần hình thành vùng chuyên canh và xây dựng thương hiệu “Gạo thơm Mường Nọc”, từng bước nâng cao giá trị sau thu hoạch. Từ đó, đưa tổng sản lượng lương thực năm 2015 đạt 24.771 tấn, tăng 2,9%; bình quân lương thực đạt 369 kg/người/năm.
Mặc dù ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt và nhiều tác động khác, nhưng với sự chủ động của ngành Nông nghiệp và nỗ lực của các địa phương, sản xuất lương thực của Nghệ An trong nhiệm kỳ 2010 – 2015 vẫn đảm bảo sự tăng trưởng về năng suất, sản lượng và đặc biệt là giá trị gia tăng trong hạt lúa. Cụ thể, sản lượng lương thực có hạt đạt 1,2 triệu tấn/năm, vượt chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm 2010 – 2015 đề ra. Bên cạnh tăng về sản lượng, điều đáng nói là tỷ lệ giống lúa chất lượng cao, lúa hàng hóa được cơ cấu khoảng 35 – 40% tổng diện tích gieo trồng, góp phần nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp khi giá lúa chất lượng cao tăng 10 – 20% so với lúa thông thường. Để có được những thành tựu nổi bật đó, có sự nhất quán trong chủ trương, chính sách và triển khai xuyên suốt của các cấp, ngành. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã có Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông thôn và nông dân tại Văn bản số 21- Ctr/TU ngày 31/10/2010 và Nghị quyết 03/NQ- TU ngày 6/6/2011 của Tỉnh uỷ Nghệ An về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2011-2020. Chỉ thị 16/CT-TU, ngày 24/7/2013 về việc tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh khoá XVII về chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2020. 
Dấu ấn, tạo nên thành công trên lĩnh vực nông nghiệp đó là,  Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kịp thời ban hành Chỉ thị 08, ngày 8/5/2012 về dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất, tạo nên sức bật cho sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Khi từ các ô thửa nhỏ, manh mún được dồn thành ô thửa lớn, tạo điều kiện để người nông dân đầu tư thâm canh; xây dựng các cánh đồng mẫu, cánh đồng lớn có sự tham gia của các doanh nghiệp, tạo ra chuỗi giá trị trong sản xuất lúa gạo. Cũng thông qua dồn điền, đổi thửa, hệ thống giao thông nội đồng, thủy lợi được củng cố một bước, góp phần đưa cơ giới hóa vào sản xuất, đảm bảo tưới tiêu cho cây lúa. Đối với ngành Nông nghiệp, đó là đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất theo hướng sát thực và cụ thể. Vào đầu mỗi vụ sản xuất, ngành đều tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo lấy ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia, các doanh nghiệp; đồng thời tiếp tục mời các huyện, thành, thị xã và các đơn vị liên quan tham gia góp ý kiến nhằm huy động trí tuệ của các nhà khoa học, doanh nghiệp và quản lý nhà nước vào đề án sản xuất. Cuối mỗi vụ sản xuất, tiến hành đánh giá và rút kinh nghiệm thẳng thắn, khách quan. Trong quá trình chỉ đạo sản xuất thể hiện sự quyết liệt, nghiêm túc, chủ động và bám địa bàn, bám cơ sở, kịp thời xử lý những vấn đề vướng mắc, khó khăn phát sinh. 
Phát triển cây trồng thế mạnh
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2010 – 2015, chỉ rõ: “Quy hoạch và phát triển các vùng và các khu nông nghiệp công nghệ cao, phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững”. Để thực hiện quan điểm phát triển đó, trong nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần lượt cho ý kiến để UBND tỉnh bàn hành các Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2013 - 2020; Đề án phát triển cây, con chủ yếu gắn với cơ chế quản lý đất đai, tạo vùng nguyên liệu chế biến phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020; Đề án phát triển chè tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2011 – 2020; Đề án phát triển cao su tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2011 – 2015... Với việc xác định rõ các cây trồng có lợi thế, nhiệm kỳ 2010 – 2015, tỉnh đã tập trung quy hoạch, bố trí sử dụng đất sản xuất hợp lý, ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ để đầu tư thâm canh, tăng năng suất, giá trị các cây trồng truyền thống gồm sắn, chè, mía... vừa triển khai một số cây trồng mới như cao su, chanh leo, rừng nguyên liệu, dược liệu; gắn với công nghiệp chế biến hiện đại, nhằm tăng giá trị trên một đơn vị diện tích, tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước; Từ đó, phấn đấu đạt giá trị tăng thêm trong nông nghiệp từ 4 – 4,5 %/năm trong giai đoạn 2013 – 2020.
Chọn lựa lạc trước khi đóng gói.  	Ảnh: Hữu Nghĩa
Chọn lựa lạc trước khi đóng gói. Ảnh: Hữu Nghĩa
Đối với một số cây trồng như cây chè, mặc dù không đạt chỉ tiêu về diện tích Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII đề ra, 8.000/12.000 ha, song có bước phát triển trong đầu tư thâm canh, ứng dụng KHKT để tăng năng suất, đồng thời tăng cường công suất và năng lực chế biến có chiều sâu, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Cụ thể, năng suất chè năm 2014 đạt 120 tạ/ha, tăng 4,4% so với kế hoạch; sản lượng chè toàn tỉnh đạt 75.000 tấn búp tươi, đạt chỉ tiêu kế hoạch. Hiện tại, toàn tỉnh có 87 cơ sở chế biến với tổng công suất thiết kế 878 tấn/ngày đã vượt xa so với khả năng đáp ứng nguyên liệu. Theo đồng chí Hồ Viết An, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Phát triển chè Nghệ An, để nâng cao giá trị gia tăng của cây chè, nhiệm kỳ 2010 – 2015, Đảng ủy công ty đã đổi mới, nâng cao quản trị doanh nghiệp theo hướng coi trọng tất cả các khâu từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến sản phẩm và công tác thị trường, tạo ra sự liên kết “dọc”, hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất, kinh doanh chè ở Nghệ An; tổ chức tái cơ cấu sản phẩm theo thị trường, đáp ứng các “hàng rào” kỹ thuật của các nước, tạo thị trường bền vững.
Còn cây nguyên liệu mía truyền thống được trồng tập trung ở các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Anh Sơn và một số huyện khác. Việc trồng mía nguyên liệu gắn bó chặt chẽ với nhà máy tiêu thụ đã mang lại thu nhập ổn định cho nông dân nhiều địa phương vùng cao. Để nâng cao năng suất, chất lượng mía nguyên liệu, một số vùng, doanh nghiệp và bà con nông dân đã liên kết đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt cho năng suất lên đến 100-120 tấn/ ha. Với cách áp dụng tiến bộ KHCN trên đồng mía đã giải được bài toán nguyên liệu cho các nhà máy chế biến trên địa bàn. Đến thời điểm này, tổng diện tích mía nguyên liệu toàn tỉnh có khoảng 30.000 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch khoảng 28.600 ha, đạt chỉ tiêu đại hội. Sản lượng mía đạt khoảng 2 triệu tấn, đáp ứng đủ công suất cho 3 nhà máy chế biến đường trên địa bàn tỉnh.
Còn với cây sắn, trên cơ sở quy hoạch đã được duyệt với tổng diện tích 10.000 ha, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập trung chỉ đạo các địa phương được quy hoạch trồng sắn tích cực mở rộng diện tích, đưa các giống sắn mới vào trồng. Đến nay, toàn tỉnh đã có 4.000 ha sắn, năng suất khoảng 400 tạ/ha; sản lượng đạt khoảng 160.000 tấn, đáp ứng đủ nguyên liệu cho 2 nhà máy chế biến tinh bột sắn ở Thanh Chương và Yên Thành. Để đảm bảo giữa việc phát triển vùng nguyên liên gắn với chế biến, song song với mở rộng diện tích, tỉnh cũng đã định hướng tiếp tục xây dựng 3 nhà máy chế biến tinh bột sắn, trước mắt là nhà máy ở Hoa Sơn, huyện Anh Sơn đã khởi công xây dựng. Bên cạnh đó, diện tích cây có múi mang lại giá trị cao như cam, quýt đang phát triển mạnh ở các huyện như Quỳ Hợp, Con Cuông mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi ha.
Ông Nguyễn Văn Tảo (trái), xóm Châu Quê, xã Châu Đinh, huyện Quỳ Hợp trao đổi về hiệu quả sản xuất cây mía với đời sống gia đình.	Ảnh: thành duy
Ông Nguyễn Văn Tảo (trái), xóm Châu Quê, xã Châu Đinh, huyện Quỳ Hợp trao đổi về hiệu quả sản xuất cây mía với đời sống gia đình. Ảnh: thành duy
Cùng với các cây trồng truyền thống, nhiệm kỳ 2010 – 2015, tỉnh cũng đã tích cực chỉ đạo phát triển các cây trồng mới dựa tiềm năng, thế mạnh của địa phương để khai thác đất đai, nâng cao giá trị sử dụng đất, nâng cao thu nhập cho người dân. Nổi bật nhất đó là cây nguyên liệu gỗ với 14.000 ha, cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến dăm, bột giấy…; góp phần khai thác quỹ đất, tạo thu nhập cho người dân, góp phần nâng độ che phủ rừng toàn tỉnh lên 55%. Trong tương lai, khi dự án sản xuất ván nhân tạo MDF tại Nghĩa Đàn có công suất 300.000m3 sản phẩm ván thanh và gỗ MDF/năm; một số dự án chế biến gỗ thanh và than nhiên liệu ở một số địa phương đi vào hoạt động trong nhiệm kỳ 2015 – 2020 sẽ tạo ra điều kiện mới để cây nguyên liệu phát triển và nâng cao giá trị gia tăng cao hơn. Chanh leo, giống cây có hiệu quả cao được nhân rộng mô hình thành công ở huyện vùng cao Quế Phong đang mở ra hướng thoát nghèo bền vững cho đồng bào các dân tộc ở vùng cao này. Hiện nay, vùng nguyên liệu 1.500 ha đã được quy hoạch và diện tích ngày càng mở rộng với sự vào cuộc rất hiệu quả của cả doanh nghiệp, nhà khoa học. Riêng với cây cao su và cây dược liệu cũng từng bước hình thành vùng nguyên liệu và sẽ đưa vào khai thác trong nhiệm kỳ tới, mở ra hướng mới cho kinh tế nông nghiệp Nghệ An theo hướng bền vững. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ vừa qua, Nghệ An đang nổi lên là một trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao của cả nước thông qua hệ thống các trại chăn nuôi bò sữa gắn với vùng nguyên liệu và nhà máy chế biến các sản phẩm sữa của Tập đoàn TH triển khai ở huyện Nghĩa Đàn. 
5 năm qua, bức tranh ngành Nông nghiệp Nghệ An được phác thảo với nhiều gam màu sáng, dần hình thành rõ nền tảng cho chặng đường phát triển tiếp theo. Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là trong thời gian tới, nước ta tham gia Hiệp định hợp tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngành Nông nghiệp sẽ đứng trước nhiều cơ hội lẫn thách thức. Cơ hội chia đều cho người nông dân cả nước, trong đó có ngành Nông nghiệp và nông dân Nghệ An. Để không bị lép vế trên sân nhà, để sản phẩm nông nghiệp của Nghệ An vươn ra thị trường các nước, việc phát huy các lợi thế của các giống cây, con bản địa theo xu hướng sản xuất hàng hóa, có gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, nhà khoa học với nông dân sẽ là đòn bẩy nhằm nâng cao sức cạnh tranh, tạo đột phá cho ngành Nông nghiệp tỉnh nhà, từ đó đóng góp lớn hơn trong cơ cấu kinh tế của địa phương. Đồng chí Hồ Ngọc Sỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Thời gian tới, ngành NN&PTNT sẽ tiếp tục thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh với mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn diện trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế gắn với xây dựng nông thôn mới. Duy trì tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng; đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu. Từ đó, nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho nhân dân các vùng nông thôn”. 
Mai Hoa - Nhật Lệ

Tin mới