Tinh giảm bộ máy cấp xã: Nhiều địa phương chưa "thông"

(Baonghean) - Với mục đích tinh giảm số cán bộ không chuyên trách cấp xã, phường, thị trấn, tại Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2011 - 2016 đã quyết nghị ban hành Nghị quyết số 117/2013/NQ-HĐND, ngày 13/12/2013 quy định về số lượng, chức danh và mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và xóm, khối, bản trên địa bàn tỉnh. Sau thời gian ngắn triển khai, bên cạnh những tác động tích cực, đang có những phản ứng trái chiều….

Phản ánh từ cơ sở

Sau khi có Nghị quyết số 117, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số14/2014/QĐ-UBND, ngày 27/1/2014 của UBND tỉnh quy định về số lượng, chức danh và mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và xóm, khối, bản trên địa bàn tỉnh. Theo một số địa phương, một số quy định trong Quyết định nói trên chưa phù hợp, gây khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở. Đơn cử như xã Nghi Thái (huyện Nghi Lộc), một xã nghề với 10 làng nghề đã được công nhận, khoảng 30% lao động tham gia vào hoạt động của làng nghề và thu nhập từ làng nghề chiếm 40% tỷ trọng kinh tế của địa phương.
Thế nhưng theo quy định mới, tỉnh không bố trí chức danh khuyến công - khuyến nông là bất hợp lý. Còn tại Vân Diên (Nam Đàn), ông Trần Bá Minh – Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Xã Vân Diên có 696 héc ta diện tích sản xuất nông nghiệp, hiện tại, Nam Đàn đang thực hiện việc đổi mới HTX, vai trò nhiệm vụ của HTX chỉ đảm nhiệm 2 khâu trong nông nghiệp, đó là dịch vụ nước và công tác bảo vệ đồng ruộng; còn việc chỉ đạo sản xuất, chuyển đổi cơ cấy cây trồng, xây dựng và nhân rộng mô hình, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật ở từng vụ, từng năm đều thuộc trách nhiệm của xã. Công việc đang “dồn” cho xã nhiều hơn so với trước đây, trong khi đó chức danh khuyến nông xã lại không có trong định biên, thực sự đang gây khó khăn cho địa phương. 
Đội ngũ cán bộ, công chức xã Thanh Liên hội ý giải quyết công việc  tại địa phương.
Đội ngũ cán bộ, công chức xã Thanh Liên hội ý giải quyết công việc tại địa phương.
Cùng với chức danh khuyến nông - khuyến công, các địa phương cũng cho rằng việc không bố trí riêng chức danh thủ quỹ - văn thư – tạp vụ mà thực hiện theo chế độ kiêm nhiệm cũng đang tạo áp lực cho các địa phương. Theo Chủ tịch UBND xã Vân Diên Trần Bá Minh, ngoài thực hiện chi trả chế độ cho các đối tượng chính sách, người hưởng bảo trợ xã hội khoảng 1 tỷ đồng/tháng, thủ quỹ còn phải thực hiện thu các loại quỹ theo Pháp lệnh, thu nguồn chương trình nông thôn mới khoảng vài tỷ đồng và thu ngân sách xã khoảng 1 tỷ/năm. Vì vậy, kiêm nhiệm thì không đảm bảo về thời gian để để thực hiện tốt công việc.
Đó là 2 chức danh được tinh giảm theo Nghị quyết 117 của HĐND tỉnh đang gây nhiều phản ứng tại cơ sở bởi những bất cập trong thực tiễn như đã nêu ở trên. Ngoài ra, một số địa phương cho rằng, cấp xã, phường, thị trấn mà không có văn thư, tạp vụ, bưu tá thì ai đảm nhận việc đó?! Khi có công văn hỏa tốc mà gửi chậm thì thế nào? Khi chức danh văn thư, tạp vụ không còn, hiện tại mỗi địa phương vận dụng mỗi kiểu.  Bất cập nữa, đó là việc giải quyết quyền lợi cho những lao động đảm nhận các chức danh không chuyên trách nay tinh giảm. Theo lý lẽ của cơ sở, “họ bỗng nhiên bị ‘đẩy” ra đường sau 10, có người trên 15 năm gắn bó” và đang rất khó khăn để tìm được việc làm kế gì sinh nhai và nuôi sống gia đình. 
Ý kiến cơ quan chức năng
Nghị quyết số 117/2013/NQ-HĐND được cụ thể hóa bằng Quyết định số14/2014/QĐ-UBND, ngày 27/1/2014 triển khai áp dụng từ ngày 7/2/2014. Soi vào Nghị quyết số 314 của HĐND tỉnh và Quyết định số 58 của UBND tỉnh đã ban hành trước đó thì tăng thêm chức danh công an viên thường trực (đối với xã, thị trấn), trưởng ban bảo vệ dân phố và phó trưởng ban bảo vệ dân phố (đối với phường); giảm 3 chức danh khuyến nông – khuyến công, thủ quỹ - văn thư – tạp vụ, thương mại – công nghiệp – khoa học công nghệ và môi trường (riêng chức danh DS – KHHGD đã được chuyển sang ngạch viên chức y tế theo Nghị quyết số 53/2012/NQ-HĐND, ngày 13/7/2012 của HĐND tỉnh nên coi như không bị giảm). Như vậy, theo Nghị quyết số 117, số cán bộ không chuyên trách ở xã, thị trấn, phường gồm 16 chức danh thay cho 18 chức danh trước đó. Tương tự ở cấp xóm, từ 7 chức danh giảm còn 5 chức danh. Mặt khác, trong số 16 chức danh không chuyên trách ở xã chỉ có chức danh công an viên thường trực xã (trưởng ban bảo vệ dân phố và phó trưởng ban bảo vệ dân phố đối với đơn vị hành chính phường) được bố trí riêng, còn 15 chức danh được bố trí kiêm nhiệm. 
Ông Nguyễn Thạc Âu – Trưởng phòng Nội vụ huyện Nam Đàn, cho rằng: Việc triển khai thực hiện  Nghị quyết 117 của HĐND tỉnh và Quyết định 14 của UBND tỉnh được các địa phương trên địa bàn huyện thực hiện ngay. Đặc biệt việc khuyến khích bố trí kiêm nhiệm ở 15 chức danh không chuyên trách  tạo điều kiện cho cơ sở sắp xếp lại cán bộ, tạo ra môi trường thử thách rèn luyện, đào tạo cán bộ khi 1 cán bộ đảm nhận 2 nhiệm vụ, vừa nâng cao chế độ thu nhập bởi quy định khi người hoạt động không chuyên trách kiêm nhiệm một chức danh không chuyên trách khác được hưởng 100% mức phụ cấp chức danh kiêm nhiệm (quy định cũ chỉ được hưởng 50%).  
Mặc dù đang có tâm tư về chức danh khuyến nông – khuyến công, nhưng ông Nguyễn Công Tứ - Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Thái cũng cho biết: “Chủ trương ban hành, ngoài việc tinh gọn bộ máy, giảm đầu tư ngân sách thông qua việc giảm thời gian tham gia hội họp của từng chức danh cụ thể, thì đã tạo điều kiện để xã rà soát lại công tác cán bộ, được phép cân nhắc, lựa chọn tuyển dụng cán bộ không chuyên trách đủ khả năng đảm nhiệm 2 chức danh. Ở xã Nghi Thái, tùy theo năng lực của từng người, xã đã tiến hành sắp xếp một số vị trí kiêm nhiệm, như PCT UBMTTQ kiêm phụ trách nhà văn hóa - đài truyền thanh;  PBT Đoàn Thanh niên kiêm Văn phòng đảng ủy; Nội vụ - thi đua khen thưởng kiêm văn thư, lưu trữ; công chức tư pháp kiêm thủ quỹ...”. Chị Nguyễn Thị Duyên đang đảm nhiệm chức danh nội vụ - thi đua khen thưởng kiêm văn thư, lưu trữ xã Nghi Thái, chia sẻ: “Mặc dù công việc nhiều hơn, vất vả hơn trước đây, nhưng mức phụ cấp được hưởng gấp đôi thì cũng động viên cán bộ tích cực làm việc hơn”.
Từ ý kiến cơ sở,  trao đổi với ông Lê Đình Lý – Phó Giám đốc Sở Nội vụ, ông cho biết: Theo Nghị định số 92/2009/NĐ- CP, ngày 22/10/2009 của Chính phủ đã tăng thêm 2 công chức cấp xã ở 2 chức danh địa chính – nông nghiệp - xây dựng – môi trường và văn phòng – thống kê. Như vậy, ở mỗi chức danh công chức cấp xã đều được bố trí tối thiểu 2 người, có chức danh 3 người (tùy theo tiêu chí loại xã) như chức danh địa chính – nông nghiệp - xây dựng – môi trường; chức danh tài chính – kế toán. Trong khi đó, số lượng các chức danh không chuyên trách ở cấp xã không hề giảm, dẫn đến có một số chức danh không chuyên trách làm công việc của công chức, gây chồng chéo, lãng phí nguồn nhân lực, lãng phí ngân sách. Và Nghị định 92 cũng khuyến khích cán bộ, công chức cấp xã thực hiện kiêm nhiệm để giảm 1 người theo quy định và có cơ chế chính sách hưởng phụ cấp đi kèm.
Đó là về phía các văn bản của Trung ương quy định, còn thực tiễn, trên cơ sở hoạt động giám sát của HĐND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 314/NQ – HĐ/2010, ngày 10/7/2010 của HĐND tỉnh về số lượng, chức danh và mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã và xóm, khối, bản trên địa bàn tỉnh, HĐND tỉnh thấy số lượng các chức danh không chuyên trách quá nhiều, một số chức danh chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của công chức xã, chế độ phụ cấp thấp, chế độ kiêm nhiệm chưa phù hợp. Từ thực tiễn đó, HĐND tỉnh đã kiến nghị với UBND tỉnh và UBND tỉnh đã giao cho Sở Nội vụ chủ trì nghiên cứu, khảo sát đội ngũ cán bộ công chức cấp xã;  gửi văn bản xin ý kiến các sở, ban, ngành cấp tỉnh và cấp huyện trước khi trình HĐND tỉnh ban hành. 
Theo lý giải của ông Lê Đình Lý, ở các chức danh giảm đều bố trí công chức thực hiện công việc tương ứng, như khuyến nông – khuyến công do công chức phụ trách nông nghiệp đảm nhận; văn thư – lưu trữ do 1 trong 2 công chức văn phòng – thống kê đảm nhận. Riêng thủ quỹ thì các địa phương tự chọn người để giao, bởi cán bộ không chuyên trách làm việc bán thời gian; mặt khác tính trách nhiệm không cao như công chức mà giao quản lý ngân sách của nhà nước là không phù hợp. Về chế độ chính sách cho số cán bộ không chuyên trách thôi việc, trước đây không có nhưng nay tỉnh đã có chính sách hỗ trợ một lần với mức được hưởng bằng ½ mức phụ cấp hiện hưởng cho mỗi năm hoạt động không chuyên trách. Những người hoạt động không chuyên trách làm bán thời gian và mức phụ cấp được hưởng chỉ 0,6 mức lương tối thiểu chung, tương đương 600.000 đồng/tháng thì không thể nói là nguồn thu nhập nuôi sống gia đình được mà chỉ là một phần hỗ trợ mà thôi. 
Liên quan đến vấn đề này, quan điểm của bà Thái Thị An Chung – Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh, cho rằng: Mỗi chủ trương, chính sách mới khi đưa vào áp dụng, nhất là chính sách liên quan đến con người thì không thể không có những tâm tư. Tuy nhiên cần phải nhận thức rằng xu thế chung là tiếp tục tinh giảm tổ chức bộ máy và cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước, hướng tới mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đa năng, “sâu một việc và biết nhiều việc”, tinh giảm nhưng vẫn đảm bảo các công việc trôi chảy. Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần tăng cường thông tin chủ trương, chính sách này đến mỗi cán bộ, công chức, nhân viên  hiểu và chia sẻ. Cũng theo bà Thái Thị An Chung, Nghị quyết 117 ban hành đúng với các quy định hiện hành, tuy nhiên thực tiễn cơ sở vẫn đang có một số kiến nghị về sự bất cập. Vì vậy thời gian tới, Ban Pháp chế HĐND tỉnh sẽ tổ chức khảo sát thực tiễn triển khai thực hiện Nghị quyết 117 ở cơ sở, nếu có vướng mắc, bất cập sẽ tiếp tục kiến nghị với HĐND tỉnh tháo gỡ.
Mai Hoa

Tin mới