"Kỳ tích" sông Hiếu

(Baonghean) - Về với mảnh đất Thái Hòa, chứng kiến những đổi thay của đô thị trẻ bên dòng sông Hiếu, tôi tự hỏi, điều gì biến một thị trấn nhỏ vươn lên thành một đô thị sầm uất, là điểm nhấn của cả khu vực miền Tây Bắc Nghệ An chỉ trong vòng chưa đến 10 năm? Và rồi, chỉ trong thời gian ngắn ngủi, được sống, tiếp xúc với những con người nơi đây, câu trả lời mà tôi nhận được còn nhiều hơn cả mong đợi...

Cách đây gần 10 năm, Thái Hòa khi đó đang là một thị trấn huyện lỵ nhỏ của huyện Nghĩa Đàn được tách ra trở thành đơn vị hành chính độc lập của tỉnh Nghệ An. Ngày “ra riêng” với bao cảm xúc lưu luyến ấy rồi cũng qua đi nhường chỗ lại cho những hoài bão, ước mơ trên con đường xây dựng một thị xã giàu đẹp trên mảnh đất Phủ Quỳ. Không giống như nhiều vùng quê trên mảnh đất xứ Nghệ, thật khó để định nghĩa chuẩn về người Thái Hòa. Bởi phía trong cái lớp áo đô thị trẻ, trong suốt cả thế kỷ XX, mảnh đất bên dòng sông Hiếu này trở thành chốn sinh cơ, lập nghiệp của người dân mọi miền đất nước. Cái gốc gác ấy trang bị cho người Thái Hòa nhiều tính cách nổi trội, đó là bản lĩnh, kiên cường và chấp nhận đương đầu với những thử thách mới. Và cũng xuất phát từ những phẩm chất này, những năm qua dưới sự lãnh đạo đúng đắn của các cấp ủy đảng, Thái Hòa từ những xóm, những làng đã vươn mình thành phố, thành phường. 
Quang cảnh đô thị Thái Hòa.  Ảnh:  Sỹ Minh
Quang cảnh đô thị Thái Hòa. Ảnh: Sỹ Minh
Nhiều lần lên thị xã, tôi được đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng Phòng Quản lý đô thị thị xã rủ đi tuyến để mục sở thị những hạng mục hạ tầng đang được đầu tư xây dựng. Từ những tuyến đường nội thị rộng rãi được thảm nhựa bê tông phẳng lỳ, rồi tuyến đường vùng ven cho đến các công trình chiếu sáng đô thị được xây dựng khá đồng bộ và hoàn chỉnh. Đường tới đâu, nhà cửa mọc lên theo đó đã mang lại chiều sâu cho không gian đô thị, xóa đi hình ảnh chỉ có con đường độc đạo là Quốc lộ 48 đi qua trung tâm thị trấn huyện ngày nào. Đặc biệt, vào cuối năm 2015, nhiều tuyến đường trọng yếu như N1, N6, đường vào trung tâm xã Nghĩa Hòa,... hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ tạo bước đột phá trong phát triển không gian đô thị và thu hút đầu tư cho thị xã. 
Gắn liền với đường giao thông là các tuyến điện chiếu sáng. Nếu di chuyển trên trục Quốc lộ 48 hay đường Hồ Chí Minh đoạn qua Phủ Quỳ, cứ thấy ánh điện đường chiếu sáng tức là đã chạm đất Thái Hòa. Câu nói vui của anh Tuấn nhưng là kết quả của một chiến lược lâu dài gắn với tầm nhìn xây dựng thị xã văn minh, hiện đại đã được Thái Hòa kiên trì thực hiện trong suốt cả nhiệm kỳ qua. Thử điểm qua một vài dự án chiếu sáng giao thông để thấy tầm nhìn đó đã thực sự đi vào cuộc sống. Đó là tuyến dọc Quốc lộ 48; tuyến Tỉnh lộ 545 (từ trung tâm đi Tây Hiếu); tuyến Quốc lộ 15A (từ trung tâm đi phường Quang Phong); Quốc lộ 48 đi Khe Lở (Quang Tiến); tuyến chợ Hiếu đi khối Đồng Tâm 1; tuyến vào điện thờ Làng Vạc; tuyến ngã 3 Quang Tiến đi xã Nghĩa Tiến, tuyến Vực Giồng - Khe Son (đoạn qua đô thị); tuyến Bưu Điện đi Làng Vạc; tuyến Đông Hiếu - Nghĩa Thuận... “Tất cả cơ bản đã hoàn thành đưa vào sử dụng mang lại thuận lợi không chỉ cho người tham gia giao thông mà còn tạo nên vẻ đẹp lung linh cho phố thị cao nguyên mỗi khi màn đêm buông xuống”, vẫn với chất giọng sôi nổi, tràn trề nhiệt huyết, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn chia sẻ.
Điều ấn tượng với chúng tôi đó là trong quá trình đầu tư cho hạ tầng đô thị, ngoài việc sử dụng hiệu quả các nguồn vốn của Trung ương, tỉnh, Thị xã Thái Hòa còn rất thành công trong việc phát huy vai trò chủ thể của mỗi người dân ở các phường, xã. Con số 80% hệ thống đường nội khối của các phường, xã đã được bê tông hóa theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm đã nói lên tất cả. Câu chuyện ở xã vùng ven Nghĩa Hòa là minh chứng sinh động cho những thành công theo phương châm này. Tôi còn nhớ lần về với nhân dân xóm 1, xã Nghĩa Hòa, đồng chí Lê Xuân Hùng, Xóm trưởng rất phấn khởi dẫn tôi đi một vòng rồi tấm tắc tâm sự: “Nhận được chủ trương xây dựng nông thôn mới, nhân dân rất đồng tình ủng hộ. Ai cũng góp công, góp của để làm đường, nâng cấp nhà văn hóa. Tính tổng cộng mỗi hộ góp hơn 2 triệu đồng nhưng cái hiệu quả, lợi ích mang lại thì khó có con số nào có thể đong đếm được”. Chủ trương đúng đắn, nhân dân đồng thuận tạo nên cú hích mạnh mẽ để Nghĩa Hòa từ một xã khó khăn của Thái Hòa đang tràn đầy khí thế để về đích nông thôn mới vào năm 2015. Đồng chí Hoàng Nghĩa Thái, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Hiện nay, Nghĩa Hòa đã hoàn thành các tiêu chí để được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Chúng tôi đang làm hồ sơ để trình Thị xã Thái Hòa thẩm tra, tỉnh thẩm định”. Cách làm của Nghĩa Hòa cũng là giải pháp chung được 6 xã của Thái Hòa thực hiện để đạt được nhiều tiêu chí khó trong xây dựng nông thôn mới như giao thông... Đến nay, thị xã đã có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới là Nghĩa Thuận và Nghĩa Mỹ. Các xã Nghĩa Hòa, Đông Hiếu, Tây Hiếu đang phấn đấu về đích trước ngày 30/8 này. Từ đó đưa Thái Hòa đạt chuẩn nông thôn mới cấp huyện.
Khi mà mặt bằng chung giữa 4 phường nội thị và 6 xã vùng ven của Thái Hòa đã xích lại tương đối gần nhau, Thái Hòa lại đặt ra mục tiêu lớn hơn cho mình. Đó là triển khai thực hiện kế hoạch: “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị” giai đoạn 2015 - 2020. Kế hoạch này là việc làm thiết thực, mang tính toàn dân, toàn diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân; xây dựng con người, gia đình, cộng đồng và môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”. “Cuối tháng 6 vừa qua, Thái Hòa đã tổ chức ra quân xây dựng “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường đạt chuẩn văn minh đô thị”. Thị xã đã hỗ trợ xi măng và kinh phí để cùng nhân dân cải tạo, chỉnh trang đường giao thông”, đồng chí Tô Thanh Sơn, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin, UBND Thị xã cho biết.
Một lộ trình cụ thể cho mỗi phường, xã đã được vạch ra để tập trung chỉ đạo và huy động nguồn lực thực hiện. Ví như tại phường Quang Tiến, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình đã cơ bản đạt các tiêu chí theo quy định của Bộ VH -TT&DL cũng như của UBND tỉnh và đang phấn đấu thực hiện một số tiểu mục chưa đạt trong một số tiêu chí ngay trong năm 2015. Đồng chí Lê Hợp Huyên, Chủ tịch UBND phường cho biết: “Thị xã đã hỗ trợ phường 1.000 tấn xi măng để làm đường giao thông nội khối với chiều dài 5 km. Hiện nay, không khí triển khai tại các khối rất khẩn trương, sôi động. Bà con ai cũng nhiệt tình góp công, góp của để chung tay xây dựng hạ tầng. Chúng tôi cũng đã cải tạo được Nhà Văn hóa khối Quang Phú và đang cải tạo Nhà Văn hóa khối 250. Hạng mục nhà văn hóa cũng được thị xã hỗ trợ 15 triệu đồng, phường hỗ trợ 5 triệu đồng để chung sức với nhân dân thực hiện”.
Cùng với Quang Tiến, phường Hòa Hiếu cũng sẽ phấn đấu hoàn thành các tiêu chí còn chưa đạt trong năm nay. Còn các phường Long Sơn và Quang Phong phấn đấu đạt vào năm 2018. Về xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, cũng trong năm 2015, xã Nghĩa Mỹ và Nghĩa Thuận đang phấn đấu hoàn thành các tiêu chí còn thiếu. Các xã Đông Hiếu và Tây Hiếu phấn đấu đến năm 2016, xã Nghĩa Hòa phấn đấu đến năm 2017 và xã Nghĩa Tiến là năm 2018 sẽ hoàn thiện tất cả các tiêu chí.
Gần 10 năm kể từ ngày thành lập, quãng thời gian chỉ như viên cuội ném vào dòng nước, nhưng TX.Thái Hòa đã vươn mình mạnh mẽ trở thành điểm sáng bên dòng sông Hiếu. Và chúng ta có quyền vững tin vào tương lai, đất và người Thái Hòa sẽ làm nên nên “kỳ tích sông Hiếu”. Một niềm tin mạnh mẽ như mối lương duyên của những phận người âm thầm gắn bó với dòng Hiếu giang từ hàng trăm năm nay trên cao nguyên Phủ Quỳ khoáng đạt.
Nhật Lệ

Tin mới