Bầu cử - hiểu biết, trách nhiệm của giới trẻ

Việc tuyên truyền bầu cử cho đối tượng là thanh niên phải có hình thức phù hợp, nếu trong phạm vi rộng có thể tổ chức những cuộc thi, diễn đàn cho thanh niên nói chung và thanh niên học sinh sinh viên nói riêng, để họ tìm hiểu tham gia thể hiện được hiểu biết về bầu cử. Việc tuyên truyền, vận động bầu cử bằng hình thức diễn đàn rất là bổ ích, từ đó những thông tin, quy định của pháp luật về bầu cử sẽ lan tỏa được trong học sinh sinh viên đón nhận một cách rất hào hứng- Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Đỗ Mạnh Hùng chia sẻ.

Để giới trẻ quan tâm hơn đến bầu cử

Ý nghĩa ngày bầu cử QH, HĐND ngày càng trở nên sâu sắc hơn, đặc biệt đối với những cử tri trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước. Việc đi bỏ phiếu lựa chọn người đại diện cho mình trong Quốc hội, HĐND vừa là quyền lợi vừa là trách nhiệm công dân của tuổi trẻ. Vậy các cử tri trẻ suy nghĩ về nghĩa vụ và trách nhiệm, về lá phiếu của mình như thế nào?

Mới đây, trên 400 học sinh khối THPT ở địa bàn Hà Nội tham gia chương trình đối thoại thanh niên số đầu tiên năm 2016 với chủ đề “Công dân tuổi 18 với bầu cử Quốc hội”. Tại buổi đối thoại, các học sinh đã tập trung vào các thắc mắc, băn khoăn khi lần đầu tiên được đi bầu cử gửi tới các khách mời. Nhiều câu hỏi của các bạn trẻ được đặt ra như : thanh niên có thể làm gì, đóng góp gì cho hoạt động bầu cử Quốc hội?  Vận động bầu cử là gì? Hay như tổ chức Đoàn làm thế nào để giới trẻ biết và hiểu đúng về bầu cử Quốc hội? Làm thế nào để nâng cao nhận thức của giới trẻ về bầu cử? ...

 

Đối thoại với giới trẻ  qua những câu hỏi cụ thể như vậy mang lại sự hiểu biết sâu sắc về quyền và nghĩa vụ mà các công dân trẻ lần đầu được thực hiện trách nhiệm chính trị thiêng liêng của mình. Theo Ông Nguyễn Sỹ Dũng - Nguyên phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận định, Chương trình thực sự đã mở ra một sự thay đổi lớn đối với các bạn trẻ, đặc biệt là đối với những cử tri tuổi 18. Bởi tới đây sẽ là lần đầu tiên các bạn thể hiện trách nhiệm của mình với Tổ quốc thông qua bầu cử.

Trên thực tế,  khi có đợt tuyên truyền sâu rộng về công tác bầu cử như thế này, vẫn còn không ít em học sinh, sinh viên chưa hiểu hết về quyền của mình. Qua khảo sát, ghi nhận của chúng tôi đối với một số học sinh, sinh viên trên địa bàn Hà Nội thì thấy rằng, phần đông các em chưa quan tâm hoặc không được hiểu một cách đầy đủ về vấn đề này. Không ít các em được hỏi không biết ngày diễn ra bầu cử là ngày nào; nhiều em trả lời không rõ…Các em cũng mong muốn tuyên truyền bầu cử nên gắn với sinh hoạt của giới trẻ như cuộc thi tìm hiểu, chương trình dã ngoại, văn nghệ, cổ động...

Nếu thông tin tuyên truyền tốt và có những hoạt động phù hợp, nhất là hoạt động của đoàn thanh niên, Hội sinh viên và các tổ chức đoàn thể khác chắc chắn sinh viên của chúng ta không những hiểu và ủng hộ, tích cực tham gia hoạt động cuộc bầu cử mà còn tuyên truyền cho các đối tượng khác như ông, bà, cha, mẹ, bạn bè hay người dân… để họ cùng tham gia bầu cử. Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng khảng định.

Diễn đàn bầu cử cho thanh niên

Theo Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha, mặc dù các cơ quan, trường học, phường xã đã có ý thức vận động, tuyên truyền về cuộc bầu cử, tuy nhiên trách nhiệm chính trong việc tuyên truyền, vận động cho những cử tri trẻ hiểu, thực hiện đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm và tự động đi bầu cử một cách tự giác là của các tổ chức đoàn thể phụ trách như Đoàn thanh niên, Hội liên hiệp sinh viên, Hội liên hiệp thanh niên,…

Đối với sinh viên của cần hết sức chú trọng đến tính năng động, lòng mong muốn tham gia cống hiến, tham gia các hoạt động xã hội của sinh viên để từ đó đưa họ vào các hoạt động ủng hộ cho cuộc bầu cử, đưa họ vào các hoạt động tuyên truyền, vận động cho cuộc bầu cử. Như vậy, bản thân họ không những sẽ đi bầu cử mà còn tích cực tuyên truyền, vận động cho bầu cử.

Chính quyền địa phương phải có sự phối hợp chặt chẽ, có chương trình với lãnh đạo các trường để làm sao từ khâu đăng ký vào danh sách cử tri, phải thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền làm sao cho thanh niên tranh thủ thời gian nghiên cứu luật bầu cử, nghiên cứu hồ sơ người ứng cử và đặc biệt đến ngày bầu cử nên tự giác đi bầu. Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết. 

Mình chưa vội trách các bạn trẻ của chúng ta mà hãy xem lại công tác thông tin tuyên truyền của các cơ quan chức năng, của từng nhà trường, từng tổ chức chính trị xã hội ở những nơi đó. Thực tế hiện nay, lớp trẻ của chúng ta cũng có ý thức rất cao về thực hiện trách nhiệm công dân, về sự giác ngộ chính trị của mỗi người.  Phó chủ nhiệm Đỗ Mạnh Hùng chỉ ra nhưng hạn chế, khô cứng trong công tác tuyên truyền về bầu cử.

Theo Phó chủ nhiệm Đỗ Mạnh Hùng, từ nay đến ngày bầu cử đã rất gần, chúng ta có thể tổ chức các đội thanh niên tình nguyện, sinh viên tình nguyện hoặc thanh niên xung kích để tham gia các hoạt động tuyên truyền vận động bầu cử ở địa phương. Với lòng nhiệt tình với mong muốn được đóng góp của thanh niên thì các em sẽ rất tích cực tham gia hoạt động tuyên truyền bầu cử, có thể bằng xe máy, bằng phương tiện cá nhân thậm chí thành các tốp, các đội rất gọn nhẹ các em có thể đến từng bản làng, thậm chí đến từng hộ gia đình để thông tin vận động.

Bên cạnh đó, trong ngày bầu cử có thể tổ chức các đội thanh niên hỗ trợ cho hoạt động bầu cử như đem các thùng phiếu phụ đến các đối tượng khó khăn không đi lại được để cử tri của chúng ta có thể bỏ phiếu ngay tại giường bệnh, ngay tại nhà của mình, tại bản làng hoặc các hộ gia đình xã xôi. Trên thực tế tôi thấy rất nhiều thanh niên của chúng ta rất sẵn lòng và tích cực tham gia các hoạt động có ý nghĩa sâu sắc.

Ngày bầu cử đang đến gần, đã có rất nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực như giao lưu, tọa đàm thanh niên, gặp mặt cử tri trẻ,… nhằm nâng cao nhận thức của giới trẻ về vị trí, vai trò của QH, giúp thế hệ trẻ nắm vững để thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của công dân khi tham gia bầu cử ĐBQH Khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021.

Theo Người đại biểu nhân dân

TIN LIÊN QUAN

Tin mới