Nghi Lộc: Hiệu quả từ Nghị quyết phát triển làng nghề

(Baonghean.vn) - Thực hiện Nghị quyết số 06/NQ.TU, UBND huyện Nghi Lộc đã ban hành Đề án phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng làng nghề. Hướng đi này đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.  

Làng nghề đóng tàu Trung Kiên (xã Nghi Thiết) có trên 700 năm hình thành và phát triển. Sau một thời kỳ khó khăn do chuyển đổi cơ chế, được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, làng nghề được phục hồi và phát triển mạnh mẽ, hợp tác xã đóng tàu, mộc Trung Kiên thành lập năm 2004 từ một số xưởng. Đến nay đã có 23 xưởng với gần 46 xã viên thành viên. Mỗi năm xưởng sản xuất 76 chiếc tàu thuyền các loại.

hạ thủy tàu ở làng nghề đóng tàu Trung Kiên.
Hạ thủy tàu ở làng nghề đóng tàu Trung Kiên.

Đồng chí Lê Đăng Nguyễn - Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nghi Thiết cho biết: “Nhờ có làng nghề TTCN phát triển nên kinh tế của xã có sự chuyển dịch cơ cấu tích cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2015 đạt 13%/năm. Để thúc đẩy làng nghề phát triển trong thời gian tới, xã đã xây dựng xong “Đề án phát triển Làng nghề đến năm 2020”, theo đó sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc về quy hoạch và hạ tầng để phát triển bền vững hơn”.

Trong khi đó, tại xã Nghi Hoa, làng nghề “sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm” ở hai xóm Trung Thành và Hậu Hòa phát triển khá mạnh. Ở đây, Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết 13 năm 2013 phát triển làng nghề.

Trên cơ sở đó, UBND xã đã chỉ đạo các cơ sở sản xuất chú trọng nhiều hơn đến khâu an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, mỗi tháng mỗi hộ dân đóng 2.000 đồng để xử lý vấn đề nước thải, tránh tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Đồng thời, một số cơ sở sản xuất đã đăng ký thương hiệu cho sản phẩm của mình để cạnh tranh trên thị trường.

lang nghe huong the Tay Lan
Làng nghề hương thẻ Tây Lan. 

Ông Đặng Văn Tâm - Bí thư Đảng ủy xã Nghi Hoa cho biết: “Để phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp, Đảng bộ xã có nghị quyết chuyên đề, UBND xã ban hành đề án thực hiện lãnh đạo nhân dân thực hiện. Từ kiên trì thực hiện, với sự năng động của người dân, năm 2014, xóm Hậu Hòa và Trung Thành được đón nhận danh hiệu Làng nghề”.

Được sự hỗ trợ của tỉnh, cùng với huy động sức dân, Nghi Lộc đã đầu tư trên 31,5 tỷ đồng để làm 15,89 km đường nhựa tại 13 làng nghề; 2,5 tỷ đồng để nâng cấp trạm điện và đường bê tông phục vụ sản xuất làng nghề ở Nghi Trường, Nghi Thiết; chủ động trích trên 500 triệu đồng hỗ trợ 10 làng nghề xây dựng nhà trưng bày sản phẩm kiêm nhà văn hóa; hỗ trợ 5 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng tại các làng nghề ở xã Nghi Thái, Phúc Thọ…

Bên cạnh đó, huyện còn mời các chuyên gia về tập huấn đào tạo nghề; quy hoạch, nâng cấp hạ tầng cho nghề đóng tàu thuyền, hỗ trợ xây dựng thương hiệu và tìm đầu ra cho sản phẩm…

Nhờ đó, đến nay toàn huyện có 22 làng nghề được UBND tỉnh công nhận. Thu nhập từ nghề của các làng nghề trên địa bàn đạt 76,308 tỷ đồng, chiếm 64,37% tổng thu nhập làng nghề. Thu nhập bình quân lao động từ nghề toàn huyện năm 2015 ước đạt 29,43 triệu đồng/năm.

Ông Trần Trung Thao - Phó phòng NN&PT Nông thôn huyện Nghi Lộc cho biết: “Thời gian tới, trên cơ sở rà soát và xây dựng đề án phát triển cho giai đoạn tiếp theo, UBND huyện sẽ có đánh giá và bàn những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các làng nghề trọng điểm. Rà soát đánh giá lại hiệu quả hoạt động của các làng nghề, có giải pháp để du nhập nghề mới, nhân rộng hộ làm nghề thông qua công tác đào tạo, truyền nghề để hình thành các làng nghề bền vững.”

Hồng Vinh

Đài TT-TH Nghi Lộc

TIN LIÊN QUAN

Tin mới