Những đảng viên tiên phong làm giàu ở bản vùng biên Cao Vều

(Baonghean.vn) - Bản Cao Vều, xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) là một trong những bản biên giới còn gặp nhiều khó khăn. Trong những năm qua, công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, nâng cao mức sống đồng bào đang được cấp uỷ, chính quyền xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm thường xuyên.

10 năm trước, với hơn 7 km đường biên tiếp giáp với nước bạn Lào, toàn bản Vều lớn có 389 hộ với hơn 1300 nhân khẩu, trong đó có trên 50% là hộ nghèo và cận nghèo.

Ông Nguyễn Công Bình - Bí thư Đảng ủy xã Phúc Sơn cho biết: “Xác định phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm. Những năm qua Đảng bộ đã đưa ra các nghị quyết, chuyên đề trong đó tập trung vào phát triển chăn nuôi hàng hóa, trồng rừng nguyên liệu gắn với việc giao đất, giao rừng. Trong quá trình triển khai thực hiện 18 đảng viên sinh hoạt ở 4 chi bộ: Cao Vều 1, Cao Vều 2, Cao Vều 3, Cao Vều 4 được xác định đóng vai trò tiên phong, gương mẫu đi đầu”.

: Để vận động người dân phát triển kinh tế, trưởng bản đảng viên Nguyễn Văn Châu đã tự mình xây dựng mô hình chăn nuôi, trồng cam phát triển rừng với thu nhập 100 triệu đồng mỗi năm.
Mô hình chăn nuôi, trồng cam phát triển rừng với thu nhập 100 triệu đồng mỗi năm của đảng viên Nguyễn Văn Châu. 

Cao Vều 1 hiện có 89 hộ với 320 nhân khẩu nhưng chỉ có 6 đảng viên. Lực lượng đảng viên mỏng cũng là khó khăn lớn trong việc vận động bà con phát triển kinh tế.

Để thực hiện tốt nghị quyết đại hội đảng bộ xã, chi bộ đã cử các đảng viên thường xuyên đến tận các hộ dân, bám nắm địa bàn để tuyên truyền vận động người dân chuyển đổi cơ cấy cây trồng, vậy nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.  

Song song với đó là thực hiện có hiệu quả các chương trình 134, 135; Chương trình mục tiêu xóa nghèo quốc gia.

Đến nay, toàn bản có 10 hộ có mô hình kinh tế cho thu nhập khá từ 50-70 triệu đồng, thậm chí có mô hình cho thu nhập tới hàng trăm triệu như mô hình cam hàng hóa của đảng viên Nguyễn Văn Châu . Đặc biệt trong năm 2016  chi bộ đã vận động người dân trong bản trồng được 70 ha rừng, 

Ông Nguyễn Công Bình - Bí thư đảng ủy xã Phúc Sơn cho biết thêm: "Kinh tế tại các bản vùng Cao Vều phát triển tạo bước đà thuận lợi để xã Phúc Sơn triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Với tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đảm bảo quy chế dân chủ ở cơ sở; đến nay, xã đạt 9/19 tiêu chí nông thôn mới. Thu nhập bình quân theo đầu người đạt 22 triệu/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm từ 2-3%."..

: Những con đường nhựa dẫn vào tận bản Cao Vều, tạo điều kiện cho việc đi lại, thông thương, phát triển kinh tế của bà con nơi đây.
 Những con đường nhựa dẫn vào tận bản Cao Vều, tạo điều kiện cho việc đi lại, thông thương, phát triển kinh tế của bà con nơi đây.

Kinh tế ổn định, người dân bản Vều chăm lo hơn đến việc học tập của con em. Trường, lớp khang trang, học sinh phấn khởi tới trường là một trong những minh chứng rõ nét về điều này. An ninh trật tự trên địa bàn  luôn được giữ vững, không xảy ra tình trạng nổi cộm về an ninh nông thôn.

Bản Cao Vều xã Phúc Sơn cũng là một trong những điểm sáng trong phong trào tuần tra, bảo vệ đường biên, mốc giới; góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới Quốc gia.

Những khởi sắc của bản Cao Vều cho thấy những chính sách đã đi vào đời sống. Đây là nền tảng để bản vùng cao biên giới tiếp tục biến khó khăn thành cơ hội phát triển, tạo sức bật mới trong công cuộc xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế.

                                                             Huyền Trang

TIN LIÊN QUAN

Tin mới