Những lớp dạy nghề cải thiện đời sống đồng bào dân tộc

(Baonghean.vn) - Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giữ nghề truyền thống, giải quyết việc làm đang được Hội LHPN huyện Quỳ Hợp phối hợp với các ngành chức năng tích cực triển khai thực hiện.

5 năm qua, Hội LHPN huyện Quỳ Hợp phối hợp với các ngành chức năng tổ chức được 7 lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm cho 210 học viên ở 8 xã vùng sâu. Mỗi lớp đào tạo nghề, chị em được học từ 2 đến 3 tháng.

Sau khi đã được đào tạo nghề thành thạo, các chị có thể dệt ra được nhiều loại sản phẩm không những phục vụ cho nhu cầu của gia đình mà các sản phẩm còn trở thành hàng hóa để bán ra thị trường.

Chị em phụ nữ Bản Vi, xã Bắc Sơn (Quỳ Hợp) học thêu hoa văn.
Chị em phụ nữ Bản Vi, xã Bắc Sơn (Quỳ Hợp) học thêu hoa văn.

Là một trong những người đầu tiên được tham gia lớp học nghề tại bản Pá Pục, xã Bắc Sơn, chị Sầm Thị Tuất phấn khởi tâm sự: “Dân tộc Thái có nghề dệt thổ cẩm từ lâu đời, nhưng nay đã bị mai một. Nhờ được sự hỗ trợ của cấp trên tôi cố gắng học hỏi để giữ lại nghề dệt thổ cẩm truyền thống của cha ông và góp phần tăng thu nhập cho gia đình”.

Còn với chị Vi Thị Thịnh, ở bản Bù Lầu, xã Châu Lý lại có cảm nhận khi được tham gia các lớp học nghề dệt thổ cẩm: “Trước đây tôi chỉ biết các mẫu mã cũ và làm thủ công, nhưng nay được tiếp cận nhiều loại mẫu mã mới và kỹ thuật làm bằng máy nên sản xuất ra nhiều loại sản phẩm phong phú hơn như khăn trải bàn, chăn, túi xách… Sau khi làm được thành thạo, tôi sẽ cố gắng làm ra được nhiều sản phẩm để bán ra thị trường và truyền dạy lại nghề truyền thống cho con cháu”.

Học thêu dệt trên khung tạo lớp đào tạo nghề ở xã Châu Tiến (Quỳ Hợp).
Học thêu dệt trên khung tạo lớp đào tạo nghề ở xã Châu Tiến (Quỳ Hợp).

Năm 2013 và 2014, xã Bắc Sơn và Châu Cường  (Quỳ Hợp) được Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công tỉnh hỗ trợ đào tạo nghề và 40 bộ khung dệt thổ cẩm trị giá 120 triệu đồng để duy trì và phát huy nghề truyền thống này. Hiện nay bản Nhang, xã Châu Cường là bản duy nhất của huyện được đề nghị UBND tỉnh xem xét công nhận là làng có nghề.

Chị Vi Thị Quang - Chủ tịch Hội LHPN xã Châu Cường cho biết: “Nghề dệt thổ cẩm là nghề truyền thống lâu đời của Hội phụ nữ xã Châu Cường, nhưng lâu nay đã bị mai một. Được sự quan tâm của Sở Công Thương, Hội LHPN huyện Qùy Hợp, chị em phụ nữ Châu Cường đã được hỗ trợ 20 một số khung dệt thổ cẩm để khôi phục nghề dệt thổ cẩm nhằm góp phần xóa đói, giảm nghèo và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Thái”.

Sản phẩm do chị em làm ra.
Sản phẩm do chị em làm ra.

Từ năm 2011-2015, Hội LHPN huyện Quỳ Hợp được cấp trên hỗ trợ hơn 300 triệu đồng thực hiện nội dung các đề án 295, 343 của Chính phủ về hỗ trợ đào tạo nghề cho chị em phụ nữ vùng dân tộc còn gặp nhiều khó khăn trên địa bàn Quỳ Hợp.

Chị Trương Thị Bích Hiệp - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Quỳ Hợp cho biết: “Huyện Quỳ Hợp tỷ lệ dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn huyện chiếm trên 52% cho nên chúng tôi xác định việc đào tạo nghề cho phụ nữ nông thôn rất là quan trọng. Thông qua đào tạo nghề với mục đích tạo việc làm cho chị em lúc nông nhàn; góp phần nâng cao ý thức về bảo tồn và phát huy nghề truyền thống cho chị em...”.

Thu Hường

Đài Quỳ Hợp

TIN LIÊN QUAN

Tin mới