Nỗ lực chuyển đổi hợp tác xã 'kiểu mới' ở Con Cuông

(Baonghean.vn) - Thực hiện chuyển đổi và đi vào hoạt động theo Luật HTX năm 2012, huyện Con Cuông đã có nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX sau chuyển đổi.

HTX dịch vụ cây, con xã Chi Khê thành lập năm 2010, hiện có tổng diện tích vườn ươm 5000m2 , tổng nguồn vốn 900 triệu đồng. Những năm qua, HTX đã làm tốt vai trò “ bà đỡ” của các hộ xã viên trong hoạt động dịch vụ sản xuất nông nghiệp, bao gồm: cung ứng các loại giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật;  quan tâm tìm đối tác đầu tư; phối hợp với các chương trình, dự án, cơ quan chuyên môn chuyển giao quy trình kỹ thuật đến tận người dân.

Ươm giống mét tại HTX Chi Khê. Ảnh Tường Vi
Ươm giống mét tại HTX Chi Khê. Ảnh Tường Vi

Ông Nguyễn Ngọc Trung - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX cây, con xã Chi Khê, Con Cuông cho biết: “Việc đổi mới mô hình hoạt động và quản lý HTX kiểu mới là điều kiện để HTX phát huy vai trò chủ thể và tư cách pháp nhân của mình, phát huy được tiềm năng lợi thế về đất đai, lao động để nâng cao hiệu quả sản xuất. Hiện nay, HTX vẫn còn gặp nhiều khó khăn như về quỹ đất sản xuất, sự cạnh tranh không bình đẳng giữa một số hộ tư nhân…"

Nhiều HTX được thành lập gắn với điều kiện phát triển kinh tế thực tế của địa phương. Đơn cử như HTX dịch vụ Nông nghiệp xã Thạch Ngàn, được thành lập vào năm 2015, từ mô hình chăn nuôi lợn thịt trên 150 con/lứa của gia đình anh Trần Đình Quốc ở bản Đồng Thắng cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Thạch Ngàn đã học tập và làm theo.

Đến nay HTX có 11 thành viên, trong đó có 10 hộ chăn nuôi lợn thịt và 2 hộ chăn nuôi lợn rừng. Hầu hết các hộ chăn nuôi đều có bể khí biogas, quy mô tối thiểu là 50 con/lứa, hộ nhiều nhất 200 con/lứa.

HTX Mây tre đan Bản Diềm xã Châu Khê góp phần khôi phục, phát triển nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Thái Con Cuông.
HTX Mây tre đan Bản Diềm, xã Châu Khê góp phần khôi phục, phát triển nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Thái Con Cuông.

Tham gia vào HTX các hộ không chỉ được chia sẻ các kinh nghiệm trong chăn nuôi mà còn được hỗ trợ rất nhiều trong công tác kiểm dịch, tiêm phòng, xuất chuồng và điều tiết con giống. Do vị trí cách xa trung tâm huyện, đường sá đi lại khó khăn nên thương lái rất ngại vào tận nơi thu mua lợn thịt. Để giải quyết vấn đề này, các hộ thường có lịch thả giống cùng thời điểm, xuất cùng thời điểm nên thương lái không còn ngần ngại, sẵn sàng vào tận nơi thu gom hàng.

Ông Võ Đình Thành - Bí thư Đảng ủy xã Thạch Ngàn cho biết: “Để nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX, Đảng ủy, UBND xã Thạch Ngàn đã có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích, động viên HTX hoạt động.

Hiện tại, xã đã trích quỹ đất dự phòng khoảng 12 ha để quy tụ, tập hợp các hộ chăn nuôi lớn vào một vùng, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác kiểm soát dịch bệnh, chuyển giao KHKT cũng như công tác đảm bảo vệ sinh môi trường. Hy vọng cách làm này sẽ vực dậy kinh tế địa phương, giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu”.

Mô hình chăn nuôi lợn thịt với quy mô 150 con/lứa của gia đình anh Trần Đình Quốc- bản Đồng Thắng, xã Thạch Ngàn .
Mô hình chăn nuôi lợn thịt với quy mô 150 con/lứa của gia đình anh Trần Đình Quốc ở bản Đồng Thắng, xã Thạch Ngàn.

Ông Lô Văn Thao - Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết: “Hiện Con Cuông có 28 HTX, trong đó 11/14 đã chuyển đổi theo luật HTX 2012. Để hỗ trợ các HTX chuyển đổi, UBND huyện  đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi như: đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường, tiếp cận nguồn vốn, thuế thu nhập doanh nghiệp. Hỗ trợ về phát triển hạ tầng, giao đất, cho thuê đất, ứng dụng KHKT …đối với các HTX, Liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực nông – lâm - ngư nghiệp”.

Lễ ký kết chương trình phối hợp giữa Liên minh HTX Tỉnh và UBND huyện Con Cuông.
Lễ ký kết chương trình phối hợp giữa Liên minh HTX tỉnh và UBND huyện Con Cuông.

Minh Hạnh

Đài Con Cuông

TIN LIÊN QUAN

Tin mới