Bác Hồ với sự nghiệp giáo dục, khuyến học - khuyến tài

(Baonghean.vn) - Sinh thời Bác Hồ rất quan tâm đến công tác giáo dục. Người từng nói “Một dân tộc dốt là dân tộc yếu”. Học để nước mạnh, dân giàu, nhân dân nước ta thoát khỏi kiếp nô lệ, nghèo đói, lạc hậu, giữ vững chủ quyền an ninh của Tổ quốc. Người động viên cán bộ, đảng viên, mọi tầng lớp nhân dân và thanh niên, học sinh, sinh viên phải phát huy truyền thống “hiếu học” của dân tộc, phải ham học, kiên trì học tập để tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà”.

Ngày 2/9/1945, nước Việt Nam độc lập với trên 90% số dân mù chữ. Hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người đầu tiên thấu hiểu nguy cơ của nạn thất học này. Ngày 3/9/1945 Người chủ toạ phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Tại phiên họp, Người nêu 6 nhiệm vụ cấp bách mà một trong những nhiệm vụ cấp bách ấy là mở chiến dịch chống nạn mù chữ mà Người gọi là "diệt giặc dốt".

Bác Hồ đến thăm lớp bình dân học vụ phường Lương Yên, Hà Nội ngày 27-5-1956.
Bác Hồ đến thăm lớp bình dân học vụ phường Lương Yên, Hà Nội ngày 27-5-1956.

Sau đó Người ký Sắc lệnh số 17 lập Bình dân học vụ để phụ trách việc chống mù chữ trong cả nước. Người viết thư kêu gọi chống nạn thất học gửi đồng bào: "Quốc dân Việt Nam ! Muốn giữ vững nền độc lập. Muốn làm cho dân mạnh nước giàu. Mọi người Việt Nam phải biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà...".

Nhiệm vụ quan trọng có vai trò quyết định đến tương lai tiền đồ của dân tộc Người đặt lên vai thế hệ trẻ - Những người chủ tương lai của đất nước. Tháng 9/1945 nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, Bác gửi thư cho học sinh cả nước. Bức thư có đoạn viết: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu".

 

Trong những ngày gian khổ trên chiến khu Việt Bắc, dù bận trăm ngàn công việc lãnh đạo kháng chiến Người vẫn không quên việc học hành của con trẻ. Người ân cần chỉ bảo đàn cháu yêu quý của mình:

"Các cháu nghe Bác dặn dò
Phải biết yêu nước, phải lo học hành.
Siêng làm việc, siêng tập tành
Phải giữ kỷ luật để thành cháu ngoan
Bác yêu các cháu vô vàn
Bác gửi các cháu muôn ngàn cái hôn".

Từ rất sớm Người đã khẳng định việc giáo dục thế hệ trẻ kế tục sự nghiệp cách mạng của cha ông là việc vô cùng quan trọng. Người căn dặn: Giáo dục thiếu nhi là một khoa học, cần dạy cho các cháu biết yêu Tổ quốc, thương đồng bào, chuộng lao động, giữ kỷ luật, biết vệ sinh, học văn hoá nhưng đồng thời phải giữ toàn vẹn cái tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, tự động, trẻ trung của các cháu, không được làm các cháu thành những "ông già bé". Chính phủ, các đoàn thể và tất cả đồng bào có trách nhiệm giúp sức vào việc giáo dục thiếu nhi.

Năm 1951 nhân ngày Quốc tế thiếu nhi Người gửi thư căn dặn thiếu niên, nhi đồng toàn quốc: "Thi đua học tập, thi đua tăng gia sản xuất, thi đua giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sỹ".

Bác Hồ đang theo dõi một cháu nhỏ đánh vần khi đến thăm lớp vỡ lòng  ở phố Hàng Than, Hà Nội, năm 1958.
Bác Hồ đang theo dõi một cháu nhỏ đánh vần khi đến thăm lớp vỡ lòng ở phố Hàng Than, Hà Nội, năm 1958.

Tháng 3/1955 gửi thư cho Hội nghị giáo dục toàn quốc, Người chỉ rõ trách nhiệm nặng nề nhưng vẻ vang của người thầy giáo là: "Chăm lo dạy dỗ cho con em của nhân dân thành người công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sỹ tốt, người cán bộ tốt của nước nhà''. Người căn dặn các cháu học sinh Trường Sư phạm miền núi Trung ương: "Nhiệm vụ của các cháu là thi đua học tập để sau này góp phần vào việc mở mang quê hương của mình và việc xây dựng nước Việt Nam yêu quý của chúng ta".

Trong thư gửi cho thầy giáo và học sinh nhân dịp năm học mới (10/1955), Người chỉ rõ mục đích của nhà trường là đào tạo những công dân tốt, những người chủ tương lai tốt của nước nhà. Người nhấn mạnh nhiệm vụ của nhà trường: "Trước hết phải ra sức tẩy sạch ảnh hưởng giáo dục nô dịch của thực dân còn sót lại như thái độ thờ ơ với xã hội, học để lấy bằng cấp, dạy theo lối nhồi sọ. Và, cần xây dựng tư tưởng: dạy và học để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Nhà trường phải gắn liền với thực tế của nước nhà với đời sống của nhân dân. Thầy giáo và học trò tuỳ theo hoàn cảnh  và khả năng cần tham gia những công tác xã hội ích nước, lợi dân". Bức thư còn đề cập đến nhiệm vụ của từng cấp đại học, trung học, tiểu học, về trách nhiệm của gia đình phải liên hệ chặt chẽ với nhà trường. 

Bác Hồ về thăm và nói chuyện với giáo viên, học sinh các trường học sinh miền Nam tại Hải Phòng.
Bác Hồ về thăm và nói chuyện với giáo viên, học sinh các trường học sinh miền Nam tại Hải Phòng.

Ngày 23/3/956 khi đến thăm và nói chuyện với Đại hội giáo dục phổ thông toàn quốc, Người khen ngợi những thành tích và cố gắng của ngành giáo dục, động viên anh chị em phấn đấu khắc phục khó khăn. Người kết luận: "Các thầy giáo, cô giáo phải tìm cách dạy. Dạy cái gì, dạy thế nào để học trò hiểu chóng, nhớ lâu, tiến bộ nhanh. Dạy và học cần phải theo nhu cầu của dân tộc, của Nhà nước. Thầy dạy tốt, trò học tốt cung cấp đủ cán bộ cho nông nghiệp, công nghiệp, cho các ngành kinh tế và văn hoá. Đó là nhiệm vụ vẻ vang của các thầy, cô giáo".

Khi nói chuyện tại trường Chu Văn An - Hà Nội, Người lưu ý vấn đề giáo dục tài - đức: "Trong giáo dục không những phải có tri thức phổ thông mà phải có đạo đức cách mạng, có tài phải có đức. Có tài không có đức thì có hại cho nước. Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai".

Tháng 5/1961 nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Đội thiếu niên tiền phong, Người khuyên các cháu thực hiện 5 điều:

- Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào
- Học tập tốt, lao động tốt
- Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt
- Giữ gìn vệ sinh thật tốt
- Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm.

Những điều Bác dạy thật giản dị, thiết thực mà dễ nhớ. Hễ là người Việt Nam hầu như ai cũng thuộc những lời dạy quý báu này.

Ngày 19/5/1969 nhân sinh nhật lần thứ 79, Người gửi thư khen các cháu thiếu niên thôn Phú Mẫn, xã Hàm Sơn, Yên Phong (Hà Bắc). Người ân cần động viên: "Các cháu tuy tuổi còn nhỏ nhưng có thể làm những việc ích nước, lợi dân. Các cháu là những người chủ tương lai của nước nhà".

Bác Hồ cùng các cháu thiếu nhi Làng Sen, xã Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An đi thăm quê nhà.
Bác Hồ cùng các cháu thiếu nhi Làng Sen, xã Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An đi thăm quê nhà.

Ba tháng trước ngày đi xa, Người còn  viết bài "Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng" đăng trên báo Nhân dân ra ngày 1/6/1969. Người căn dặn toàn Đảng, toàn dân, mọi người, mọi ngành phải làm tốt hơn nữa việc giáo dục thiếu niên nhi đồng. "Đó là những người chủ tương lai của đất nước".

Những quan điểm và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ  ngày đầu lập nước cho đến khi Người đi xa về nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo những con người có tài, có đức, yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội cũng chính là những vấn đề cơ bản mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đặt ra và yêu cầu đối với một nền giáo dục đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước "sánh vai các cường quốc năm châu" trong thế kỷ XXI.

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới