Bổ nhiệm cán bộ 'có vấn đề', người đứng đầu phải chịu

Theo PGS.TS Hồ Tấn Sáng, bổ nhiệm mà cán bộ tha hóa, hư hỏng thì người bổ nhiệm cũng bị kỷ luật.

Tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Ba Đình và Hoàn Kiếm (Hà Nội) vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tái khẳng định, Trung ương vừa đưa ra 4 nhóm giải pháp, trong đó có giải pháp rất quan trọng về việc có cơ chế kiểm soát quyền lực, phải “nhốt” quyền lực vào trong lồng quy chế, pháp luật. Một cơ chế nữa là công tác cán bộ đánh giá, đề bạt, sử dụng, không có kiểu đề bạt suốt đời, tư duy nhiệm kỳ, có “lên” không có “xuống”, có “vào” mà không có “ra”. Về vấn đề này, phóng viên VOV phỏng vấn PGS.TS Hồ Tấn Sáng, Học viện chính trị khu vực 3.

PGS.TS Hồ Tấn Sáng (Ảnh: Báo Đà Nẵng)
PGS.TS Hồ Tấn Sáng (Ảnh: Báo Đà Nẵng)

PV: Thưa ông, nếu như tại Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách xây dựng Đảng hiện nay”, Trung ương nhấn mạnh giải pháp phê bình và tự phê bình lên hàng đầu, thì tại hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) lần này, Trung ương nhấn mạnh đến vai trò kiểm tra, giám sát. Ông có đánh giá gì về điểm mới này?

Ông Hồ Tấn Sáng: Tôi cho rằng phê bình và tự phê bình cũng cần, nhưng giải pháp kiểm tra, giám sát và kiểm soát mới là giải pháp quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Bởi lẽ, Đảng ta là Đảng cầm quyền, tức là cán bộ, đảng viên có quyền lực. Về nguyên tắc, quyền lực không bị kiểm tra, giám sát, kiểm soát thì dễ tha hóa. Đó là quy luật khách quan. Vì vậy, Đảng nhấn mạnh vấn đề kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực của cán bộ, đảng viên là rất cần thiết.

PV: Trung ương cũng nhiều lần nhấn mạnh trong công tác kiểm tra, giám sát phải nhấn mạnh đến vai trò kiểm tra, giám sát của người dân. Nhưng thực tế vẫn vô cùng khó khăn, thưa ông?

Ông Hồ Tấn Sáng: Đúng vậy. Người dân muốn tham gia kiểm soát quyền lực thì phải có cơ chế, thể chế, còn để trực tiếp thì rất khó. Vì quyền lực chỉ có thể bị kiểm soát bởi quyền lực và các nhánh quyền lực này phải tương đối độc lập, còn người dân muốn kiểm soát phải thông qua những cơ chế, thể chế do Nhà nước đưa ra.

PV: Một nhà nước pháp quyền phải luôn thượng tôn luật pháp, thực hiện quản lý và giám sát phải bằng luật pháp. Tại buổi tiếp xúc cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh về việc phải có cơ chế kiểm soát quyền lực, “nhốt” quyền lực vào trong lồng pháp luật. Theo ông, cơ chế đó là gì?

Ông Hồ Tấn Sáng: Theo ý của Tổng Bí thư là “nhốt” quyền lực vào trong lồng pháp luật nhưng có thể kiểm soát được như vậy không? Phải có ý tưởng thiết lập một tổ chức bộ máy quyền lực có khả năng kiểm soát được quyền lực của bộ máy nhà nước thì khi đó mới có hiệu quả. Chống tham nhũng cũng phải đi từ đó. Bây giờ không kiểm soát quyền lực nhà nước thì kêu gọi bộ máy nhà nước chống lại căn bệnh của bộ máy nhà nước là không đơn giản.

PV: Ông vừa đề xuất phải có một tổ chức độc lập để giám sát quyền lực của nhà nước, đặc biệt ông nhấn mạnh việc phải có tính độc lập cao. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?

Ông Hồ Tấn Sáng: Lenin đã tìm ra cách để làm được việc đó. Đại hội Đảng bầu cơ quan kiểm tra để cơ quan kiểm tra đó độc lập với Ban Chấp hành Trung ương. Đó là một thiết chế quyền lực có tính độc lập thông qua ủy quyền của đảng viên cho cơ quan ủy ban kiểm tra. Đó là một cách làm mà ở chừng mực nào đó rõ ràng có tác dụng.

Loại thiết chế thứ hai là thiết chế của xã hội. Muốn có thiết chế xã hội thì phải được hiến định tức là thông qua Hiến pháp, luật pháp để thành lập một tổ chức như thế. Tổ chức đó cấu trúc như thế nào, cơ chế vận hành ra sao thì phải có sự thỏa thuận từ phía người cầm quyền và phía người dân chứ không phải từ phía người cầm quyền.

Hiện nay, ý tưởng tạo thể chế, cơ chế trong Mặt trận làm chức năng kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội và nếu vươn đến kiểm soát thì đó cũng là một ý tưởng khả dĩ. Tất nhiên phải kèm theo những quy định cụ thể hơn, ví dụ đảm bảo tính độc lập về ngân sách để độc lập về tài chính cho các tổ chức này thì dần dần mới tiến lên những độc lập tương đối khác.

PV: Hiện nay, từ Đảng, Chính phủ, Quốc hội đều có lực lượng kiểm tra, giám sát như Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính hay Thanh tra Chính phủ. Theo ông, chừng đó đã đủ hiệu lực chưa?

Ông Hồ Tấn Sáng: Những cơ quan đó thực ra đều là giám sát bên trong và tất nhiên kiểm soát bên trong cũng có ý nghĩa nhất định.

Kiểm soát kèm theo cơ chế để khi phát hiện ra vấn đề người ta có quyền đưa ra để phán định chứ không phải cho ý kiến hay góp ý, đóng góp. Đóng góp là cái bên trong, còn bên ngoài là cơ chế, thể chế để bãi miễn người vi phạm luật chơi. Theo tôi, nên như vậy thì mới đạt được.

PV: Theo ông, cơ chế đánh giá, đề bạt cán bộ phải đổi mới thế nào để đáp ứng đòi hỏi của sự phát triển của đất nước?

Ông Hồ Tấn Sáng: Rõ ràng ta cũng có ý tưởng đó từ ngày đổi mới đến giờ, tức là không làm suốt đời như các chức vụ chủ chốt đã làm được hai nhiệm kỳ. Nhưng việc này chỉ ở hình thức tương đối chứ chưa triệt để. Muốn triệt để phải có cách khác hơn nữa.

Ví dụ, các nhà chính trị có thể nghỉ việc nhưng công chức làm việc theo cơ chế suốt đời và đương nhiên suốt đời đó theo nghĩa đánh giá đúng năng lực, chất lượng công tác, việc làm của họ.

PV: Theo ông, trong đề bạt cán bộ phải gắn trách nhiệm ra sao đối với những người ra quyết định bổ nhiệm cán bộ, nếu như cán bộ đó có “vấn đề”?

Ông Hồ Tấn Sáng: Việc này Trung ương đã quy định, những người nào đề bạt, bổ nhiệm cán bộ mà người đó có “vấn đề” thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Chúng ta nói như vậy nhưng chưa làm được. Vì chưa có cơ chế để làm nên khi họ nắm quyền rồi thì họ tự tung tự tác, thậm chí khi họ sắp về thì đề bạt, bổ nhiệm nhiều và cuối cùng hậu quả là những người đi sau phải chịu.

Bây giờ bổ nhiệm mà cán bộ tha hóa, hư hỏng thì người bổ nhiệm cũng bị kỷ luật, tùy mức độ mà hậu quả của người bị kỷ luật gây ra vi phạm đó. Phải làm quyết liệt, phải có cơ chế, thể chế và không hô khẩu hiệu nữa.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Theo VOV.VN

TIN LIÊN QUAN

Tin mới