Hiệu quả 'kích cầu' nghề trồng rừng ở Tương Dương

(Baonghean) - Với kết quả trồng mới rừng năm 2016 được 1.470 ha, đạt 147% kế hoạch đã tạo cho huyện Tương Dương một khí thế, động lực mới trong quyết tâm thực hiện mục tiêu trồng 4.700 ha mà Đề án trồng rừng theo mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra. Đồng chí Nguyễn Văn Hải - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện có cuộc trao đổi với báo Nghệ An xung quanh vấn đề này.

P.V: Xin đồng chí cho biết dựa trên những điều kiện lợi thế nào mà huyện Tương Dương xác định rõ là chỉ có đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng và nghề trồng rừng mới thực sự là giải pháp tối ưu giúp địa phương thoát nghèo bền vững cũng như vươn lên có thể làm giàu?

Đồng chí Nguyễn Văn Hải: Huyện Tương Dương có diện tích tự nhiên 281.129,7 ha, chiếm 17% diện tích của tỉnh, trong đó có 253.068,8 ha diện tích đất lâm nghiệp chiếm 90% diện tích đất tự nhiên, trong đó diện tích đất có rừng trong quy hoạch đất lâm nghiệp là 218.561,6 ha. Trong đó, đất lâm nghiệp hơn 250.000 ha, rừng sản xuất 115.000 ha, đất rừng phòng hộ 93.500 ha, rừng đặc dụng 39.500 ha. Độ che phủ của rừng hiện nay đạt 80,3%.

Buổi làm việc giữa lãnh đạo, các phòng ban huyên Tương Dương và Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm về phát triển rừng nguyên liệu trên địa bàn.
Buổi làm việc giữa lãnh đạo, các phòng ban huyên Tương Dương và Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm về phát triển rừng nguyên liệu trên địa bàn.

Người dân Tương Dương có truyền thống trồng rừng và phát triển kinh tế rừng. Trên địa bàn, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình làm giàu rừng trồng, cải thiện trồng các loại cây cho thu nhập dưới tán rừng đã góp phần tích cực bảo vệ phát triển vốn rừng. Hệ thống cán bộ khuyến nông, khuyến lâm từ huyện đến cơ sở cơ bản đã đủ số lượng, chất lượng ngày một nâng cao có đủ năng lực để hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật mới về trồng rừng, kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ rừng cho bà con.

Cùng với những định hướng lớn của Đại hội Đảng bộ huyện Tương Dương mấy nhiệm kỳ gần đây xác định kinh tế rừng vô cùng quan trọng của huyện và ban hành nghị quyết, đề án để bảo vệ và phát triển kinh tế rừng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có những dự án chế biến lâm nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao, đầu tư phát triển vùng nguyên liệu bài bản...

Với những lợi thế đó chúng tôi xác định chỉ có đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng và nghề rừng mới thực sự là giải pháp tối ưu giúp địa phương thoát nghèo bền vững cũng như vươn lên làm giàu.

P.V: Thưa đồng chí! Thế mạnh, tiềm năng về đất rừng và kinh tế rừng của Tương Dương thì đã rõ, vậy để hiện thực hóa cũng như khai thác hiệu quả tiềm năng và thế mạnh trên, huyện đã có những chủ trương, giải pháp gì trong các nhiệm kỳ đại hội gần đây? 

Đồng chí Nguyễn Văn Hải: Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đại hội Đảng bộ huyện tiếp tục xác định trồng rừng và phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế. Trong đó, để cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2015 - 2020 về phát triển kinh tế rừng, Tương Dương đã ban hành Đề án trồng rừng giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu phấn đấu trồng mới 4.700 ha rừng sản xuất.

Theo đó, huyện cũng ban hành một số cơ chế chính sách hỗ trợ cho bà con như hỗ trợ thiết kế, hỗ trợ phân bón, cây giống cho người trồng rừng từ nguồn ngân sách huyện. Với những cơ chế "kích cầu" này mà đã khơi dậy và lấy lại được phong trào trồng rừng trên địa bàn huyện Tương Dương.

Năm 2016, năm đầu thực hiện đề án, thực hiện kế hoạch trồng 1.000 ha với ngân sách hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng, kết quả toàn huyện Tương Dương đã trồng được 1.470 ha, đạt 147% so với kế hoạch, trong đó có 644,7 ha rừng trồng do người dân tự bỏ vốn trồng.

Đây là tín hiệu tốt đối với việc thực hiện định hướng phát triển kinh tế rừng ở Tương Dương cũng như thực hiện mục tiêu trồng gần 5.000 ha của đề án sau một thời gian người dân mất niềm tin khi dự án trồng rừng nguyên liệu cho Nhà máy Bột giấy Tân Hồng triển khai dở dang. 

Đồng chí Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND huyện phát biểu trong buổi bàn giải pháp phát triển rừng nguyên liệu trên địa bàn.
Đồng chí Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND huyện phát biểu trong buổi bàn giải pháp phát triển rừng nguyên liệu trên địa bàn.

Đồng thời, để củng cố niềm tin cho bà con trồng rừng cũng như để nghề trồng rừng của Tương Dương phát triển bền vững, huyện Tương Dương đã mời Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm bàn các giải pháp phối hợp triển khai phát triển vùng nguyên liệu cho Nhà máy gỗ Nghệ An trên địa bàn.

Theo đó, một số thỏa thuận đã được thống nhất, công ty sẽ thực hiện một số cơ chế chính sách đầu tư vùng nguyên liệu và ký hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm cho người dân. Song song với trồng rừng, huyện tập trung chỉ đạo làm tốt công tác bảo vệ rừng; lồng ghép các chính sách để bảo vệ rừng tốt hơn bằng cách giao khoán bảo vệ rừng cho người dân như Chương trình 30a, dịch vụ môi trường rừng để tăng thu nhập cho người dân.

P.V: Được biết, hiện nay huyện Tương Dương đang tích cực phối hợp với Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm để triển khai việc trồng rừng nguyên liệu cho Nhà máy gỗ MDF Nghệ An, vậy kết quả đến thời điểm này đã đạt được, cũng như những khó khăn vướng mắc, giải pháp để tháo gỡ khó khăn đó như thế nào thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Văn Hải: Qua tìm hiểu một số cơ chế chính sách mà Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm đã thông báo đó là nhà máy cho nhân dân ứng giống, phân bón; hỗ trợ thiết kế, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm. Có thể thấy đây là hình mẫu của sự liên kết chặt chẽ giữa "3 nhà": Nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà nông, và chúng tôi coi đây là "chìa khóa" để khai thác tiềm năng lợi thế của huyện, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Để đảm bảo ổn định đầu ra cho trồng rừng nguyên liệu trên địa bàn huyện, hướng đến huyện Tương Dương trở thành vùng nguyên liệu ổn định của nhà máy, tạo thu nhập cho người dân mang tính bền vững, góp phần xoá đói giảm nghèo, UBND huyện tích cực chỉ đạo, lãnh đạo các xã tăng cường phát triển trồng rừng nguyên liệu, để tạo ra chuỗi kinh tế cho các thành viên liên kết, tạo niềm tin cho nhà đầu tư.

Kiểm tra rừng trồng tại xã Tam Quang (Tương Dương).
Kiểm tra rừng trồng tại xã Tam Quang (Tương Dương).

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chuỗi liên kết địa phương và công ty đang còn một số vướng mắc mà chúng tôi đang tìm giải pháp tháo gỡ như sau: Thứ nhất; huyện Tương Dương không được tỉnh phê duyệt quy hoạch vùng trồng rừng nguyên liệu cho Nhà máy gỗ MDF. Thứ hai; do trước đây. UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch vùng trồng nguyên liệu của huyện Tương Dương cho Nhà máy Bột giấy Tân Hồng để trồng rừng nguyên liệu, nhưng hiện nay Nhà máy Bột giấy Tân Hồng bị phá sản nên vùng nguyên liệu không được đầu tư, triển khai thực hiện.

UBND huyện đã có tờ trình đề nghị UBND tỉnh xem xét điều chỉnh quy hoạch trồng rừng nguyên liệu Nhà máy chế biến Bột giấy Tân Hồng để bổ sung mở rộng quy hoạch vùng nguyên liệu cho Nhà máy chế biến gỗ MDF Nghệ An của Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm. 

Trên tinh thần đó, huyện Tương Dương đã trực tiếp làm việc và có ý kiến với Sở NN & PTNT, Sở Kế hoạch và Đầu tư để tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi quyết định quy hoạch vùng trồng rừng nguyên liệu của Nhà máy Bột giấy Tân Hồng để bổ sung cho Nhà máy chế biến gỗ MDF Nghệ An.

Trong quá trình chờ ý kiến trả lời và thu hồi quyết định vùng quy hoạch trồng rừng nguyên liệu Nhà máy Tân Hồng của tỉnh, huyện Tương Dương đề nghị UBND tỉnh cho phép huyện ký cam kết trồng rừng nguyên liệu cho Nhà máy chế biến gỗ MDF Nghệ An để Nhà máy đầu tư kinh phí hỗ trợ cho người dân trồng rừng. 

P.V: Xin cảm ơn ông!

Hữu Nghĩa

(Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới