Trường Chính trị Nghệ An vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời kỳ mới

(Baonghean) - Cùng với những giá trị hào hùng của lịch sử Cách mạng Việt Nam và lịch sử Đảng bộ tỉnh Nghệ An, Trường Chính trị tỉnh đóng một vai trò hết sức quan trọng, có ý nghĩa chiến lược. Lịch sử 70 năm truyền thống của nhà trường đã nói lên tầm quan trọng đặc biệt đó.

Lớp học tại Trường Chính trị tỉnh.
Lớp học tại Trường Chính trị tỉnh.

Sinh thời Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã dạy: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”.

Do vậy, từ những ngày tháng đầu tiên khi nền độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vừa mới được xác lập, trong bao nhiêu bộn bề khó khăn, trước những thách thức mất còn của giặc ngoài, thù trong, thì công việc đào tạo cán bộ của nhà trường cũng bắt đầu với những bước đi đầu tiên trong hành trình thực hiện công việc "gốc" của Đảng.

Ngày 18/11/1946 trở thành dấu mốc lịch sử  trọng đại của nhà trường khi lớp huấn luyện cán bộ cốt cán đầu tiên của tỉnh được tổ chức sau Đại hội đại biểu tỉnh Nghệ An lần thứ IV.  

Trường Đảng Nghệ An ngay từ khi được thành lập đã phải sơ tán và liên tục phải di chuyển nhiều địa phương. Cơ sở vật chất của trường hạn chế, tất cả đều dựa vào dân; cán bộ đi học chủ yếu là tự túc và một phần vận động nhân dân đóng góp.

Mặc dù trong hoàn cảnh hết sức khó khăn và thiếu thốn, nhưng các lớp học vẫn được mở liên tục, với số lượng học viên ngày càng đông. Hàng năm, đã có hàng nghìn cán bộ chủ chốt của cơ sở và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh được đào tạo, bồi dưỡng tại trường. Số cán bộ được học tập ở trường đã trở thành lực lượng nòng cốt ở các địa phương, đơn vị, có nhiều đồng chí đã trưởng thành, giữ những vị trí quan trọng ở các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, bộ, ngành và các tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ do Đảng đề ra trong từng thời kỳ.

Trong 70 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp của các học viện; sự cộng tác và giúp đỡ của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và cấp uỷ, chính quyền cấp huyện, nhất là sự phối hợp thường xuyên của các Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện; Trường Chính trị tỉnh đã khắc phục mọi khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, hoạt động của trường có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được nhiều thành tựu.

Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngày càng được nâng cao; đội ngũ cán bộ, giảng viên đã được tăng cường về số lượng, chất lượng; hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn được quan tâm hơn; điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật của trường được cải thiện.

Đặc biệt giai đoạn 1993 - 2016, với nhiều giải pháp đồng bộ, tích cực, Trường Chính trị tỉnh đã trực tiếp phối hợp triển khai nhiều loại hình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ với tổng số 637 lớp, 45.782 học viên phù hợp với từng đối tượng và nhu cầu phát triển của từng giai đoạn, đảm bảo hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch hàng năm. 

Nhà trường đã chủ động triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng; thường xuyên tăng cường thực hiện các biện pháp để nâng cao chất lượng dạy và học; đa dạng hóa hình thức mở lớp; thực hiện công tác tuyển sinh cơ bản đúng tiêu chuẩn, đối tượng; linh hoạt trong điều phối các chương trình; kết hợp hài hòa, từng bước cân đối giữa việc tổ chức các lớp tập trung và tại chức, vừa đảm bảo thực hiện đúng, đầy đủ các chỉ tiêu, nhiệm vụ, vừa thực hiện quyền tự chủ theo đúng quy định của pháp luật; từng bước đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực, hiện đại; trang bị những kiến thức lý luận cơ bản, những kỹ năng, nghiệp vụ cần thiết cho học viên để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ và giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn.

Công tác nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn đã được Trường Chính trị tỉnh quan tâm triển khai và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Trường đã tổ chức triển khai nghiên cứu 84 đề tài khoa học. Hàng năm, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh tổ chức các hội thảo khoa học, nghiên cứu các chuyên đề nhằm khai thác các giá trị lý luận, phương pháp và kinh nghiệm, giải quyết các vấn đề thực tiễn để phục vụ giảng dạy, nghiên cứu và góp phần xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. 

Việc xây dựng tổ chức bộ máy và đội ngũ công chức, viên chức của Trường Chính trị tỉnh đã được quan tâm cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, trường có 45 thạc sỹ, trong đó có 5 đồng chí đang học nghiên cứu sinh tiến sỹ, 18 cử nhân, 33 người có trình độ cử nhân, cao cấp lý luận chính trị; 22 giảng viên chính, chuyên viên chính, 1 chuyên viên cao cấp; 100% giảng viên được bồi dưỡng phương pháp dạy học tích cực. Đội ngũ công chức, viên chức của trường có trình độ, năng lực, bản lĩnh chính trị vững vàng, có ý thức nghề nghiệp, bước đầu đã có kinh nghiệm trong giảng dạy và nghiên cứu.

Hệ thống cơ sở vật chất của Trường Chính trị tỉnh đã được đầu tư nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh.  

Công tác xây dựng Đảng bộ và các đoàn thể chính trị trong nhà trường được quan tâm. Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo nhiệm vụ chính trị của nhà trường, xây dựng đảng bộ về tư tưởng, chính trị và tổ chức. 

Với những nỗ lực, quyết tâm của Đảng ủy, Ban Giám hiệu và tập thể công chức, viên chức, trong 70 năm xây dựng và trưởng thành, Trường Chính trị tỉnh vinh dự nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng như: Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba và đặc biệt năm 2011, nhà trường vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Ba.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; nhằm thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và Nghị quyết số 32 - NQ/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, Trường Chính trị tỉnh Nghệ An đang tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn... với trọng tâm là thực hiện có hiệu quả Đề án số 12 - ĐA/TU về “Xây dựng và phát triển Trường Chính trị tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn 2030” đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt.

Do vậy, nhà trường trong thời gian tới, tập trung thực hiện có kết quả các giải pháp chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Chú trọng đến phương pháp luận, định hướng nghiên cứu, gia tăng hàm lượng khoa học và thực tiễn... Chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo để mở rộng các hình thức đào tạo, đa dạng hóa nội dung chương trình, đối tượng đào tạo.

Nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; chủ động tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học cấp tỉnh thuộc lĩnh vực được ưu tiên, đồng thời tổ chức triển khai nghiên cứu các đề tài khoa học cấp trường đảm bảo chất lượng, thiết thực, gắn với chuyên môn và phục vụ cho nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng. 

Thứ hai, xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy và phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh. Xây dựng khối đoàn kết nhất trí, phát huy cao độ ý thức trách nhiệm, dân chủ, trí tuệ, sáng tạo và đạo đức, phong cách người cán bộ, đảng viên, viên chức Trường Chính trị để phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của nhà trường trong thời kỳ mới.

Thứ ba, đầu tư hiện đại hoá cơ sở vật chất; tăng cường hợp tác trong và ngoài nước. Chủ động khai thác, thiết lập các mối quan hệ hợp tác nhiều mặt với các trường chính trị trong cả nước, các cơ sở đào tạo của bộ, ngành và các tổ chức quốc tế; khai thác các dự án đầu tư về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học để từng bước phát triển toàn diện và nâng cao năng lực, vị thế của Trường Chính trị tỉnh trong giai đoạn mới; chăm lo đời sống, đảm bảo các chế độ chính sách cho cán bộ, viên chức, người lao động và học viên đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu.

Thứ tư, tích cực tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác đào tạo, bồi dưỡng; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, sự chỉ đạo về chuyên môn và sự phối hợp với các học viện; sự giúp đỡ của các ngành, các cấp trong tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ với các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện để thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.

Đoàn công tác thực tế Trường Chính trị thăm quan tình hình xây dựng đường giao thông nội đồng tại xã Diễn Thịnh (Diễn Châu).
Đoàn công tác thực tế Trường Chính trị thăm quan tình hình xây dựng đường giao thông nội đồng tại xã Diễn Thịnh (Diễn Châu).

Có thể nói rằng, chặng đường mới của Trường Chính trị tỉnh Nghệ An là sự kế thừa những đóng góp và truyền thống của nhà trường 70 năm qua; là chặng đường đồng hành với toàn Đảng bộ, nhân dân, phấn đấu “xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc, đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp..." theo tinh thần Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An.

Với hành trang 70 năm truyền thống vẻ vang, xây dựng và trưởng thành, chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào sự phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn nữa của Nhà trường, đủ sức hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh giao phó.

10 mốc son của chặng đường phát triển của Trường Chính trị Nghệ An 

1. Ngày 18/11/1946: Lớp huấn luyện cán bộ cốt cán đầu tiên của tỉnh - Mốc lịch sử đánh dấu sự ra đời của nhà trường. 

2. Tháng 9/1948: Trường vinh dự được mang tên “Trường Đảng Lê Hồng Phong Nghệ An”. 

3. Ngày 24/9/1959: Thành lập Trường Chính trị miền Tây - Bước phát triển của nhà trường đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

4. Ngày 15/12/1959: Thành lập “Trường hành Chính tỉnh Nghệ An” - thực hiện chức năng huấn luyện cán bộ chính quyền các cấp phục vụ sự nghiệp cách mạng.

5. Tháng 2/1960: Thành lập “Trường Thanh vận Lý Tự Trọng” - Địa chỉ đỏ của tuổi trẻ Nghệ An.

6. Ngày 11/6/1976: Mốc đánh dấu bước mở rộng về quy mô loại hình đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường. 

7. Ngày 2/9/1976: Trường mang tên “Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng - Trường Đảng Trần Phú Nghệ Tĩnh”.

8. Năm 1991: “Trường Đảng Trần Phú Nghệ An” - Tiếp tục sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong điều kiện mới

 9. Ngày 27/8/1993: Thành lập “Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ tỉnh Nghệ An” - Thực hiện yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp của tỉnh. 

10. Ngày 24/2/1997: Thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An ra Quyết định số 757/QĐ-UB về việc đổi tên Trường Đào tạo Bồi dưỡng cán bộ thành Trường Chính trị tỉnh Nghệ An. Đây là mốc đánh dấu bước phát triển toàn diện của nhà trường. Ngày 23/4/1999 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án “Xây dựng Trường Chính trị Nghệ An vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn 2000 - 2010. Ngày 30/7/2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An tiếp tục ban hành Đề án số 12 “Xây dựng và phát triển Trường Chính trị tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn 2030. Trường vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất vào năm 2005, Huân chương Độc lập hạng Ba vào năm 2011 cùng nhiều phần thưởng cao quý của Thủ tướng Chính phủ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An.

Nguyễn Thị Hồng Hoa

(Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới