Trường Chính trị tỉnh: Đưa thực tiễn phong phú vào mỗi bài giảng

(Baonghean) - Nhận thức được tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, trong những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh đã tập trung chỉ đạo việc xây dựng tổ chức bộ máy đảm bảo về số lượng và chất lượng; nâng cao trình độ về mọi mặt cho đội ngũ công chức, viên chức, trong đó chú trọng nâng cao kiến thức và năng lực thực tiễn cho đội ngũ giảng viên. 

Đội ngũ giảng viên Trường Chính trị Nghệ An hiện có 46 người, đa số là giảng viên trẻ (chiếm 67%). Giảng viên trẻ là đội ngũ có nhiều thế mạnh, nhưng đồng thời cũng đứng trước nhiều khó khăn, thử thách đối với yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Đó là những người năng động, nhiệt tình trong công tác, hăng hái phấn đấu và tích cực học tập, rèn luyện về chuyên môn.

Bước đầu, một số giảng viên trẻ đã phát huy năng lực, sở trường trong nghiên cứu và giảng dạy lý luận chính trị. Một số đồng chí có kỹ năng sư phạm, phương pháp giảng dạy tốt, biết kết hợp một cách sáng tạo các phương pháp khác nhau, các phương tiện hiện đại cho từng môn học và từng đối tượng học viên mang lại hiệu quả cao, phát huy được tính chủ động, tích cực, sáng tạo của người học. Tuy nhiên, họ lại thiếu kiến thức thực tế, thiếu kiến thức chuyên sâu về các ngành, lĩnh vực, chưa xây dựng được nền tảng thực tiễn vững chắc. Do đó, hiệu quả truyền đạt kiến thức không cao, sức thuyết phục hạn chế, việc xây dựng niềm tin từ phía học viên gặp nhiều khó khăn. 

Giảng viên Nguyễn Thị Hồng Giang, Khoa Xây dựng Đảng mở đầu Hội thi với bài giảng
Giảng viên Nguyễn Thị Hồng Giang, Khoa Xây dựng Đảng mở đầu Hội thi với bài giảng "Học thuyết Mác-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng cộng sản".

Chính vì vậy, việc đưa giảng viên của Trường Chính trị tỉnh Nghệ An đi nghiên cứu thực tế tại cơ sở là một khâu quan trọng trong công tác đào tạo cán bộ, là một trong những giải pháp chủ yếu, cấp bách nhằm bổ sung kiến thức thực tiễn, nâng cao chất lượng toàn diện cho đội ngũ giảng viên, góp phần thực hiện quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên của nhà trường vừa có trình độ chuyên môn lý luận vững vàng, vừa có kiến thức thực tiễn phong phú. Thông qua việc đi nghiên cứu thực tế, giảng viên nhà trường có điều kiện rèn luyện kỹ năng, tích lũy kiến thức thực tế, kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, từ đó có những đóng góp thiết thực hơn đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học. 

Thực hiện Quy chế về chế độ học tập và đi nghiên cứu thực tế của nhà trường, từ năm 2006 đến nay, nhà trường đã phối hợp với các địa phương trong tỉnh đưa 14 giảng viên đi nghiên cứu thực tế tại cơ sở theo hình thức biệt phái. Đối tượng chủ yếu là các giảng viên trẻ thuộc các khoa, phòng, gồm nhiều chuyên ngành đào tạo khác nhau.

Nội dung nghiên cứu thực tế tập trung nghiên cứu, tìm hiểu tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của xã, phường, thị trấn, của các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh; kỹ năng lãnh đạo, điều hành của cán bộ chủ chốt; hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội; việc triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở cơ sở và những vấn đề thực tiễn nảy sinh. 

Đoàn công tác thực tế Trường Chính trị tham quan tình hình xây dựng đường giao thông nội đồngtại xã Diễn Thịnh (Diễn Châu).
Đoàn công tác thực tế Trường Chính trị tham quan tình hình xây dựng đường giao thông nội đồng tại xã Diễn Thịnh (Diễn Châu).

Thời gian đi nghiên cứu thực tế được quy định phù hợp với từng đối tượng, căn cứ vào thâm niên công tác. Giảng viên có thời gian công tác từ 5 năm trở xuống, phải đi nghiên cứu thực tế 12 tháng. Nam giảng viên dưới 45 tuổi, nữ giảng viên dưới 40 tuổi chưa trải qua quá trình công tác tại cơ sở phải lần lượt tăng cường về các huyện, thành, thị công tác từ 3 đến 6 tháng. Địa điểm nghiên cứu thực tế tương đối đa dạng, từ các huyện miền núi đến các thành phố, thị xã đồng bằng trong tỉnh: huyện Nghĩa Đàn, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc...

Các giảng viên được rèn luyện trong môi trường thực tế tại các ban xây dựng Đảng thuộc các huyện, thành, thị ủy (Dân vận, Tuyên giáo, Tổ chức...), trong các ngành, lĩnh vực chuyên môn khác nhau (Nông nghiệp, Tài nguyên và Môi trường, Luật...); phạm vi nghiên cứu thực tế còn được mở rộng đến địa bàn phường, xã. Trong thời gian đi nghiên cứu thực tế, cán bộ nhà trường được bố trí công việc, sinh hoạt, công tác như cán bộ của đơn vị thực tế.

Cán bộ đi thực tế cơ sở hưởng nguyên lương, chế độ phụ cấp và các chế độ khác; chịu sự quản lý và phân công nhiệm vụ của cơ quan nơi thực tế. Hàng tháng dành 1 ngày vào tuần đầu tháng để về sinh hoạt chi bộ, chuyên môn với nhà trường. Sau khi kết thúc thời hạn thực tế, cơ quan có đánh giá, nhận xét về quá trình đi thực tế của giảng viên nhà trường.

Nhìn chung, việc đưa giảng viên đi nghiên cứu thực tế ở cơ sở thời gian qua đã đạt được những mục tiêu cơ bản đề ra; hình thức đi thực tế ngày càng đa dạng, phong phú; thu hút được nhiều giảng viên tham gia, nhất là đội ngũ giảng viên trẻ; cách thức tổ chức đi nghiên cứu thực tế địa phương khoa học, nề nếp, có chương trình, kế hoạch cụ thể; các địa phương, cơ sở đã tạo điều kiện tối đa cho giảng viên có không gian, môi trường tốt để làm việc, nghiên cứu.

Do vậy, chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học của giảng viên, chất lượng công tác quy hoạch cán bộ ngày được nâng cao hơn. Hầu hết các giảng viên sau khi đi thực tế trở về trường đã biết vận dụng những kinh nghiệm, kiến thức thực tế thu nhận được vào công tác giảng dạy, nghiên cứu, bổ sung nhiều chất liệu thực tiễn có giá trị, làm sinh động các bài giảng. Đồng chí Phạm Thị Tuân, giảng viên khoa Lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho biết: “Đối với giảng viên trẻ việc tích lũy kiến thức, kết nối với thực tiễn thông qua hoạt động đi biệt phái tại cơ sở là điều hết sức cần thiết và quan trọng.

Tặng hoa cho các giảng viên tham dự Hội thi giảng viên giỏi
Tặng hoa cho các giảng viên tham dự Hội thi giảng viên dạy giỏi năm 2016.

Làm việc với cơ sở giúp bản thân mở rộng phông kiến thức thực tiễn, nắm bắt những vấn đề của cuộc sống, tìm hiểu diễn biến của thực tiễn để phục vụ cho công tác giảng dạy”.

Còn với Nguyễn Thị Thu Sa, giảng viên khoa Dân vận: “ Hơn 1 năm làm việc tại Huyện ủy Hưng Nguyên là quãng thời gian quý giá. Ở đây, tôi được đi sâu, thâm nhập cơ sở, được quan sát, cùng với việc với cán bộ cơ sở, nắm rõ những chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước được triển khai ở cơ sở như thế nào, việc thực hiện có khó khăn, bất cập gì; những điều mà người dân mong đợi từ Nhà nước. Tôi học được cách nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện, những điều nên làm, cần làm khi giảng dạy để truyền đạt những kiến thức phù hợp, để thuyết phục học viên, nhất là học viên làm việc tại cơ sở”. 

Tuy nhiên, hiệu quả nghiên cứu thực tế của các giảng viên chưa được tổng kết, đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện; đa số các giảng viên chưa nhận thức rõ và xác định đúng trách nhiệm, nghĩa vụ đi nghiên cứu thực tế của bản thân; có biểu hiện né tránh, đùn đẩy, trì hoãn nhiệm vụ đi thực tế cơ sở.

Đa số giảng viên chọn địa bàn gần trường để thuận tiện cho việc đi lại, kết hợp giảng dạy thêm; một số khoa, phòng phân công giảng dạy tương đối nhiều cho giảng viên trong thời gian đi nghiên cứu thực tế; công tác phối hợp nắm bắt thông tin thường xuyên của giảng viên trong quá trình thực tế chưa được quan tâm đúng mức. Chưa xây dựng được chế độ, chính sách thực sự có tác dụng động viên, khuyến khích đi nghiên cứu thực tế dài hạn tại cơ sở. Nhà trường, khoa thiếu công tác định hướng cho giảng viên, nhất là đối với giảng viên trẻ, cho nên giảng viên được phân công đi thực tế lúng túng cả cách chọn lựa đề tài, đơn vị cơ sở, các thủ tục giấy tờ có liên quan. Hiệu quả của hoạt động đi thực tế còn lệ thuộc khá nhiều vào mối quan hệ của người đi thực tế với thủ trưởng đơn vị cơ sở. 

Với mục tiêu xây dựng và phát triển Trường Chính trị tỉnh vững mạnh toàn diện, trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trung tâm nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn có uy tín của khu vực Bắc Trung bộ, thì việc tiếp tục đưa giảng viên đi thực tế phải được xem là một khâu không thể thiếu trong công tác cán bộ của nhà trường. Công tác này cần được Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường, lãnh đạo các phòng, khoa nghiên cứu, rà soát, tổng kết, đánh giá và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp.

Đồng chí Nguyễn Hồ Cảnh - Phó Hiệu trưởng Nhà trường khẳng định: "Tới đây, đơn vị sẽ xây dựng Đề án “Đưa giảng viên Trường Chính trị tỉnh Nghệ An đi thực tế cơ sở trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 - 2021”, đồng thời xây dựng cơ chế tạo động lực đưa giảng viên nghiên cứu thực tế, làm căn cứ để triển khai hoạt động đào tạo, nâng cao chất lượng giảng viên nhà trường, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Việc đưa giảng viên đi thực tế gắn với công tác cán bộ, bổ nhiệm lại cán bộ lãnh đạo, quản lý và công tác thi đua, khen thưởng hàng năm".

"Xây dựng quy chế phối hợp giữa nhà trường và các cơ quan, đơn vị nơi nghiên cứu thực tế; lựa chọn địa bàn đa dạng để đưa giảng viên đi thực tế đảm bảo tính nghiên cứu toàn diện: vùng đô thị, nông thôn, đồng bằng, miền núi; đơn vị xuất sắc, trung bình, yếu để giúp giảng viên nhận diện đầy đủ về mọi vùng miền, ở các mức độ khác nhau để có những tư liệu thực tiễn phong phú phục vụ cho công tác giảng dạy..." - Phó Hiệu trưởng Nguyễn Hồ Cảnh cho hay.

Như vậy, nghiên cứu thực tế là một nhiệm vụ quan trọng mang tính khách quan, cấp thiết đối với Trường Chính trị tỉnh Nghệ An, nhằm góp phần xây dựng đội ngũ giảng viên vững vàng về lý luận, phong phú về kiến thức thực tiễn, thông thạo về kỹ năng, góp phần tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác giảng dạy, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới; góp phần củng cố hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu do Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra.

Th.s Trần Duy Rô Nin

(Trường Chính trị tỉnh)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới