Cơ hội và thách thức với Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4

(Baonghean.vn)-  Đây là một trong những nội dung trong tâm được thông tin tại Hội nghị báo cáo viên trực tuyến tháng 12/2016 với 63 điểm cầu trong cả nước do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức sáng 8/12.

Dự hội nghị có đồng chí Lâm Phương Thanh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. Tại điểm cầu Nghệ An có đồng chí Hồ Phúc Hợp - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

Đồng chí Hồ Phúc Hợp - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì tại Nghệ An ở Nghệ An.
Đồng chí Hồ Phúc Hợp - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì tại điểm cầu Nghệ An.

Hội nghị được nghe TS Nguyễn Thắng, Giám đốc Trung tâm Phân tích và dự báo, Viện Hàn Lâm khoa học xã hội Việt Nam thông tin về: Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Cơ hội và nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam trong thời gian tới.

Đây là vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia và các nhà khoa học trên thế giới. Bởi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư được dự báo sẽ làm thay đổi mạnh mẽ mọi mặt của đời sống của loài người hiện đại, đặc biệt là phát triển kinh tế.

Đối với Việt Nam, cuộc cách mạng này tạo cơ hội trong phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức. Đây là điều kiện để Việt Nam tiếp thu ứng dụng những tiến bộ, thành tựu công nghệ của nhân loại để nâng cao năng suất, hiệu quả trong tất cả các khâu, đặc biệt là phát triển kinh tế.

"Đây là cơ hội để nhiều ngành kinh tế phát triển hơn  và phát triển những ngành mới thông qua mở rộng, ứng dụng những tiến bộ, thành tựu về CNTT; đồng thời cũng là cơ hội để Việt Nam đuổi kịp các nước trong kỷ nguyên số,…", Tiến sỹ Nguyễn Thắng cho biết.

Công nghệ thông tin
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ mở rộng ứng dụng các thành tựu của công nghệ thông tin. Ảnh minh họa

Các thành tựu CNTT sẽ thay thế con người trong nhiều công đoạn nên việc làm sẽ khó khăn hơn. Theo xu thế phát triển của kinh tế trí thức, nguồn nhân lực có chuyên môn giỏi, có năng lực sáng tạo là lợi thế. Đây là thách thức lớn nhất đối với Việt Nam khi 44% lao động hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bên cạnh đó, các nước công nghiệp mới nổi và nhiều nước đang phát triển đều cạnh tranh quyết liệt, tìm cách thu hút, hợp tác đầu tư, nhanh chóng ứng dụng những thành tựu của KHCN từ cuộc cách mạng lần thứ tư để giành lợi thế phát triển. 

Tại hội nghị, các báo cáo viên được chuyên gia kinh tế,  TS Nguyễn Minh Phong thông tin về tổng quan tình hình kinh tế - xã hội của cả nước năm 2016; nhiệm vụ đặt ra năm 2017.

Sau khi nghe các thông tin chuyên đề, đồng chí Lâm Phương Thanh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương định hướng nội dung công tác tuyên truyền trong thời gian tới với các báo cáo viên.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Các báo cáo viên cần tích cực tuyên truyền về nội dung Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đi vào cuộc sống; Kết quả kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. Tuyên truyền định hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và nhà nước năm 2017 để các tầng lớp nhân dân hiểu, tạo sự đồng thuận cao trong toàn Đảng và toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của cả nước năm 2017.
Các đại biểu tại điểm cầu Nghệ An theo dõi hội nghị.
Các đại biểu tại điểm cầu Nghệ An theo dõi hội nghị.

Đồng chí Lâm Phương Thanh cũng lưu ý, các báo cáo viên cần tuyên truyền định hướng tư tưởng về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tích cực tuyên truyền hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước; Tuyên truyền có định hướng chủ trương của Đảng và Nhà nước về các vấn đề đang được dư luận quan tâm như: phát triển rừng, dừng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung.

Đồng thời, tuyên truyền, đấu tranh với các thông tin thất thiệt trên mạng xã hội của các thế lực thù địch nhằm gây rối, phá hoại chế độ; qua đó để cảnh giác, đấu tranh với các luận điệu của thế lực thù địch. Quan tâm tuyên truyền vui xuân, đón Tết lành mạnh, tiết kiệm và thúc đẩy sản xuất,…

Thanh Lê

Tin mới