Sớm hình thành các liên hiệp sản xuất trong nông nghiệp

(Baonghean) - Vừa qua, đoàn công tác của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam làm việc tại tỉnh Nghệ An với nội dung trọng tâm là phát triển khu vực kinh tế hợp tác xã. Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với đồng chí Lê Phúc Ân - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh về nội dung này. 

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân thăm HTX nông nghiệp cây ăn quả 1/5, huyện Nghĩa Đàn.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân thăm HTX nông nghiệp cây ăn quả 1/5, huyện Nghĩa Đàn.

P.V: Trong quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, vai trò của các HTX hết sức quan trọng. Xin đồng chí cho biết, kết quả phát triển HTX, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp ở tỉnh ta hiện nay?

Đồng chí Lê Phúc Ân: Trong những năm qua, kinh tế hợp tác nói chung, HTX nông nghiệp nói riêng ở tỉnh Nghệ An đã có bước phát triển cả về số lượng, chất lượng, quy mô và hình thức hoạt động. Toàn tỉnh hiện có 2.906 tổ hợp tác với trên 36 ngàn lao động tham gia, hoạt động đa dạng, chủ yếu trong các lĩnh vực: tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ, dịch vụ nông nghiệp, dịch vụ nghề cá và thủy sản. Thu nhập của lao động trong các tổ hợp tác đạt từ 2,5 - 3 triệu đồng/tháng.

Nghệ An có 650 HTX với tổng số thành viên HTX là 265.732 và hơn 52.000 lao động làm việc thường xuyên. Trong đó, toàn tỉnh có 408 HTX nông nghiệp và đã chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012 là 348 HTX, chưa tổ chức lại là 60 HTX, các HTX nông nghiệp chủ yếu thực hiện các khâu dịch vụ như: Thủy nông, cung ứng vật tư, giống cây trồng, bảo vệ thực vật, thú y,...

Ngoài ra, một số HTX mở rộng thêm ngành nghề như dịch vụ môi trường, cung ứng cây giống cho trồng rừng, cung cấp sản xuất phân bón, chế biến nông, lâm sản, tín dụng nội bộ... Thực tế, hoạt động của các HTX trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả, tổ chức liên kết kinh tế hộ cá thể, sản xuất nhỏ, manh mún đi lên sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn, tạo sức cạnh tranh hàng hóa; đồng thời làm tốt dịch vụ đầu vào, hướng dẫn thành viên, nông dân tiếp tục tiếp thu chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp.

Đặc biệt, các HTX đã đóng vai trò tích cực trong xây dựng NTM. Qua thống kê tại các xã đạt chuẩn nông thôn mới có nhiều HTX hoạt động đạt hiệu quả cao. Tiêu biểu là HTX nông nghiệp Nghi Lâm, xã Nghi Lâm (Nghi Lộc); HTX nuôi trồng thủy sản Lộc Thủy, xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu); HTX dịch vụ nông nghiệp Lam Cầu tại xã Quỳnh Thạch (Quỳnh Lưu), HTX dịch vụ nông nghiệp Văn Sơn, xã Văn Sơn (Đô Lương)… Các HTX này đã có sự liên kết với doanh nghiệp để cung ứng dịch vụ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra hiệu quả.

P.V: Làm việc với tỉnh, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh tiêu chí tất cả các xã đều phải có HTX nông nghiệp kiểu mới; đi đôi với đó là rà soát và có giải pháp nâng tỷ lệ người nông dân tham gia vào HTX để đảm bảo hiệu quả hoạt động. Vậy tình hình thực tế ở Nghệ An như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Lê Phúc Ân: Mặc dù có số lượng HTX tương đối lớn, tuy nhiên trên địa bàn tỉnh vẫn còn 129 xã, phường, thị trấn chưa có HTX. Việc tổ chức lại hoạt động HTX nông nghiệp theo Luật HTX năm 2012 chưa đảm bảo theo kế hoạch là trước 30/6/2016.

Đến nay, toàn tỉnh mới chỉ có 66% trong tổng số 555 HTX phải chuyển đổi đã thực hiện chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012. Đối với các HTX nông nghiệp, chất lượng dịch vụ chưa cao, chưa cạnh tranh được trong cơ chế thị trường, hiệu quả kinh tế còn thấp. Một số hợp tác xã hoạt động theo Luật HTX năm 2012 chưa thực sự đổi mới về nội dung, phương thức. Nguyên nhân chủ yếu do một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến hoạt động của HTX nông nghiệp trên địa bàn. Trên toàn tỉnh, mới chỉ có 191/650 HTX được thuê đất làm trụ sở. Đặc biệt, việc tiếp cận nguồn vốn vay đối với các HTX rất khó khăn, theo thống kê của chúng tôi, hiện nay, toàn tỉnh mới chỉ có 22 HTX được tiếp cận vốn vay của ngân hàng thương mại với dư nợ chỉ chiếm 0,2% dư nợ của hệ thống ngân hàng. 

P.V: Năm 2017, tỉnh xác định là năm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực kinh tế hợp tác. Vậy Liên minh HTX tỉnh sẽ triển khai các giải pháp nào cho mục tiêu này, thưa đồng chí?

Đồng chí Lê Phúc Ân: Xác định phát triển HTX nói chung, đặc biệt là các HTX kiểu mới trong nông nghiệp là khâu đột phát để cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và nâng cao thu nhập một cách bền vững cho nông dân, chúng tôi tập trung hỗ trợ thực hiện “5 sẵn sàng” cho bà con nông dân như đồng chí Nguyễn Thiện Nhân chỉ ra trong chuyến làm việc vừa qua.

Đó là, mỗi xã phải có ít nhất 10 hộ nông dân hiểu về kinh tế hợp tác và sẵn sàng tham gia kinh tế hợp tác; phải có 3/10 người trong đó được bồi dưỡng để làm lãnh đạo, quản lý hợp tác xã; phải bàn bạc với nhau để xác định sản phẩm chủ lực của HTX và biết được đơn vị giúp đỡ về kỹ thuật; sẵn sàng về phương thức tiêu thụ sản phẩm; phải biết chính sách hỗ trợ vốn.

Sản xuất tại HTX chế biến nứa lùng Quế Sơn (Quế Phong).
Sản xuất tại HTX chế biến nứa lùng Quế Sơn (Quế Phong).

Đi vào giải pháp cụ thể, Liên minh HTX tỉnh tập trung tuyên truyền sâu rộng về Luật HTX năm 2012, trong đó nhấn mạnh vai trò của HTX kiểu mới đối với việc nâng cao hiệu quả sản xuất của các hộ sản xuất, kinh doanh cá thể và lo đầu ra cho sản phẩm cho các thành viên HTX; đồng thời tổ chức giới thiệu các mô hình HTX kiểu mới sản xuất kinh doanh thực sự có hiệu quả để nhân dân tự tin, chủ động tự liên kết hình thành các HTX kiểu mới; đồng thời tổ chức tuyên dương, khen thưởng kịp thời các HTX kiểu mới hoạt động có hiệu quả cao để hình thành phong trào xây dựng HTX kiểu mới và liên hiệp HTX.

Bên cạnh đó, chúng tôi quan tâm đẩy mạnh công tác tư vấn, huấn luyện, đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý các HTX; cùng với đó chủ động rà soát, tham mưu ban hành các cơ chế chính như: sớm thành lập Quỹ hỗ trợ HTX, chính sách tiếp cận nguồn vốn… để tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế hợp tác và HTX phát triển; phối hợp xây dựng, kết nối để hình thành các liên hiệp HTX, liên kết với các doanh nghiệp để làm mục tiêu cung cấp các dịch vụ đầu vào với chi phí rẻ nhất, chất lượng cao nhất và tạo đầu ra ổn định, giá cả cao nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động các HTX.

Hiện nay, Liên minh HTX tỉnh đang thực hiện các bước nhằm xây dựng 1 - 2 liên hiệp sản xuất, tiêu thụ nông sản trong năm 2017. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX, nhất là các HTX nông nghiệp thì bản thân Liên minh HTX tỉnh xác định phải chủ động phối hợp với MTTQ và các thành viên của MTTQ các cấp và các ngành liên quan, UBND các huyện, thành, thị xây dựng các chính sách; phối hợp trong việc xây dựng và thực hiện các chỉ tiêu thành lập HTX trong toàn tỉnh. Qua đó, cụ thể hóa chỉ tiêu thành lập đối với mỗi địa phương nhằm đẩy mạnh thành lập các HTX và tỷ lệ tham gia HTX của người dân.

Hiện nay, Sở NN&PTNT đang chủ trì và Liên minh HTX tỉnh cũng là thành viên tham gia xây dựng đề án xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển các thành phần kinh tế, làng nghề, làng có nghề, mô hình kinh tế chất lượng cao nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Đề án này dự kiến trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua trong thời gian tới.

Khi được thông qua, đề án này là cơ sở quan trọng để thúc đẩy việc xây dựng nông thôn mới trên cơ sở chú trọng phát triển sản xuất, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, phát triển kinh tế hợp tác, kinh tế hộ, phát triển làng nghề, làng có nghề gắn với bảo vệ môi trường, tiếp tục xây dựng các mô hình kinh tế áp dụng công nghệ cao có hiệu quả, để thu hút lao động và tạo việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Mặt khác, chúng tôi cũng tham mưu để tiếp tục nâng cao hoạt động của Ban Chỉ đạo kinh tế hợp tác tỉnh. Với các giải pháp tổng thể trên phấn đấu xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh điển hình trong phát triển kinh tế hợp tác và xây dựng nông thôn mới như lời đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh trong cuộc làm việc vừa qua tại tỉnh.

P.V:  Cảm ơn đồng chí!

Thành Duy

(Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới