Quỳ Hợp: Xóa quy mô manh mún, hướng tới nền sản xuất lớn

(Baonghean) - Xóa quy mô manh mún, hướng tới nền sản xuất lớn! - Đó là yêu cầu và nhiệm vụ phát triển trước mắt và lâu dài đối với huyện Quỳ Hợp, được chỉ ra trong buổi làm việc của đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và đoàn công tác với lãnh đạo huyện này vào ngày 16/3 vừa qua.

Vùng tiềm năng đối mặt thách thức

Từ năm 2013 đến nay, UBND tỉnh mới có cuộc làm việc toàn diện về các vấn đề kinh tế - xã hội của huyện Quỳ Hợp, tuy vậy, không khí làm việc không tránh khỏi những ám ảnh về sự cố vỡ đập chứa chất thải, bùn đất của Xí nghiệp thiếc Suối Bắc thuộc Công ty cổ phần Kim loại màu Nghệ Tĩnh xảy ra một tuần trước đó, vào sáng 9/3. Có lẽ, sự cố môi trường gây chấn động dư luận này cũng là một trong những nguyên do để các thành viên trong đoàn công tác của tỉnh có dịp đánh giá một cách thẳng thắn về những điểm mạnh, những tồn tại, hạn chế của vùng đất giàu tiềm năng này.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường thăm sản phẩm bột đá trắng siêu mịn tại cơ sở chế biến của Công ty CP KS&TM Trung Hải – Nghệ An. Ảnh: Ngô Kiên
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường thăm sản phẩm bột đá trắng siêu mịn tại cơ sở chế biến của Công ty CP KS&TM Trung Hải – Nghệ An. Ảnh: Ngô Kiên

“Quỳ Hợp giàu có về tiềm năng. Không chỉ mặt đất có đất đai màu mỡ, mà trong lòng đất chứa nhiều tài nguyên khoáng sản có giá trị như thiếc; không chỉ đất rừng thuận lợi trồng cây lâm sản và chăn nuôi đại gia súc, mà trong lòng núi rừng có nguồn đá trắng, đá mỹ nghệ có giá trị và trữ lượng đứng vào hàng bậc nhất Việt Nam” - đó là đánh giá gợi mở của Chủ tịch UBND tỉnh khi chủ trì điều hành buổi làm việc với lãnh đạo huyện Quỳ Hợp.

Nội dung này tiếp tục được lãnh đạo các sở, ngành cấp tỉnh phân tích, làm rõ. Là huyện có vị trí nằm trong cực tăng trưởng của vùng Tây Bắc Nghệ An, Quỳ Hợp có những điểm mạnh cơ bản như: huyện có diện tích tự nhiên lớn thứ 7 của tỉnh, với tổng diện tích tự nhiên 94.172,8 ha; trên 3 ngàn ha đất đỏ bazan phù hợp cho trồng cây ăn quả, đặc biệt là cam; 48.800 ha quy hoạch đất rừng sản xuất. Con người Quỳ Hợp có truyền thống văn hóa, lịch sử; doanh nghiệp Quỳ Hợp năng động, làm ăn tốt.

Ngoài diện tích lớn cây cao su “vang bóng một thời”, nay Quỳ Hợp đang dần khẳng định vị trí chủ lực của cây cam thu nhập cao với trên 1.640 ha. Trên địa bàn có 59 mỏ (13 mỏ thiếc, 29 mỏ đá trắng, 16 mỏ đá xây dựng và 1 mỏ nước khoáng), 148 xưởng chế biến khoáng sản đang hoạt động. Quỳ Hợp xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả. Bước đầu đưa vào ứng dụng một số mô hình kinh tế công nghệ cao có hướng đi phù hợp. 

Đến nay, có 227/477 doanh nghiệp dừng sản xuất hoặc giải thể, có trên 118 doanh nghiệp nợ đọng thuế do hàng tồn kho nhiều. Một số công trình trọng điểm thiếu vốn và thi công kéo dài, nợ xây dựng cơ bản đến 128 tỷ đồng. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng ở một số dự án khó khăn, vướng mắc kéo dài như dự án Bãi xử lý rác thải, Dự án Thủy lợi, Thủy điện Bản Mồng.


Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, vùng đất giàu tiềm năng này cũng đang đứng trước nhiều thách thức, có lúc rơi vào thế khó.

Tiềm năng là rất lớn, nhưng kết quả phát triển chưa tương xứng, thậm chí còn xa so với tiềm năng. Thời gian gần đây hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp suy giảm, sản lượng của một số sản phẩm chủ lực như đường, thiếc giảm.

Đồng chí Nguyễn Xuân Đường cùng đoàn công tác đi thăm vườn cam năng suất cao tại xã Minh Hợp (Quỳ Hợp).
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường cùng đoàn công tác đi thăm vườn cam năng suất cao tại xã Minh Hợp (Quỳ Hợp). Ảnh tư liệu

Hoạt động khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn xảy ra ở một số nơi. Tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn còn xảy ra, nhất là vụ vỡ đập chứa chất thải tại mỏ thiếc Suối Bắc, xã Châu Thành của Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh. Có 4/6 chỉ tiêu không đạt kế hoạch về y tế, giáo dục. Năm 2016 có đến 10/28 chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra.

Gỡ thế khó để phát triển xứng tầm

Tại cuộc làm việc giữa đoàn công tác của tỉnh với lãnh đạo huyện Quỳ Hợp do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì, trong nhiều vấn đề được nêu, có 4 vấn đề xuyên suốt được quan tâm là sự cần triết phải thay đổi quy mô sản xuất; định rõ hướng đi cho các sản phẩm chủ lực; tháo gỡ cơ chế để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động; làm tốt công tác quản lý nhà nước về khai thác và chế biến khoáng sản.

Ông Hồ Ngọc Bảo - Phó trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam cho rằng, muốn hạn chế tác động môi trường và quản lý tốt về khai thác khoáng sản, cần tập trung các cơ sở khai thác và chế biến, chế tác về trong các khu công nghiệp. Hiện tại, nhiều cơ sở khai thác và chế biến mỏ - khoáng sản của Quỳ Hợp vẫn trong tình trạng manh mún, sản xuất nhỏ, thiếu tập trung, phần lớn đang sản xuất thô, chế biến thô. Một số cơ sở nằm ở đầu nguồn nước, ở gần khu dân cư, khó kiểm soát về khai thác chui cũng như khó hạn chế tác động về môi trường. 

Đồng chí Nguyễn Xuân Đường chủ trì hội nghị. Ảnh Ngô Kiên.
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường chủ trì cuộc làm việc chiều ngày 16/3 tại huyện Quỳ Hợp. Ảnh tư liệu

Góp ý để nâng cao giá trị sản phẩm trên địa bàn, ông Nguyễn Huy Cương – Phó Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, tại Quỳ Hợp việc thu hút đầu tư để chế biến sản phẩm tinh còn hạn chế, chủ yếu vẫn đang sản xuất thô, xuất khẩu thô, do đó giá trị thương phẩm của tài nguyên khoáng sản, nông - lâm - thổ sản chưa cao. Do đó, việc tập trung chế biến, sản xuất theo quy mô lớn, hiện đại là hết sức cần thiết để nâng cao giá trị sản phẩm, kể cả sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, sản phẩm nông nghiệp. Cần khuyến khích đầu tư công nghiệp chế biến; tập trung xây dựng khu công nghiệp mẫu để từ đó nhân rộng mô hình.

Về hướng đi của các cây, con chủ lực, đại diện lãnh đạo các sở NN & PTNT, KH&CN, Hội DN vừa và nhỏ Quỳ Hợp… đặc biệt nhấn mạnh đến tình hình “tăng trưởng nóng” của cây cam, sự cần thiết phải nâng cao hiệu quả kinh tế của cây ăn quả này. Một mặt cần tạo điều kiện cơ chế để chuyển diện tích rừng nghèo kiệt, rừng cao su không có hiệu quả kinh tế sang trồng cam, mặt khác cần quan tâm xây dựng thương hiệu, chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật để đảm bảo chất lượng nguồn gen và danh tiếng thương phẩm cam trên địa bàn. Bên cạnh đó, Quỳ Hợp cần có vùng sản xuất cây dược liệu có hiệu quả kinh tế cao.

Một hướng đi cần thiết của Quỳ Hợp được ông Nguyễn Trường Giang – Phó Giám đốc Sở Xây dựng chỉ ra là cần tăng cường phát triển, đầu tư xây dựng đô thị. Vùng thị trấn Quỳ Hợp và khu vực lân cận có mức sống bình quân tương đối cao, nhưng khai thác quỹ đất đô thị còn ít. Do đó, huyện Quỳ Hợp cần có khảo sát đánh giá và làm tốt công tác quy hoạch đô thị, khai thác tốt quỹ đất đô thị để phục vụ nhu cầu tăng trưởng, phát triển trên địa bàn. 

Cơ bản nhất trí với các ý kiến kiến nghị, đề xuất về các hướng đi để tháo gỡ “thế khó” cho Quỳ Hợp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường kết luận nhiều vấn đề quan trọng, trong đó nhấn mạnh trong thu hút đầu tư phải hết sức chú trọng đến quy mô và chất lượng công trình, dự án. Tập trung thu hút các dự án quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường.

Huyện cần nêu quyết tâm cao trong việc tìm kiếm, hợp tác với các doanh nghiệp có quy mô lớn, có thế mạnh và thương hiệu tốt để hướng đến sản xuất lớn, hiện đại, hiệu quả bền vững. Xóa bỏ tình trạng sản xuất manh mún, liên kết với doanh nghiệp năng lực yếu để lại hậu quả không tốt.

Có thể khẳng định, những khó khăn, hạn chế mà Quỳ Hợp đang mắc phải, có thể không chỉ là khó khăn riêng của huyện mà là tình hình chung của không ít địa phương để hướng tới chu trình phát triển mới. Kỳ vọng rằng, với những hướng tháo gỡ khó khăn đã xác định tương đối rõ, Quỳ Hợp sẽ sớm có những bước chuyển hướng đúng đắn, thành công, tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho vùng và góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh.

Kết luận tại cuộc làm việc giữa đoàn công tác của tỉnh với lãnh đạo huyện Quỳ Hợp ngày 16/3, Chủ tịch UBND tỉnh đã cho ý kiến một số vấn đề cụ thể: nhất trí tổ chức buổi làm việc để xác định hướng đi phù hợp cây cam; đồng ý kiến nghị thực hiện quy hoạch dự án trồng cây dược liệu; đồng ý chủ trương xem xét sửa đổi quyết định của UBND tỉnh liên quan đến thu thuế sản phẩm thiếc để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đồng ý chủ trương đề xuất điều chỉnh vị trí quy hoạch KCN Sông Dinh đến địa điểm phù hợp; tạo điều kiện để tăng 1 biên chế cho Phòng Tài nguyên và Môi trường của huyện Quỳ Hợp.

Ngô Kiên

TIN LIÊN QUAN

Tin mới