Vẫn còn công chức chậm việc, quên việc và tránh việc

(Baonghean) - Thực tế cho thấy, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính và trách nhiệm thực thi công vụ của công chức, viên chức ở một số cấp, ngành địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục, nhất là vai trò của người đứng đầu…

>>Chấn chỉnh lề lối làm việc, nâng cao đạo đức công vụ: Chuyển động từ cơ sở

Kiểm tra cải cách hành chính tại Sở Khoa học và Công nghệ. Ảnh: Thanh Lê
Kiểm tra cải cách hành chính tại Sở Khoa học và Công nghệ. Ảnh: Thanh Lê

Nghỉ việc đi... cổ vũ bóng đá

Năm 2016, xã Hưng Đạo (huyện Hưng Nguyên) là địa phương bị báo chí “bêu gương” về việc gần như toàn bộ cán bộ công chức, kể cả một số lãnh đạo vắng mặt trong giờ hành chính; lý do rời nhiệm sở là đi cổ vũ cho trận đấu giữa đội bóng của xã nhà với xã khác trong khuôn khổ giải bóng đá do huyện tổ chức. Ngay sau khi bị nhắc nhở, cấp ủy, chính quyền xã Hưng Đạo đã tổ chức kiểm điểm nghiêm túc tập thể, cá nhân liên quan, chấn chỉnh nề nếp, kỷ cương, tác phong lề lối làm việc.

Bà Lưu Thị Dung - cán bộ trực Đảng xã Hưng Đạo cho hay: “Đó cũng là bài học kinh nghiệm sâu sắc của cấp ủy, chính quyền trong quản lý, điều hành, giám sát cán bộ công chức và vai trò nêu gương của cán bộ lãnh đạo”.

Thực tế những câu chuyện như ở xã Hưng Đạo không phải là hiếm. Qua kiểm tra đột xuất việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính theo Chỉ thị 17 của BTV Tỉnh ủy, Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ nhất là ở cấp xã, phường, các đoàn kiểm tra của tỉnh và các địa phương cũng đã chỉ ra cụ thể những vi phạm liên quan đến tình trạng cán bộ công chức đi muộn, về sớm, vắng mặt ở công sở không lý do, làm việc riêng trong giờ hành chính, không đeo thẻ, hút thuốc lá trong giờ làm việc...

Đồng chí Lê Đình Lý - Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: “Ngay những ngày đầu làm việc sau kỳ nghỉ Tết Đinh Dậu 2017, Đoàn kiểm tra liên ngành việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của tỉnh đã tiến hành kiểm tra đột xuất nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thì các vấn đề nêu trên vẫn còn tồn tại”.  Một thành viên đoàn kiểm tra còn tiết lộ “có đơn vị tại thời điểm đoàn đến kiểm tra ở trụ sở không có một bóng người vì ngày hôm đó có đám cưới con Chủ tịch UBND thị trấn…”.

Tại Diễn Châu, mặc dù thời gian qua, huyện đã triển khai nhiều giải pháp chỉ đạo quyết liệt để chấn chỉnh nhưng tình trạng công chức vi phạm kỷ cương hành chính, văn hóa công sở vẫn còn. Đầu năm 2017, UBND huyện Diễn Châu đã ban hành quyết định kỷ luật một công chức xã Diễn Hạnh và đang thực hiện quy trình kỷ luật với công chức của xã Diễn Minh vì vi phạm giờ giấc làm việc.

 Kiêm t aviệc thực hiện Chỉ thị 17UBND huyện Diễn Châu
Kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị 17UBND tại huyện Diễn Châu, ảnh tư liệu

Tại huyện Nam Đàn, ngày 22/2, đoàn công tác do huyện thành lập kiểm tra đột xuất tại trụ sở UBND xã Nam Thượng, mặc dù mới chỉ 10 giờ sáng, nhưng tại trụ sở xã này chỉ còn lại 11/21 cán bộ chuyên trách, công chức có mặt; trong số 10/21 cán bộ chuyên trách, công chức vắng mặt có 2 người vắng không có lý do. Theo kết luận của đoàn kiểm tra thì Thường trực Đảng ủy, Thường trực HĐND và UBND xã Nam Thượng đã không thực hiện theo đúng lịch công tác đã xây dựng.

Một số đồng chí vắng mặt khi kiểm tra viện dẫn lý do đi công tác nhưng không theo lịch của UBND xã  và cũng không báo cáo với lãnh đạo xã. Việc này thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền xã Nam Thượng trong thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 17/CT-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An không nghiêm túc. Ngay sau khi kiểm tra, UBND huyện Nam Đàn đã giao Phòng Nội vụ chỉ đạo UBND xã Nam Thượng kiểm điểm nghiêm túc tập thể và các cá nhân có vi phạm. Trước đó, UBND huyện Nam Đàn cũng đã khiển trách 4 công chức của xã Nam Lĩnh vi phạm giờ giấc hành chính (vắng mặt không có lý do, bỏ về sớm trước giờ làm việc). 

Đồng chí Nguyễn Như Khôi - Phó phòng Nội vụ huyện Nam Đàn cho hay: Bên cạnh vi phạm kỷ cương hành chính, một số cán bộ, công chức còn vi phạm đạo đức công vụ hoặc không hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao, để xảy ra sai phạm trong thực thi công vụ, trong quản lý điều hành trong đó có trách nhiệm người đứng đầu một số địa phương. Điển hình như tại xã Xuân Lâm do vi phạm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi ruộng đất, đồng chí Chủ tịch UBND xã bị kỷ luật hình thức cảnh cáo, luân chuyển sang làm Chủ tịch Hội Nông dân xã. Tại xã Nam Cát một đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã bị cắt chức do đánh bạc. Tại  xã Nam Tân, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND bị khiển trách do để xảy ra sai phạm trong quy trình xác thực thủ tục khai sinh; Phó Chủ tịch UBND xã và Trưởng Công an xã đều bị cách chức do không trung thực trong thực hiện chính sách KHHGĐ… gây ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào cấp ủy, chính quyền.

Giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm một cửa của Chi cục Thuế thành phố Vinh. Ảnh: Khánh Ly
Giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm một cửa của Chi cục Thuế thành phố Vinh. Ảnh: Khánh Ly

Chậm việc, quên việc, tránh việc

Gắn với việc kiểm tra việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, hàng năm, Thanh tra tỉnh cũng đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức thanh tra trách nhiệm gắn với thanh tra công vụ. Kết quả cho thấy vẫn còn nhiều cán bộ, công chức giải quyết các nhiệm vụ được giao chậm thời gian, chưa làm tròn trách nhiệm trong thực thi công vụ.

Từ năm 2012 đến nay, toàn ngành Thanh tra tỉnh Nghệ An đã thực hiện  545 cuộc thanh tra trách nhiệm gắn với thanh tra công vụ tại 1.118 đơn vị, phát hiện 236 đơn vị có vi phạm, kiến nghị kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với 432 tổ chức và 1.458 cá nhân, kiến nghị xử lý hành chính 29 tổ chức và cá nhân có vi phạm trong thực thi nhiệm vụ công vụ.

Riêng  năm 2016, thực hiện 85 cuộc thanh tra công vụ, thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng tại 448 đơn vị. Qua đó,  phát hiện 49 đơn vị có vi phạm; kiến nghị kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với 39 tập thể và 223 cá nhân; kiến nghị xử lý hành chính 19 tập thể và 2 cá nhân có vi phạm trong thực thi nhiệm vụ công vụ (sai phạm chủ yếu là giải quyết các nhiệm vụ được giao chậm thời gian quy định).


Xuất phát từ tình hình thực tế, đồng chí Nguyễn Quang Tùng - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh đánh giá: “Hiện nay tình trạng cán bộ chậm việc, quên việc, tránh việc còn phổ biến. Rất nhiều văn bản, chủ trương của cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể, các ngành ban hành nhưng chưa đi vào cuộc sống”. Bên cạnh đó, là hiện tượng được người dân, doanh nghiệp phản ánh: Khi trực tiếp giao dịch thủ tục hành chính, cán bộ công chức hướng dẫn, giải thích công việc cho người dân một cách lòng vòng; khi cần bổ sung hồ sơ lại không hướng dẫn cụ thể, bắt người dân phải đi lại nhiều lần; nhiều cán bộ công chức có thái độ vòi vĩnh, ngâm hồ sơ nhằm vụ  lợi… 

Kết quả điều tra xã hội học thuộc đề tài nghiên cứu khoa học về chất lượng đội ngũ công chức hành chính nhà nước năm 2015 của lãnh đạo Sở Nội vụ Nghệ An cho thấy: Về số lần đi lại để giải quyết thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp, có 29,8% phải đi 1 lần; 67,8% phải đi 2 đến 3 lần; đặc biệt, có 8,4% phải đi lại trên 3 lần và 14,8% phải đi lại trên 4 lần. Về thái độ phục vụ: có 23,1% công chức được đánh giá ở mức trung bình; 1,5% được đánh giá ở mức không tốt.  Về đạo đức công vụ: có 86,1% ý kiến phản ánh công chức còn có hiện tượng gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu cho người dân và doanh nghiệp khi đến giao dịch tại các cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

Nguyên nhân là do một số cơ quan, đơn vị thiếu kiểm tra, đôn đốc thực hiện tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Công tác cải cách hành chính nhiều nơi chưa đạt yêu cầu; mới chỉ quan tâm cấm sử dụng bia, rượu, chấp hành giờ giấc hành chính chứ chưa chú trọng nâng cao chất lượng hiệu quả công tác, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị một số nơi còn thiếu gương mẫu nên vẫn còn tình trạng cán bộ, đảng viên chưa thực hiện nghiêm  việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Tấm biên nhác nho
Tấm biển nhắc nhở việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính. Ảnh tư liệu

Việc xử lý các trường hợp vi phạm có lúc, có nơi chưa quyết liệt, chủ yếu mới dừng lại nhắc nhở, phê bình; chỉ khi được nêu lên công luận mới bị xử lý bằng các hình thức kỷ luật. Bên cạnh đó, hoạt động thanh tra công vụ chỉ mới kiểm tra việc thực hiện đầu việc được giao của cán bộ công chức qua bộ TTHC xem quy trình, thời gian xử lý từ khâu tiếp nhận đến trả kết quả có đúng thời gian quy định không, chứ chưa  đánh giá được chất lượng công việc. Thực trạng trên  cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh hàng năm thường chỉ xếp hạng trung bình (năm 2013 thứ 46, năm 2014 thứ 28, năm 2015 thứ 32).

Trong năm 2016, các sở, ngành đã tiếp nhận 1.307.895 hồ sơ, trong đó giải quyết đúng hạn 1.305.418 hồ sơ, quá hạn 101 hồ sơ (chiếm 0.008%). Tại UBND cấp huyện đã tiếp nhận 329.953 hồ sơ, trong đó giải quyết đúng hạn 317.751 hồ sơ, quá hạn 1.453 hồ sơ (chiếm 0,44%). Tại UBND cấp xã đã tiếp nhận 1.502.042 hồ sơ, trong đó giải quyết đúng hạn 1.483.626 hồ sơ, quá hạn 701 hồ sơ (chiếm 0,05%).


Những tồn tại, hạn chế trên  ảnh hưởng đến kỷ luật, kỷ cương nền hành chính, ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân và doanh nghiệp, tác động xấu đến kỷ cương xã hội, cần được kiểm điểm nghiêm khắc và khẩn trương khắc phục ở tất cả các cấp, các ngành, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu.

(còn nữa)

Khánh Ly - Thanh Lê

TIN LIÊN QUAN

Tin mới