Đào tạo nghề cần sát với yêu cầu thực tế

(Baonghean) - Trao đổi với Báo Nghệ An, ông Đặng Cao Thắng - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nhấn mạnh, để thực sự hiệu quả, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần phải sát với yêu cầu của thực tế.

Nghề mộc góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn. Ảnh: Thanh Lê
Nghề mộc góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn. Ảnh: Thanh Lê

P.V: Thời gian qua công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của Nghệ An đạt được một số kết quả bước đầu, song cũng gặp không ít khó khăn. Đồng chí có thể cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?

Đồng chí Đặng Cao Thắng: Giai đoạn 2012 - 2016, toàn tỉnh đã tổ chức tuyển sinh đào tạo nghề cho 404.562 người. Trong đó, số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo Quyết định số 1956/QĐ-TT của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn là 41.654 người. Đặc biệt, sau khi học nghề, số lao động nông thôn có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn đạt tỷ lệ 74,1%. 

Mặc dù chất lượng đào tạo được đánh giá khá tốt nhưng những bất cập ở cả hai yếu tố gồm cơ cấu nghề và số lượng người học chưa sát với nhu cầu thực tế của địa phương, dẫn tới tình trạng nơi thiếu thì vẫn thiếu, nơi thừa thì vẫn thừa. Nhiều lao động mặc dù đã qua đào tạo nhưng vẫn khó tìm được việc làm ổn định. Hoặc nhiều nghề chỉ duy trì được thời gian đầu, sau đó lao động dễ bị mất việc làm hoặc phải chuyển nghề do thị trường có nhiều biến động. Ví như, theo khảo sát của chúng tôi, tại xã Phúc Thành (Yên Thành), trong số 6.000 người dân trong độ tuổi lao động cũng chỉ có trên 10% có việc làm ổn định tại các làng nghề. Số còn lại phải đi làm tự do, đi làm ăn xa.

Cùng với đó, cơ sở vật chất phục vụ dạy và học nghề còn thiếu, nghèo nàn và lạc hậu; kinh phí đào tạo nghề còn hạn chế; việc xác định danh mục ngành nghề đào tạo hàng năm còn dàn trải. Công tác đào tạo nghề cho khu vực nông thôn chủ yếu dựa trên nhu cầu học nghề của lao động, mà chưa gắn được với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Thêm vào đó là tâm lý học nghề của người dân còn chưa tích cực, quyết liệt; các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn còn quá ít... Vì thế, tìm hướng đi bền vững trong đào tạo tại các cơ sở nghề, địa phương đang là một bài toán khó.

P.V: Tại hội nghị toàn quốc về đào tạo nghề cho lao động nông thôn vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH đã đặt dấu hỏi có hay không tình trạng “đánh trống ghi tên” khi một xã mà có 600 lao động đăng ký học nghề hoạn lợn, một xã có vài chục người đăng ký học nghề sửa chữa xe máy. Rõ ràng, khoảng cách giữa đào tạo và thực tiễn còn khá xa. Dư luận cho rằng, với phương thức đào tạo nghề nông thôn như hiện nay, khó có thể nói đến việc thay đổi chất lượng lao động, nếu không muốn nói là lãng phí?

Đồng chí Đặng Cao Thắng: Chúng tôi thừa nhận thời gian đầu triển khai Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hiện tượng đào tạo nghề ồ ạt, theo phong trào là có; theo kiểu “gặp gì đào tạo nấy” mà không đánh giá được có thực sự phù hợp với tình hình địa phương, khả năng tìm được việc làm phù hợp với nghề của người lao động. 

Bên cạnh đó, còn có một sự lãng phí trong cơ sở hạ tầng của các trường nghề. Nhiều lớp thuộc ngành nông nghiệp như trồng trọt, bảo vệ thực vật, chăn nuôi thú y thì phải xuống mượn hội trường của các thôn, bản hoặc nhà dân để dạy, bởi nghề nông nghiệp dân không chịu lên trung tâm học vì xa quá nên phải mở lớp ngay tại thôn, bản, bà con mới học, trong khi các cơ sở nghề được đầu tư với kinh phí lớn lại không phát huy được hiệu quả.

Chủ trương của Chính phủ trong giai đoạn 2016 - 2020 là không tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn khi chưa dự báo được nơi làm việc, mức thu nhập của việc làm sau học nghề. Đây là chủ trương đúng đắn để chấm dứt tình trạng học nghề theo phong trào, chạy theo số lượng như trước đây; tạo thay đổi về nhận thức của người dân, từ chỗ tham gia học nghề với mục tiêu xóa đói, giảm nghèo chuyển sang nắm bắt khoa học và kỹ năng để nâng cao đời sống và thu nhập.

Nghề làm hương. Ảnh: Thanh Lê
Nghề làm hương. Ảnh: Thanh Lê

P.V: Số liệu thống kê cho thấy hiện nay là công tác đào tạo nghề chỉ thu hút 25% lao động trẻ, từ 18 - 35 tuổi, ở nông thôn tham gia. Điều này cho thấy lao động nông thôn chưa mặn mà mấy với công tác đào tạo nghề. Đồng chí có thể cho biết nguyên nhân?

Đồng chí Đặng Cao Thắng: Nguyên nhân dẫn đến việc lao động trẻ tuổi ít tham gia vào các khóa đào tạo nghề ở nông thôn, là do một bộ phận lao động trẻ ở nông thôn tham gia đào tạo ở chương trình chính quy như trình độ trung cấp, cao đẳng. Hàng năm, tỷ lệ tuyển sinh ở các trường trung cấp, cao đẳng thường có 70-80% học viên thuộc khu vực nông thôn. Có nguyên nhân nữa là các em đi làm ở các khu công nghiệp, khu chế xuất trong khi chưa qua đào tạo hoặc đi làm ở các địa phương khác. Nhiều em chưa thấy học nghề là cần thiết về lập thân, lập nghiệp, chưa tin tưởng vào chất lượng đào tạo nghề, chưa có thông tin thực sự để biết được về chính sách của Nhà nước về công tác đào tạo nghề, cho nên chưa mặn mà tham gia công tác đào tạo nghề. 

P.V: Vậy, theo đồng chí cần có giải pháp gì, chế độ chính sách như thế nào để thay đổi nhận thức của lao động nông thôn về học nghề?

Đồng chí Đặng Cao Thắng: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước và được sự quan tâm đồng tình của bà con nông dân. Đây là công việc khó trong quá trình triển khai, cần có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các ngành liên quan và các địa phương.

Theo tôi, có một số vấn đề đặt ra ở đây là cần có sự phân công, phân cấp cho rõ ràng. Chúng ta cần có kế hoạch đào tạo nghề sát với yêu cầu thực tế, đặc biệt là khâu khảo sát nhu cầu đào tạo nghề, danh mục ngành nghề đào tạo và xây dựng được định mức chi phí đào tạo hợp lý cho các ngành nghề, đảm bảo các ngành nghề đào tạo ra đáp ứng được yêu cầu về chất lượng. 

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn để lao động nông thôn xác định rõ học nghề nào thực sự phù hợp, hiệu quả, gắn với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đồng thời gắn với các nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động. Mặt khác, cần tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát và đẩy mạnh chính sách hỗ trợ sau học nghề cho lao động nông thôn. 

Giai đoạn 2016 - 2020, đào tạo nghề cho lao động nông thôn được đưa vào thành phần trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới với mục tiêu là đào tạo nghề cho 5,5 triệu lao động nông thôn; sau đào tạo, ít nhất 80% học viên sẽ có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ với năng suất và thu nhập cao hơn. Điều đó đòi hỏi chúng ta cần có chiến lược và hướng đi bền vững để giúp người dân hiểu được giá trị của học nghề và làm nghề. Và, nếu thực hiện được như vậy thì mục tiêu đề ra của tỉnh đến năm 2020 sẽ có 50 - 70% lao động nông thôn đã qua đào tạo là không khó.

P.V: Cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi!

Thanh Lê

(Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới