Khó trong tạo nguồn cán bộ thôn xóm

(Baonghean) - Năm 2017, chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở sẽ tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2017 - 2020, đồng thời các thôn, xóm cũng tổ chức bầu xóm trưởng. Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với ông Lê Huy Khoa - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hưng Đạo (Hưng Nguyên) về những khó khăn trong tạo nguồn cán bộ ở thôn, xóm.
P.V: Năm nay, các chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2017 - 2020. Về phía Đảng ủy xã đã hướng dẫn, chỉ đạo công tác chuẩn bị đại hội như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Huy Khoa: Đảng bộ xã Hưng Đạo hiện có 18 chi bộ với tổng số 426 đảng viên, trong đó có 14 chi bộ nông thôn. Để chuẩn bị cho đại hội chi bộ, nhiệm kỳ 2017 - 2020, Đảng ủy xã đã ban hành hướng dẫn tổ chức thực hiện về công tác chuẩn bị đại hội như văn kiện, công tác nhân sự cấp ủy, bí thư, phó bí thư; chương trình, trang trí trong đại hội. Thời gian tiến hành từ ngày 5 - 20/7/2017, trong đó chúng tôi chọn 2 Chi bộ 4A, 5A tổ chức đại hội điểm để rút kinh nghiệm chỉ đạo các chi bộ còn lại. 

Lãnh đạo xã Hưng Đạo (Hưng Nguyên) trao đổi với nhân dân. Ảnh: Thanh Lê
Lãnh đạo xã Hưng Đạo (Hưng Nguyên) trao đổi với người dân. Ảnh: Thanh Lê

Đảng ủy yêu cầu việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự phải đảm bảo chất lượng, có tính kế thừa và phát triển, gồm những người tiêu biểu về phẩm chất, trí tuệ, đủ tiêu chuẩn và điều kiện, có khả năng lãnh đạo thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội của chi bộ và cấp trên. Bí thư, phó bí thư chi bộ phải thực sự tiêu biểu về trí tuệ, đạo đức, uy tín, năng lực công tác, kinh nghiệm thực tiễn, được cán bộ, đảng viên và quần chúng tín nhiệm. Cũng trong tháng 7, chúng tôi tổ chức bầu xóm trưởng tại các xóm trên địa bàn xã.

P.V: Lâu nay, ở nhiều địa phương, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nên không ít những “người vác tù và hàng tổng” không mấy mặn mà với việc làm cán bộ. Vậy thực trạng đó ở xã Hưng Đạo như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Huy Khoa: Xã Hưng Đạo cũng không ngoại lệ trước thực trạng khó khăn về nguồn cán bộ cho cấp thôn, xóm. Đối với các chi bộ khối cơ quan Nhà nước, vấn đề nhân sự cho cấp ủy không phải là điều đáng lo ngại nhưng với các chi bộ nông thôn thì đây thực sự là trăn trở, nhất là với việc trẻ hóa đội ngũ cán bộ. Ở Đảng bộ xã có trên 60% đảng viên có độ tuổi trên 60. Còn đảng viên trẻ do điều kiện kinh tế nên không ít người cũng không ở địa phương thường xuyên mà đi làm ăn xa và chỉ về sinh hoạt với chi bộ. 

Hàng tháng, sau khi họp Ban Chấp hành Đảng bộ xã thì chúng tôi tổ chức cuộc giao ban với bí thư chi bộ và xóm trưởng để triển khai thực hiện nhiệm vụ hàng tháng. Sau cuộc họp này, bí thư chi bộ tổ chức sinh hoạt chi bộ để bàn và ra chủ trương thực hiện; tiếp đó bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận tổ chức họp ban công tác mặt trận để triển khai cho các tổ chức đoàn thể như: CCB, nông dân, phụ nữ, thanh niên cùng biết và thực hiện các nhiệm vụ. Còn xóm trưởng thì triển khai chỉ đạo nhiệm vụ chung, nặng nhất ở địa phương chúng tôi là xóm trưởng tập trung thực hiện công tác sản xuất nông nghiệp từ lịch gieo trồng, giống, thủy lợi… để theo chỉ đạo chung, đảm bảo đồng bộ.

Nhà văn hóa xã Hưng Đạo (Hưng Nguyên) được xây dựng khang trang. Ảnh: Thành Duy
Nhà văn hóa xã Hưng Đạo (Hưng Nguyên) được xây dựng khang trang. Ảnh: Thành Duy

Ngoài ra, thực tiễn ở cơ sở, nói chung công việc của cán bộ thôn, xóm rất nhiều, đôi khi phức tạp nhưng thực tế chế độ phụ cấp cho đội ngũ này còn thấp, đối với xã Hưng Đạo được phụ cấp dao động quanh mức 1 triệu đồng/tháng. Điều này dẫn đến việc nhiều người không thể toàn tâm, toàn ý cho công việc, nhất là trong điều kiện ở nông thôn, nhiều cán bộ xóm cũng đang phải lao động, sản xuất để lo cho kinh tế gia đình; chưa kể họ cũng phải bỏ ra tiền túi để phục vụ cho công tác. 

P.V: Đảm bảo nguồn cán bộ ở thôn, xóm, Đảng ủy xã Hưng Đạo có những giải pháp nào, thưa ông?

Ông Lê Huy Khoa: Chúng tôi đã chỉ đạo các chi bộ thực hiện công tác nhân sự theo đúng hướng dẫn, quy trình; đặc biệt xã cùng với các chi ủy xem xét, vận động những cá nhân đang công tác tốt thì cố gắng tiếp tục công việc; còn do sức khỏe, do hoàn cảnh không tiếp tục công việc được thì cần chủ động tìm nguồn cán bộ kế cận trong chi bộ.

Lâu nay, chúng tôi cũng đã chú trọng để thực hiện công tác “quy hoạch” cán bộ thôn, xóm từ các đoàn thể. Từ kênh Đảng ủy theo dõi, chi ủy báo lên, các đoàn thể báo sang, khi thấy được cá nhân nào có khả năng làm cán bộ thì tuyên truyền, định hướng, tạo điều kiện cho họ rèn luyện, phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng để tạo cán bộ nguồn.

Xã cũng vận động nhân dân các thôn, xóm bàn bạc đóng góp nguồn kinh phí hỗ trợ cho cán bộ thôn, xóm ngoài những chức danh đã có phụ cấp là bí thư chi bộ và xóm trưởng. Bên cạnh đó, hàng năm, Đảng ủy xã trích nguồn đảng phí để hỗ trợ cho mỗi phó bí thư chi bộ 100.000 đồng/tháng và chi ủy viên 80.000 đồng/tháng. Số tiền hỗ trợ tuy không nhiều nhưng cũng để chia sẻ, động viên họ trong thực hiện công việc chung phục vụ cộng đồng.

Đối với cán bộ ở thôn, xóm, chúng tôi xác định ngoài chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn thì quan trọng nhất vẫn là thường xuyên động viên, khích lệ để họ phát huy được vai trò tiên phong, gương mẫu của người đảng viên, người có uy tín trong cộng đồng nhằm cống hiến cho công việc xóm làng chứ không thể cứng nhắc theo quy định cấp trên, cấp dưới được. 

Nhìn chung, với những giải pháp trên nguồn cán bộ cho cấp ủy ở Hưng Đạo cơ bản khắc phục được khó khăn. Cái khó nhất với chúng tôi chính là nguồn cán bộ làm xóm trưởng. Chúng tôi đang tìm nguồn cán bộ làm sao để các chi bộ trong đại hội giới thiệu được đảng viên thực sự uy tín ra ứng cử để nhân dân bầu vào vị trí xóm trưởng. Vị trí này không chỉ là người uy tín, có trách nhiệm với cộng đồng mà còn là đảng viên. Vì nhiệm kỳ 2015 - 2017, xã có 7/14 xóm mà xóm trưởng không phải là đảng viên, gây ra những bất cập nhất định trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở thôn, xóm.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Thành Duy
(Thực hiện)
TIN LIÊN QUAN

Tin mới