Lan rừng, tinh dầu dược liệu Quế Phong được ươm mầm khởi nghiệp

(Baonghean) - Cuộc thi sáng tạo KH&CN thanh niên tỉnh Nghệ An đã khơi dậy và thúc đẩy sự xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong đoàn viên thanh niên với nhiều sáng kiến khoa học kỹ thuật, góp phần tích cực vào sự phát triển của địa phương. 

Trong số các công trình được nhận giải thưởng KH&CN thanh niên Nghệ An, công trình “Xây dựng mô hình nhân giống và trồng lan rừng theo hướng thương mại trên địa bàn huyện Quế Phong” được Hội đồng chấm giải đánh giá cao.

Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn huyện đã phát hiện 50 loài lan tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt. Tuy nhiên, với tình trạng khai thác rừng bừa bãi, không thể kiểm soát được như hiện nay, nguồn thiên nhiên hoa lan đang ngày càng cạn kiệt.

Trăn trở trực thực trạng “chảy máu” lan rừng, chị Vi Thị Hồng ở bản Ná Ngá, xã Mường Noọc (Quế Phong) quyết tâm phát triển và nhân rộng mô hình hoa lan theo hướng thương mại. Từ năm 2013 đến nay, chị Hồng đầu tư xây dựng mô hình vườn lan bằng phương pháp lấy giống từ rừng để bảo tồn, lưu giữ nguồn lan tại vườn nhà.

“Đến thời điểm hiện tại, mô hình đã triển khai thí điểm thành công việc nhân giống, giâm cành từ cây mẹ và ươm giống bằng hạt 20 loài. Hiện nay, có nhiều loài lan có thể nhân giống và phát triển theo hướng thương mại”, chị Hồng phấn khởi.

Chị Vi Thị Hồng (xã Mường Nọc, huyện Quế Phong) chăm sóc mô hình vườn lan.
Chị Vi Thị Hồng (xã Mường Nọc, huyện Quế Phong) chăm sóc mô hình vườn lan. Ảnh: Thanh Lê.

Một trong những công trình sáng tạo được Quỹ Alba Charity đồng ý tài trợ kinh phí khởi nghiệp lần này cũng thuộc địa bàn huyện Quế Phong.

Đó là đề tài “Nghiên cứu và sản xuất thành công tinh dầu thiên nhiên từ các loại cây dược liệu ở huyện Quế Phong” của tác giả Lê Thị Minh - giáo viên trẻ Trường THPT Quế Phong và cộng sự.  

Tại địa bàn Quế Phong đã xác định được nhiều loại thực vật có giá trị về khoa học và kinh tế, trong đó có nhiều loài có giá trị về tinh dầu. Những năm trước đây, Quế Phong là trung tâm về cây quế của Nghệ An và cả nước.

Với đặc điểm về khí hậu và thổ nhưỡng, cây quế trồng ở Quế Phong có chất lượng tinh dầu cao và hương thơm đặc trưng. Đặc biệt, ở Quế Phong vốn nổi tiếng với cây quế quỳ bản địa.

Vì vậy, chị Minh cùng cộng sự đã nghiên cứu và đưa vào sản xuất tinh dầu thiên nhiên từ các loài dược liệu sẵn có tạo sản phẩm hàng hóa.

Hiện tại, các sản phẩm tinh dầu được sản xuất như tinh dầu Quế, tinh dầu Màng tang, tinh dầu Ba chạc... đã tạo hiệu ứng tốt và được thị trường đón nhận. 

Nói về khả năng và quy mô áp dụng hiện nay, chị  Lê Thị Minh cho biết: Trên địa bàn Nghệ An chưa có cơ sở sản xuất tinh dầu thiên nhiên. Với tiềm năng, lợi thế về nguồn nguyên liệu cũng như nhu cầu và xu hướng hiện nay của thị trường việc mở rộng sản xuất tinh dầu dược liệu sẽ mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho các huyện vùng cao trong đó có huyện Quế Phong.

Ông Lữ Đình Thi - Bí thư Huyện ủy Quế Phong cho biết: "Huyện có chủ trương khuyến khích sáng tạo KH&CN trong đoàn viên thanh niên và chúng tôi đánh giá cao sáng tạo của tuổi trẻ huyện nhà. Công trình sáng tạo khoa học thành công và được áp dụng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình, các cá nhân có thêm việc làm ổn định cuộc sống, từng bước xóa đói, giảm nghèo nâng cao đời sống cho nhân dân; đồng thời góp phần thay đổi tư duy sản xuất theo hướng hàng hóa gắn với công tác bảo tồn các loại cây quý hiếm có giá trị”./.

Lê Thanh

TIN LIÊN QUAN

Tin mới