Hội đồng nhân dân tỉnh vào cuộc, tháo gỡ vướng mắc ở khu tái định cư thủy điện Hủa Na

(Baonghean) - Khu tái định cư thủy điện Hủa Na (Quế Phong) lâu nay vẫn đang tồn tại một số vấn đề được cử tri kiến nghị lên diễn đàn HĐND tỉnh.

Vừa qua, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức cuộc họp giữa các cấp, các ngành, người dân và chủ đầu tư nhằm thống nhất một số quan điểm giải quyết. 

Thiếu đất sản xuất và nước sạch 

Dự án thủy điện Hủa Na có công suất thiết kế 180 MW, tổng mức đầu tư là hơn 7.092 tỷ đồng, do Công ty cổ phần thủy điện Hủa Na (thuộc Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam) làm chủ đầu tư. Dự án bắt đầu khởi công xây dựng tháng 3/2008 và phát điện vào tháng 2/2013. Triển khai dự án này, có 1.362 hộ dân với 5.236 nhân khẩu ở 14 bản thuộc 2 xã Đồng Văn, Thông Thụ (Quế Phong) phải di dời tái định cư. Ngoài 484 hộ có nhu cầu tái định cư tự do thì có 878 hộ được tái định cư tại 13 điểm thuộc 3 xã Đồng Văn, Thông Thụ, Tiền Phong của huyện Quế Phong. 

Đoàn công tác HĐND tỉnh khảo sát khu tái định cư Hủa Na. Ảnh: Mai Hoa
Đoàn công tác HĐND tỉnh khảo sát khu tái định cư Hủa Na. Ảnh: Mai Hoa

Tìm hiểu quá trình triển khai dự án tái định cư thủy điện Hủa Na, chúng tôi nhận thấy từ công tác khảo sát đến quy hoạch, công khai quy hoạch, công tác tuyên truyền được thực hiện khá bài bản. Các chính sách tái định cư theo quy định được tuyên truyền đến tận từng hộ dân và được thực hiện cơ bản đầy đủ và khá kịp thời. Về tổng thể, có thể khẳng định, điều kiện sống và bộ mặt khu dân cư ở 13 điểm tái định cư thủy điện Hủa Na đã tốt hơn nơi ở cũ.

Tuy nhiên, xung quanh khu tái định thủy điện Hủa Na vẫn đặt ra nhiều tồn tại, hạn chế, được cử tri và nhân dân phản ánh, kiến nghị nhiều lần đến diễn đàn HĐND tỉnh.

Để có cái nhìn khách quan, toàn diện những khó khăn, tồn tại, tìm phương án giải quyết một cách hiệu quả những tồn đọng vùng tái định cư này, vừa qua, Thường trực HĐND tỉnh đã có cuộc làm việc với UBND huyện Quế Phong, Công ty cổ phần Thủy điện Hủa Na và đại diện người dân, có cả lãnh đạo UBND tỉnh tham dự. Đây là hình thức hoạt động mới của HĐND tỉnh theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015.

Tại phiên giải trình, trên cơ sở trao đổi giữa các bên, cho thấy, tồn tại lớn nhất, ảnh hưởng đến việc ổn định đời sống trước mắt và đảm bảo bền vững lâu dài của người dân, đó là việc giao đất cho người dân đang còn khó khăn, vướng mắc. Ông Hà Văn Phước - Trưởng ban Piêng Cu 2 (xã Tiền Phong), đại diện cho các hộ dân ở điểm tái định cư đầu tiên của dự án thủy điện Hủa Na, nêu vấn đề: Khó khăn nhất đối với đồng bào tái định cư hiện nay, đó là thiếu đất sản xuất.

Ông Phước, cho rằng: “Đồng bào miền núi sống nhờ vào rừng và đất, nhưng khi ra điểm tái định cư đất sản xuất quá chật hẹp, bình quân mỗi hộ chỉ có 0,8 - 0,9 ha đất sản xuất. Riêng đối với đất rừng, mặc dù Công ty cổ phần Thủy điện Hủa Na đã đền bù, thu hồi đất của người dân sở tại để giao cho dân tái định cư, nhưng người dân sở tại - bản Na Chạng, xã Tiền Phong vẫn chưa chịu bàn giao đất cho người dân tái định cư mà vẫn phát đất trồng keo trên đó”. 

Ngoài vấn đề xảy ra một số điểm tranh chấp đất giữa người dân sở tại và người dân tái định cư; sự chưa thống nhất giữa các tổ chức trong việc tạo điều kiện để người dân tổ chức sản xuất trên đất được giao, thì cái lớn nhất đối với khu tái định cư này, đó là việc cấp đất cho người dân tái định cư nhìn chung tiến độ đang còn rất chậm. Vấn đề này được ông Lang Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong xác nhận và cho biết, đến thời điểm này, trong 13 điểm tái định cư thì mới chỉ có 4/13 điểm tái định cư được giao đất ruộng lúa nước với diện tích chỉ mới có 11,62 ha/15,32 ha diện tích cần giao.

Số diện tích cần giao còn lại chưa được giao còn rất lớn, gồm 57,78 ha ở 9 bản chưa tiến hành giao và 3,7 ha ở 4 bản giao còn thiếu. Về đất lâm nghiệp đã tiến hành giao ngoài thực địa cho 567/878 hộ với tổng diện tích 1.910/7.616 ha. Như vậy, số diện tích đất lâm nghiệp cần giao chưa được giao cũng còn lớn, với 5.706 ha và có 311 hộ ở 5 điểm tái định chưa hề nhận được một mét vuông đất lâm nghiệp nào. 

Cùng với đất sản xuất thì ở các điểm tái định cư vẫn đang còn bộc lộ một số tồn tại. Đơn cử 2 điểm tái định cư bản Piêng Cu 2 và Huôi Siu - Huôi Lạn, theo phản ánh, công trình nước sạch do dự án thủy điện Hủa Na xây dựng từ năm 2011, nhưng từ đó đến nay, người dùng vẫn chưa được dùng. 

Cần tăng cường phối hợp

Rõ ràng, tồn tại lớn nhất khu tái định cư thủy điện Hủa Na hiện tại là công tác giao đất sản xuất cho người dân chậm. Từ trao đổi giữa chính quyền địa phương, chủ đầu tư và người dân, cho thấy, nguyên nhân chậm giao đất lâm nghiệp là do năng lực đơn vị tư vấn. Đối với đất ruộng lúa giao chậm do công tác phục hóa chậm, thời gian đầu có sự “lằng nhằng” giữa huyện và chủ đầu tư trong việc xác định đơn giá để phục hóa (bởi giao cho nhân dân tự phục hóa).

Mặt khác, khi khảo sát các điểm tái định cư đều có các khe suối và lưu vực nước rất tốt, nhưng quá trình xây dựng tái định cư do đào bới, một phần do biến đổi khí hậu nên có nhiều nguồn nước trước đây bị giảm hoặc mất hoàn toàn. Điều này dẫn đến toàn bộ quy hoạch diện tích ruộng lúa nước ban đầu bị phá vỡ, có những nơi không thể khai hoang được nữa do không có nguồn nước.

Để khắc phục tình trạng này, thời gian qua, UBND huyện Quế Phong và chủ đầu tư đã khảo sát và triển khai một số điểm sản xuất lúa nước mới, nhưng do quãng đường giữa nơi ở đến địa điểm quy hoạch ruộng nước quá xa, có nơi khoảng 9 km; có nơi đường đi lại dốc, gây khó khăn trong việc đi lại cho người dân, nên một số người dân chưa nhận. Song bên cạnh đó ở một số điểm tái định cư vẫn đang rất bế tắc trong việc tìm địa điểm khai hoang ruộng nước. 

Nuôi cá lồng trên lòng hồ Thủy điện Hủa Na (Quế Phong). Ảnh tư liệu
Nuôi cá lồng trên lòng hồ Thủy điện Hủa Na (Quế Phong). Ảnh tư liệu

Để giải quyết những vấn đề trên, theo một số ý kiến tại phiên giải trình, cần xem xét, đánh giá lại đơn vị tư vấn, nếu không đảm bảo thì có thể thay thế đơn vị tư vấn khác để đẩy nhanh việc cấp đất cho dân. Về đất ruộng lúa, hướng xử lý, theo ông Lữ Đình Thi - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Quế Phong, không nhất thiết điểm tái định cư nào cũng phải có ruộng lúa nước; chỗ nào thuận lợi thì làm, chỗ nào không thuận lợi thì cần nghiên cứu, tính toán có thể thay thế đất trồng khác, miễn sao đảm bảo được đời sống cho người dân.

Liên quan đến việc giải quyết nước sạch cho người dân tái định cư, ông Hoàng Văn Thành - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Hủa Na khẳng định: Chủ đầu tư sẽ tiến hành khảo sát và thiết kế lại một số công trình nước sạch chưa đảm bảo. Tuy nhiên, theo ông Thành, để các công trình đầu tư được bền vững, yếu tố quan trọng là việc duy tu, quản lý, sử dụng của địa phương và người dân, bởi theo nguyên tắc, khi công trình nghiệm thu, bàn giao, đưa vào sử dụng, trách nhiệm đảm bảo sự bền vững của công trình là của chính quyền địa phương và người dân.

Cũng theo Phó Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Hủa Na, để giải quyết tranh chấp về đất đai giữa người dân sở tại và người dân tái định cư thì trách nhiệm của chính quyền địa phương phải vào cuộc để giao đất cho các hộ dân tái định cư, đồng thời cấp bìa cho dân để chứng minh quyền sở hữu, sử dụng của người dân tái định cư; giao đến đâu cấp đến đó, tránh làm tràn lan. 

Tại phiên giải trình, các bên cũng đã làm rõ các phương án xử lý đối với một số kiến nghị của người dân. Trên cơ sở kết quả phiên giải trình, ông Hoàng Viết Đường - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Để giải quyết hiệu quả những hạn chế, bất cập, sớm ổn định sản xuất và đời sống cho người dân, Thường trực HĐND tỉnh kiến nghị, cấp ủy, chính quyền huyện, xã và chủ đầu tư tăng cường phối hợp nhằm giải quyết các vấn đề tồn tại đang đặt ra tại vùng tái định cư thủy điện Hủa Na, trước ngày 1/11/2017. Đồng thời, UBND huyện Quế Phong cần chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh đưa khuyến nông, khuyến lâm và KHCN lên với đồng bào tái định cư, góp phần thúc đẩy sản xuất, giúp đồng bào sớm ổn định cuộc sống một cách bền vững; gắn với việc chăm lo giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nhất là tệ nạn ma túy, buôn bán phụ nữ, xóa đói - giảm nghèo... 

Mai Hoa

TIN LIÊN QUAN

Tin mới