Tăng cường đảng viên biên phòng về cơ sở:

Bài cuối: Chọn đúng người, giao đúng việc

Bố trí cán bộ đủ năng lực

Theo đồng chí Vi Hòe - Bí thư huyện ủy Kỳ Sơn: Điều quan trọng nhất để phát huy hiệu quả của đội ngũ cán bộ biên phòng tăng cường là phải “chọn đúng người, giao đúng việc”. Trên thực tế, dù đã có quy chế phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền địa phương với lực lượng biên phòng, nhưng công tác giới thiệu, lựa chọn, đánh giá nhân sự cần chặt chẽ, bài bản hơn, đảm bảo lựa chọn đúng người phù hợp với đặc thù của từng địa bàn. Ngoài nhiệt tình, tâm huyết, đội ngũ cán bộ tăng cường phải có bản lĩnh chính trị vữnga vàng, am hiểu địa bàn, vừa nắm chắc nghiệp vụ công tác đảng, vừa giỏi về kỹ năng quản lý, vận động quần chúng, khả năng hướng dẫn, thực hành... Cán bộ tăng cường phải phát huy, khẳng định được vai trò của mình đối với phong trào chung ở cơ sở. Thực tế mới đây, huyện Kỳ Sơn đã xin điều chuyển, thay thế 3 đồng chí sỹ quan biên phòng tăng cường ở các xã biên giới Mường Ải, Na Ngoi, Na Loi do không phát huy được vai trò...

Bộ đội Biên phòng Đồn Mỹ Lý hướng dẫn người dân kỹ thuật chăn nuôi. Ảnh: H.T
Bộ đội Biên phòng Đồn Mỹ Lý hướng dẫn người dân kỹ thuật chăn nuôi. Ảnh: H.T
Đề cập vấn đề này, đồng chí Đặng Anh Dũng - Phó Bí thư Huyện ủy Thanh Chương - nơi đón hàng nghìn đồng bào tái định cư Thủy điện Bản Vẽ  -Tương Dương) với nhiều thành phần dân tộc (Thái, Khơ mú, Ơ Đu, Khơ me) về, cho hay:  Huyện ủy Thanh Chương đã phối hợp với BCH Bộ đội biên phòng tăng cường một sỹ quan biên phòng làm phó bí thư Đảng ủy xã tái định cư Ngọc Lâm  và một người bổ sung vào thường vụ đảng ủy xã tái định cư Thanh Sơn. Quá trình triển khai cho thấy nơi nào người đứng đầu cấp ủy, chính quyền có tinh thần đoàn kết cộng sự, cán bộ tăng cường đều tay hơn thì phong trào tốt hơn và ngược lại. Như ở khu tái định cư Thanh Sơn năng lực, trình độ của cán bộ không đều, cộng với tính thống nhất, đoàn kết, cộng sự chưa cao dẫn tới công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền còn nhiều hạn chế: việc chia, giao đất cho dân, giải tỏa lấn chiếm đất đai trên địa bàn hiệu quả thấp; giải quyết các chế độ chính sách  thiếu kịp thời để xảy ra nhiều sai sót, chậm trễ. Xã này còn xảy ra những lùm xùm liên quan đến sai phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách; giải quyết nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT gây bức xúc trong dư luận. Đến đại hội nhiệm kỳ 2015 - 2020, Huyện ủy Thanh Chương và BĐBP đã bổ sung một đồng chí sỹ quan biên phòng khác về làm Bí thư Đảng ủy xã nhưng địa phương này vẫn xảy ra những vụ việc vi phạm như vụ việc một số cán bộ có chức vụ (trong đó có Phó Chủ tịch HĐND xã và Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách văn hóa) đưa dân vào vòng xoáy đa cấp, làm ảnh hưởng không tốt đến uy tín của cấp ủy, chính quyền xảy ra vào tháng 4/2016. Và tình trạng lấn chiếm đất rừng trong đó có cả lãnh đạo xã vi phạm, khiến UBND huyện Thanh Chương phải trực tiếp lên giải quyết...

Còn theo đồng chí Trần Đăng Khoa - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Quế Phong - địa bàn có 4 xã (Thông Thụ, Tri Lễ, Hạnh Dịch, Nậm Giải) đang thực hiện mô hình sỹ quan biên phòng là phó bí thư đảng ủy xã - cho rằng: Bố trí cán bộ phù hợp sẽ giúp phát huy tốt hơn vai trò, trách nhiệm của đội ngũ tăng cường đối với nhiệm vụ được giao. Trong đó bao gồm cả việc xây dựng chương trình, kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đảng, công tác vận động quần chúng, những vấn đề liên quan đến dân tộc, tôn giáo.

Nói đi đôi với làm

Cấp ủy, chính quyền cơ sở và ban chỉ huy các đồn biên phòng đều cho rằng yếu tố có vai trò quyết định thành hay bại của chủ trương vẫn nằm ở chính bản thân mỗi cán bộ biên phòng tăng cường. Họ phải xác định về để giúp địa phương chứ không phải an phận, tròn vai. Để gây dựng lòng tin với cơ sở, cán bộ tăng cường phải không ngừng rèn luyện năng lực công tác, nhất là kiến thức về xây dựng Đảng, quản lý Nhà nước, kỹ năng tuyên truyền, vận động quần chúng, thực sự là tấm gương về tinh thần khắc phục khó khăn trong thực thi nhiệm vụ. Đồng thời là chỗ dựa tin cậy cho cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương.

Sỹ quan Đồn Biên phòng Mường Típ trò chuyện cùng người dân bản Ta Đo. Ảnh: H.T
Sỹ quan Đồn Biên phòng Mường Típ trò chuyện cùng người dân bản Ta Đo. Ảnh: H.T

Thiếu tá Vừ Bá Rê - người duy nhất trong đội ngũ cán bộ sinh hoạt tạm thời tại chi bộ thôn bản được cơ sở tín nhiệm bầu làm bí thư chi bộ bản Huồi Sơn xã Tam Hợp (Tương Dương) chia sẻ: “ Mình cũng là con em đồng bào Mông nên mình rất hiểu suy nghĩ của đồng bào. Để tạo dựng uy tín, trước hết cán bộ phải gương mẫu “nói đi đôi với làm”. Có những việc đích thân cán bộ phải thực hành cho bà con thấy. Khi cái mắt đã nhìn tỏ, cái bụng đã ưng, thì bà con sẽ tin và làm theo thôi”. Sau khi tốt nghiệp Học viện Biên phòng được cử về Đồn Biên phòng Tam Hợp, Vừ Bá Rê tình nguyện xuống cắm bản với anh em tổ công tác ở điểm bản Huồi Sơn. Tại đây  đồng chí đã cùng đồng đội trực tiếp hướng dẫn bà con sử dụng máy cày, máy tuốt lúa vào sản xuất nông nghiệp, khai hoang ruộng nước và trồng các loại cây có giá trị như khoai sọ, bí xanh, gừng... Từ một bản yếu kém về mọi mặt, phức tạp về an ninh trật tự, Huồi Sơn đã trở thành bản điểm văn hóa trên biên giới. Chi bộ bản và các tổ chức đoàn thể làm việc đều tay, hiệu quả. Hiện nay Thiếu tá Vừ Bá Rê đã chuyển công tác, nhưng người dân bản Huồi Sơn vẫn trìu mến gọi anh là “người con của bản”.

Còn có rất nhiều cán bộ tăng cường “miệng nói tay làm” đã để lại dấu ấn sâu đậm đối với bà con khi cắm bản, cắm xã như Trung tá Hà Đình Tín - nguyên Phó Bí thư Đảng ủy xã biên giới Bắc Lý (Kỳ Sơn) người đã giúp địa phương giải quyết dứt điểm điểm nóng trong mâu thuẫn nội bộ ở xã; làm rõ khuất tất về tài chính ngân sách giữa lãnh đạo UBND cũ và mới của xã, kỷ luật nghiêm các cán bộ có liên quan. Hay thiếu tá Đàm Thiên Thương - nguyên Phó Bí thư Đảng ủy xã Tri Lễ (Quế Phong) được Đảng ủy xã tín nhiệm giao thêm nhiệm vụ Phó ban Chỉ đạo phát triển kinh tế nhằm giúp dân thoát đói, giảm nghèo, trong đó có việc phát triển mô hình cây chanh leo ở Tri Lễ...

Hỗ trợ và đồng hành

Nhiều cán bộ biên phòng tăng cường tâm sự rằng, ngoài nỗ lực của bản thân, họ rất cần sự đồng hành, hỗ trợ, chia sẻ của các đồn biên phòng và cấp ủy, chính quyền địa phương, bởi nếu “tự bơi” thì sẽ rất khó để làm tròn vai, nhất là khi đối mặt với những vấn đề phát sinh ở cơ sở như tái trồng thuốc phiện, di dịch cư tự do, tranh chấp đất đai, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân (ở khu vực biên giới), các vấn đề liên quan đến tôn giáo (khu vực có đông đồng bào theo đạo)...

Trao đổi về vấn đề này, Đại úy Hoàng Thế Tài - Trưởng ban Vận động quần chúng (Phòng chính trị Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An) cho biết: Đối với các đảng viên biên phòng tăng cường sinh hoạt tạm thời ở các chi bộ thôn xóm vùng đặc thù, Ban Chỉ huy các Đồn luôn tạo điều kiện hỗ trợ các đồng chí trong công tác, tạo uy tín, hình ảnh đẹp với cơ sở; từ việc giải quyết các kiến nghị, đề xuất của đảng viên tăng cường để tháo gỡ khó khăn trong hoàn tất hồ sơ thủ tục phát triển đảng, hỗ trợ  thiết chế nhà văn hóa thôn, xóm đến việc thực hiện chương trình nâng bước đến trường cho các em học sinh nghèo vượt khó. Đến nay các đồn biên phòng đã giúp đỡ được 104 em với mức hỗ trợ 500.000 đồng/em/tháng. Hàng tháng các đảng viên biên phòng sinh hoạt tạm thời sẽ đến tận gia đình từng em trao tiền hỗ trợ, tạo gắn bó, gần gũi với người dân.

Tại Đồn biên phòng Mỹ Lý - Kỳ Sơn (quản lý cả 2 địa bàn Mỹ Lý và Bắc Lý), nơi có 2 sỹ quan tăng cường làm phó bí thư đảng ủy xã và 3 người sinh hoạt tạm thời tại chi bộ thôn bản. Ban Chỉ huy Đồn đã có kế hoạch cụ thể để hỗ trợ cán bộ tăng cường như xây dựng nhà đại đoàn kết, trạm xá quân dân y, hỗ trợ con, cây giống giúp người dân gây dựng các mô hình phát triển kinh tế (khai hoang ruộng nước, hỗ trợ con bò, dê, cá giống, xây dựng mô hình chăn nuôi lợn nái sinh sản cấp giống cho dân ở Bắc Lý hay trồng chanh leo, nuôi gà đen, lợn đen để xóa đói giảm nghèo ở Mỹ Lý). Thiếu tá Nguyễn Văn Quỳnh - Phó Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Lý cho hay: chính sự hỗ trợ, đồng hành của Ban Chỉ huy Đồn biên phòng, sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương là động lực để cán bộ tăng cường tự tin hòa mình vào sự chuyển động ở cơ sở, xử lý tốt các vấn đề xảy ra trên địa bàn, tạo niềm tin và uy tín đối với quần chúng nhân dân và cán bộ đảng viên.

Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh sự nỗ lực của cán bộ tăng cường thì chính cấp ủy, chính quyền nơi họ được giới thiệu đến phải thoát ra khỏi tư tưởng cục bộ địa phương, mở lòng đón nhận cán bộ về giúp cơ sở củng cố hệ thống chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh biên giới. Đồng thời, giải quyết tốt mối quan hệ giữa cấp ủy, chỉ huy đồn biên phòng và cán bộ tăng cường về xã. Bởi về nguyên tắc, cán bộ biên phòng tăng cường chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của cấp ủy, chỉ huy đồn biên phòng. Tuy nhiên, khi họ được cơ cấu giữ chức danh chủ trì trong hệ thống chính trị cấp xã thì mối quan hệ công tác này có sự thay đổi; trong đó, bao hàm cả quan hệ lãnh đạo, chỉ huy, chịu sự lãnh đạo, chỉ huy và quan hệ phối hợp, hiệp đồng công tác. Đây là vấn đề khó, nảy sinh từ thực tiễn nên cần có văn bản chỉ đạo của cấp có thẩm quyền nhằm đảm bảo sự thống nhất trong thực hiện,tạo thuận lợi cho cán bộ tăng cường phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ.

Thiếu tá Võ tá Quỳnh, sỹ quan Đồn Biên phòng Mỹ Lý tăng cường về làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Lý, hướng dẫn cán bộ xã soạn thảo văn bản.Ảnh: H.T
Thiếu tá Võ tá Quỳnh, sỹ quan Đồn Biên phòng Mỹ Lý tăng cường về làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Lý, hướng dẫn cán bộ xã soạn thảo văn bản.Ảnh: H.T

Nhân rộng mô hình

Trao đổi của Thượng tá Trần Đăng Khoa - Phó chủ nhiệm Chính trị (Bộ đội Biên phòng tỉnh) cho biết: Thực hiện Đề án 01 của Tỉnh ủy Nghệ An, Đảng ủy Bộ đội biên phòng tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số 401-KH/ĐU ngày 17/5/2017 về nhân rộng mô hình tăng cường đảng viên sinh hoạt tạm thời tại các chi bộ thôn, bản (khối, xóm) khu vực biên giới, vùng biển giai đoạn 2017-2020 và những năm tiếp theo. Trong đó tập trung chỉ đạo các đồn biên phòng phối hợp với đảng ủy các xã, phường biên giới, vùng biển khảo sát thực trạng, chất lượng, số lượng đảng viên ở  các chi bộ có nguy cơ không còn đảng viên, không còn chi bộ. Từ đó có kế hoạch điều động đảng viên biên phòng xuống sinh hoạt tạm thời, tăng cường công tác tham mưu giúp các chi bộ lựa chọn, bồi dưỡng, hướng dẫn, giúp đỡ quần chúng ưu tú vào Đảng. Đối với mô hình sỹ quan biên phòng tham gia cấp ủy xã, trong thời gian tới, Biên phòng Nghệ An sẽ phối hợp với các địa phương chú trọng xây dựng những mô hình nổi bật để nhân rộng. Về công các nhân sự, Đảng ủy Bộ đội biên phòng sẽ lựa chọn những cán bộ đảm bảo tiêu chuẩn, có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công.

Về phía tỉnh, thì như đồng chí Lê Quốc Khánh - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: Thời gian tới Ban Tổ chức Tỉnh ủy sẽ phối hợp với BĐBP tỉnh làm tốt hơn công tác tập huấn, cung cấp thông tin, tài liệu kịp thời để các sỹ quan biên phòng tăng cường về cơ sở thực sự là các “chuyên gia” trong thực hiện và chỉ đạo các hoạt động công tác tại địa phương.

Có thể  khẳng định, đưa cán bộ, đảng viên biên phòng về tăng cường cho các xã, các chi bộ thôn bản đặc biệt khó khăn là chủ trương đúng đắn, phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, trước yêu cầu mới, có không ít vấn đề đặt ra cần giải quyết. Trong đó có việc nghiên cứu chế độ hỗ trợ cho cán bộ biên phòng tăng cường xã và đảng viên chuyển sinh hoạt tạm thời, động viên cán bộ khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ là “trung tâm đoàn kết, điểm tựa vững chắc cho cán bộ, nhân dân ở cơ sở”.

Tin mới