Tránh trùng lặp đối tượng thụ hưởng chính sách theo chương trình 135

(Baonghean.vn) - Đó là vấn đề đặt ra tại cuộc giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh về việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đối với xã biên giới theo chương trình 135 tại xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn sáng 27/9.

Đoàn giám sát làm việc với xã Phúc Sơn. Ảnh: Minh Chi
Đoàn giám sát làm việc với xã Phúc Sơn. Ảnh: Minh Chi

Trực tiếp giám sát một số hộ dân tại bản Vều 4, đoàn giám sát ghi nhận, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đối với xã biên giới theo chương trình 135 thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả bước đầu.

Qua trao đổi với Trưởng bản Hà Văn Nếp, từ năm 2014, thông qua tuyên truyền, vận động và hỗ trợ kỹ thuật, tiền làm đất, giống, phân bón, đã có 13 hộ triển khai trồng chè (bình quân mỗi hộ có 0,5 - 0,7 ha) và đã cho thu hoạch 3 năm nay, từ 15 - 20 triệu đồng/năm.

Ngoài ra, có 7 hộ được hỗ trợ nuôi bò và đã có 2 hộ bò đã sinh sản. Đơn cử hộ ông Lương Văn Toàn được hỗ trợ làm 0,6 ha chè, mỗi năm có 7 lần thu hoạch, bình quân mỗi lần thu 3 - 4 triệu đồng. Hay hộ ông Lô Văn Ứng được hỗ trợ bò năm 2015 và nay đã đẻ thêm 1 con bê để nuôi...

Đoàn giám sát tìm hiểu mô hình trồng chè của gia đình ông Lương Văn Toàn. Ảnh: Minh Chi
Đoàn giám sát tìm hiểu mô hình trồng chè của gia đình ông Lương Văn Toàn. Ảnh: Minh Chi

Phúc Sơn là xã có diện tích lớn, bằng ¼ diện tích của huyện và xã biên giới duy nhất của Anh Sơn, có 5 thôn bản đặc biệt khó khăn với tổng 498 hộ, chủ yếu dân tộc Thái, Thanh. Đời sống của đồng bào vốn dựa chủ yếu vào khai thác rừng tự nhiên.

Song những năm gần đây, một phần do cấm khai thác và một phần diện tích rừng bị thu hẹp do chuyển sang trồng cao su, nên chỉ một số ít hộ vươn lên làm ăn khá, còn lại đang còn rất khó khăn. Thông qua hỗ trợ trồng chè, nuôi bò theo chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đối với xã biên giới thuộc chương trình 135 đã tạo bước chuyển về nhận thức, từng bước khắc phục tư tưởng “ăn xổi” trong sản xuất của đồng bào.

Tuy nhiên theo ông Nguyễn Công Bình - Bí thư Đảng ủy xã thì khó khăn nhất hiện nay đối với 5 bản vùng biên giới này là thiếu đất sản xuất. Mặc dù địa phương đã kiến nghị với tỉnh và được trả về 1.500 ha đất, nhưng để người dân được giao GCNQSDĐ và sản xuất trên đó đang rất khó khăn, bởi liên quan đến kinh phí cấp QSDĐ, bình quân 2 triệu đồng/ha, trong khi đời sống của đồng bào còn khó khăn; trong 500 hộ ở 5 thôn bản biên giới thì có 201 hộ nghèo và 78 hộ cận nghèo. Vì vậy cần có biện pháp hỗ trợ để người dân sớm có đất sản xuất.

Đoàn giám sát tặng quà và động viên hộ nghèo Lô Văn Hậu, bản Vều 4, xã Phúc Sơn vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Minh Chi
Đoàn giám sát tặng quà và động viên hộ nghèo Lô Văn Hậu, bản Vều 4, xã Phúc Sơn vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Minh Chi

Bên cạnh đó, 5 bản này xa trung tâm xã, giao thông đi lại khó khăn, có nhiều điểm trường, vì vậy kiến nghị Nhà nước cần hỗ trợ đầu tư giao thông, trường học và hỗ trợ thêm nhiều mô hình kinh tế, thúc đẩy kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội.

Trên cơ sở thu nhận thực tế, thay mặt đoàn giám sát, bà Lục Thị Liên - Phó Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh đề nghị xã Phúc Sơn tiếp tục nâng cao năng lực cho cán bộ phụ trách mảng chính sách, đảm bảo bình xét đối tượng thụ hưởng công khai, dân chủ, đúng đối tượng, tránh trùng lặp, bỏ sót đối tượng hưởng chính sách...

Phó trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh cũng đề nghị địa phương cần có giải pháp tham mưu để phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, ngoài các chính sách được hỗ trợ; có định hướng tổ chức hoạt động sản xuất theo nhóm hộ. Quan tâm thu hút các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo động lực phát triển...

Minh Chi

TIN LIÊN QUAN

Tin mới