Cải cách tiền lương giúp phòng chống tham nhũng

Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, việc cải cách tiền lương phải được tiến hành đồng bộ theo từng bước để khuyến khích nâng cao năng suất, phòng chống tham nhũng.

Ngày 13/12, Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công phối hợp với Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Cải cách chính sách tiền lương, kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam”.

Hội thảo có ý nghĩa quan trọng nhằm giúp Ban soạn thảo đề án Cải cách tiền lương tiếp thu các ý kiến, kinh nghiệm quý báu hoàn thiện đề án, trình Trung ương thảo luận vào giữa năm 2018.

Trả lương theo hiệu quả thay vì bằng cấp

Phát biểu tại hội thảo, TS. Chang Hee Lee, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam, cho rằng quy định hệ số lương (theo cấp nhân) trong khối Nhà nước như hiện nay khiến việc điều chỉnh, tính toán lương phức tạp, gia tăng gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Quy định này gây khó so sánh tương quan giữa khu vực công - tư đối với những vị trí, cấp bậc tương đương.

Quy định hiện nay gây ra phân biệt trong trả lương mà không coi trọng hiệu quả công việc. Vị này khuyến nghị Việt Nam nên thiết kế chế độ lương dựa trên hiệu quả và chất lượng công việc chứ không dựa trên bằng cấp.

Doanh nghiệp đề xuất chỉ điều chỉnh lương tối thiểu vùng chỉ áp dụng cho nhóm lao động thấp nhất. Ảnh: Hoàng Hà.

Doanh nghiệp đề xuất chỉ điều chỉnh lương tối thiểu vùng chỉ áp dụng cho nhóm lao động thấp nhất. Ảnh: Hoàng Hà.

Tổng giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường nhận định mức lương tối thiểu vùng trong những năm qua tăng nhanh hơn so với tăng trưởng kinh tế, tăng chỉ số giá tiêu dùng và chỉ số tăng năng suất lao động.

Vị này phản ánh người lao động không hiểu rõ quy định doanh nghiệp trả mức lương tối thiểu vùng khi người lao động hoàn thành nhiệm vụ. Họ cho rằng khi “ghi tên” vào doanh nghiệp là nghiễm nhiên được hưởng mức lương tối thiểu.

Do vậy, với những ngành thâm dụng lao động, lại đóng trên địa bàn có kinh tế khó khăn (thu nhập từ nghề rừng, thuần nông của cả hộ gia đình chỉ khoảng 300.000 đồng/ngày nhưng khi vào nhà máy, một lao động đã được trả lương 3 triệu/tháng) tỏ ra lo sợ người lao động không chú trọng nâng cao năng suất lao động để hưởng mức lương tương xứng và cao hơn.

Ông Nguyễn Hoài Nam, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tiết lộ trung bình công nhân thủy sản nhận 6 triệu đồng/tháng. Do đó, mỗi lần điều chỉnh lương của một doanh nghiệp làm tăng chi phí từ vài tỷ tới và vài trăm tỷ đồng/năm rồi “chảy” vào quỹ BHXH và quỹ công đoàn. Người lao động cũng bị cắt bớt một phần lương của mình vào các quỹ trên chứ không phải tăng lương là lương tăng.

Đại diện doanh nghiệp đề nghị việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng chỉ áp dụng cho nhóm lao động thấp nhất, bảo đảm hỗ trợ người yếu thế và giúp doanh nghiệp tăng cường thu nạp lao động, giảm bớt khó khăn cho địa phương.

Tiền lương góp phần phòng chống tham nhũng

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ (Trưởng ban chỉ đạo cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công) đồng thuận thống nhất sự cần thiết phải cải cách chính sách tiền lương một cách tổng thể.

Phó thủ tướng đồng tình với các đại biểu chỉ ra kinh nghiệm quốc tế rằng cải cách tiền lương không chỉ nhằm nâng cao thu nhập, đời sống của người lao động mà còn là một trong những giải pháp hữu hiệu để nâng cao năng suất lao động.

Ngoài ra, việc đó còn nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế cũng như phòng chống tham nhũng, bảo đảm sự liêm chính, nghiêm minh trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức trong cơ quan hành chính Nhà nước.

Theo Phó thủ tướng, cải cách tiền lương có những tác động, ảnh hưởng quan trọng đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, sự ổn định và vững mạnh của thể chế chính trị của quốc gia. Vì vậy, khi tiến hành cần phân tích, đánh giá sâu sắc những tác động, ảnh hưởng liên quan, cả trực tiếp và giản tiếp để bảo đảm lợi ích tổng thể, hài hòa trong toàn bộ nền kinh tế.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VGP.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VGP

Về cải cách tiền lương đối với khu vực sản xuất kinh doanh, Trưởng ban chỉ đạo nhấn mạnh mức tiền lương trả cho người lao động được căn cứ vào năng suất, kết quả lao động và mức đóng góp vào kết quả chung của doanh nghiệp.

Theo Phó thủ tướng, dự kiến trong thời gian từ nay đến năm 2021, Ban chỉ đạo sẽ tập trung nghiên cứu, xây dựng lộ trình và điều kiện cụ thể thực hiện một số công việc chủ yếu về cải cách tiền lương.

Việc cải cách sẽ khắc phục cơ bản những bất hợp lý của chế độ tiền lương hiện hành để tiền lương thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm cuộc sống cho người lao động và gia đình. Để tiền lương thực sự là đòn bẩy hiệu quả khuyến khích nâng cao năng suất lao động, góp phần phòng chống tham nhũng.

Theo Zing.vn

TIN LIÊN QUAN

Tin mới