Đức ‘rắn’ với Trung Quốc: Đối đầu hay chỉ là 'đòn gió'?

(Baonghean.vn) - Đức là quốc gia phương Tây tiếp theo đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông (Trung Quốc) liên quan đến cuộc bầu cử ở đặc khu này.

Đây là phản ứng hiếm hoi của Berlin với các vấn đề của Trung Quốc, trong bối cảnh các quốc gia phương Tây khác, đặc biệt là Mỹ và Anh, liên tục chỉ trích Bắc Kinh vì thiếu minh bạch về nguồn gốc Covid-19 và gần đây là động thái áp luật an ninh mới ở Hồng Kông. Vậy có thể lý giải ra sao về cách ứng xử này của nước Đức?

Hiệu ứng từ phương Tây

Trong một tuyên bố đáng chú ý, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ngày 31/7 thông báo quyết định ngừng hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông, với lý do chính quyền Hồng Kông tuyên bố nhiều ứng cử viên đối lập không đủ tiêu chuẩn tham gia bầu cử và quyết định hoãn cuộc bầu cử vào tháng 9. Như vậy, Đức trở thành nước EU đầu tiên tuyên bố ngừng hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông. Có thể coi đây là phản ứng “mạnh” đầu tiên của Berlin sau một thời gian giữ thái độ thận trọng trước làn sóng chỉ trích của các nước phương Tây khác nhằm vào Bắc Kinh liên quan đến nguồn gốc virus SARS-CoV-2 và luật an ninh Hồng Kông. Có ba lý do có thể lý giải cho phản ứng lần này của Đức.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ngày 31/7 thông báo quyết định ngừng hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông. Ảnh: Reuters
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ngày 31/7 thông báo quyết định ngừng hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông. Ảnh: Reuters

Trước tiên, Đức đang trong thời gian giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU, vậy nên bất cứ quyết định nào cũng có thể là “tấm gương” phản chiếu góc nhìn của EU. Trong khi đó, EU không ít lần bày tỏ quan ngại sâu sắc về luật an ninh Hồng Kông mà Trung Quốc thông qua cuối tháng 6, cho rằng đạo luật mới này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền tự trị lâu dài và tương đối tự do của đặc khu.

Thậm chí mới đây, EU còn quyết định hạn chế bán thiết bị công nghệ “lưỡng dụng” cho Hồng Kông, tức những công nghệ sử dụng cho mục đích dân sự, nhưng cũng có thể dùng cho các hoạt động quân sự, an ninh, như hệ thống định vị, kính ảnh nhiệt hoặc thiết bị kiểm soát đám đông. Họ cho rằng đây là những công nghệ có thể được sử dụng để “trấn áp nội bộ, nghe lén liên lạc nội bộ hoặc giám sát không gian mạng”. Trong bối cảnh như vậy, dẫu Đức có thận trọng đến mấy cũng buộc phải có phản ứng nhất định với Trung Quốc  nhằm đảm bảo lập trường thống nhất trong EU.

Thứ hai, cũng tương tự như trong nội bộ EU, Đức cũng khó có thể đứng ngoài cuộc mà không có bất cứ động thái nào khi các đồng minh khác như Mỹ, Anh, Canada, đều “sôi sục” vì chính sách của Trung Quốc. Mặc dù quan hệ Berlin - Washington có dấu hiệu “rạn nứt” nhưng chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel khó lòng lựa chọn ngả về Trung Quốc mà làm ngơ với Mỹ. Vậy nên, ít nhất, “hiệu ứng” phương Tây buộc Đức cần phải lên tiếng trước các hành động của Trung Quốc, dù điều này khiến Bắc Kinh nổi giận.

Thứ ba, trong nội bộ nước Đức cũng đang xuất hiện những luồng ý kiến cho rằng chính phủ nên thay đổi quan điểm đối với Trung Quốc. Các chính trị gia từ cả hai phe đối lập và chính phủ đang cáo buộc thủ tướng Merkel quá mềm mỏng đối với Bắc Kinh. Didi Kirsten Tatlow, một thành viên cao cấp tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại Đức (DGAP) nói với hãng DW rằng, trong nỗ lực duy trì mối quan hệ với Bắc Kinh, Đức đang quá “mềm yếu” và điều đó có thể gây ra nỗi “thất vọng” với những người Hồng Kông. Và điều này có lẽ cũng là một áp lực lên Berlin trong việc cần có phản ứng với Bắc Kinh.

Trung Quốc lên án quyết định ngừng hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông của Đức.	Ảnh: Reuters
Trung Quốc lên án quyết định ngừng hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông của Đức. Ảnh: Reuters

Nhiều lợi ích ràng buộc

Tuy nhiên không ít chuyên gia cho rằng, Đức khó có thể đi xa hơn trong việc đối đầu với Trung Quốc. Giống như hầu hết các nước châu Âu khác, Đức cơ bản không hứng thú theo đuổi cách tiếp cận giống Mỹ, tức là đối đầu với Trung Quốc. Nhiều chính trị gia Đức cho rằng châu Âu nói chung và Đức cần tạo lập “chỗ đứng riêng” khi Mỹ và Trung Quốc ngày càng căng thẳng và không loại trừ những cuộc chiến xảy ra.

Có thể thấy, trong nhiều năm qua, giới chức Đức luôn đối xử với Trung Quốc một cách khéo léo. Kể từ thời Thủ tướng Helmut Kohl, các quan chức Đức đã trở thành khách mời thường xuyên của Bắc Kinh. Trong 15 năm giữ cương vị Thủ tướng, bà Angela Merkel thực hiện 12 chuyến công du Trung Quốc. Tháp tùng bà là một loạt CEO từ các công ty lớn của Đức với mục đích vừa để giới thiệu họ với giới lãnh đạo Trung Quốc; vừa nhấn mạnh ưu thế có thể coi là độc nhất của Đức trong lĩnh vực sản xuất.

Những cái tên như Bosch, BMW, Mercedes, Siemens và Volkswagen đều là những thương hiệu sản xuất lớn, là nguồn cung cấp thiết bị cho nhà máy và cơ sở hạ tầng, giúp Trung Quốc vươn lên thành nhà sản xuất hàng đầu thế giới. Đổi lại, việc bắt tay với nền kinh tế lớn nhất châu Á đang phát triển nhanh chóng cũng tạo điều kiện cho Đức phục hồi mạnh mẽ sau khủng hoảng tài chính và vượt qua khủng hoảng nợ công châu Âu.

Hơn thế nữa, phương châm của Đức về Trung Quốc luôn luôn là “Wandel durch Handel” có nghĩa là “thay đổi thông qua thương mại”. Người Đức thích chi tiêu cho các mục đích nhân đạo và thương mại, với hy vọng rằng, bằng cách trao cho tất cả mọi người một trật tự toàn cầu và tự do, những thay đổi tích cực có thể đạt được. Nói như Noah Barkin, một nghiên cứu viên tại Quỹ Marshall Đức ở Berlin thì “quan hệ thương mại Đức - Trung chi phối mạnh hơn các vấn đề an ninh”. Thực tế, kể từ năm 2017, Trung Quốc đã thay thế Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức và khối lượng thương mại song phương đã vượt qua con số 200 tỷ đô la Mỹ vào năm 2018.

Thủ tướng Đức Angela Merkel (giữa trái) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (giữa phải) chụp ảnh nhóm trong Diễn đàn Đối thoại Đức-Trung tại Bắc Kinh vào ngày 6 tháng 9 năm 2019. Ảnh: AFP
Thủ tướng Đức Angela Merkel (giữa trái) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (giữa phải) chụp ảnh nhóm trong Diễn đàn Đối thoại Đức-Trung tại Bắc Kinh vào ngày 6 tháng 9 năm 2019. Ảnh: AFP

Trong một diễn biến đáng chú ý, ngay sau khi Đức đồng ý tung 10 tỷ USD cứu hãng hàng không Lufthansa tháng 6/2020, hãng hàng không này thông báo nối lại đường bay Frankfurt - Thượng Hải. Giới quan sát cho rằng, dù ngẫu nhiên hay có tính toán, động thái mới của hãng hàng không Lufthansa đã cho thấy Đức ưu tiên khôi phục các liên kết thương mại với Trung Quốc, vốn bị gián đoạn do đại dịch Covid-19.

Rõ ràng với các mối liên kết thương mại và kinh doanh gần gũi như vậy, dễ hiểu là chính phủ Đức sẽ mong muốn tránh các đối đầu với chính phủ Trung Quốc. Vậy nên có thể xem quyết định cứng rắn mới nhất của Đức với vùng lãnh thổ Hồng Kông của Trung Quốc cũng chỉ là đòn “giơ cao đánh khẽ” trong một bối cảnh không thể khác. Về lâu dài, kể cả khi Thủ tướng Merkel rời nhiệm sở, chưa có gì chắc chắn về việc Đức sẽ thay đổi hoàn toàn quan điểm với Trung Quốc khi kinh tế, thương mại vẫn là ưu tiên hợp tác của Berlin.

Tin mới