Đức tê liệt vì đình công quy mô lớn nhất trong nhiều thập niên

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) -  Các sân bay, trạm xe, ga tàu… trên khắp nước Đức bị tê liệt vào sáng 27/3, gây gián đoạn cho hàng triệu người ở đầu tuần làm việc. Đây là hệ quả của một trong những cuộc đình công quy mô nhất trong nhiều thập niên, giữa lúc nền kinh tế hàng đầu châu Âu lao đao vì lạm phát.
Bảng điện tử thông báo "không có tàu do đình công" tại ga đường sắt ở Đức. Ảnh: Reuters

Bảng điện tử thông báo "không có tàu do đình công" tại ga đường sắt ở Đức. Ảnh: Reuters

Các cuộc đình công kéo dài 24 giờ đồng hồ do Công đoàn Đường sắt và Vận tải EVG tổ chức là những diễn biến mới nhất sau nhiều tháng ngành công nghiệp tác động lớn đến các nền kinh tế châu Âu, khi giá thực phẩm và năng lượng leo thang khiến mức sống của người dân giảm sút.

2 sân bay lớn nhất của Đức là Munich và Frankfurt đã tạm dừng các chuyến bay, trong khi hãng điều hành đường sắt Deutsche Bahn cũng đã phải huỷ bỏ các dịch vụ đường sắt đường dài. Nhiều lao động đình công mặc trang phục áo khoác đỏ phản quang đã thổi còi và huýt sáo khắp một nhà ga xe lửa vắng vẻ ở Munich.

Người lao động đang gây sức ép đòi tăng lương để giảm nhẹ tác động của lạm phát khi chỉ số này đã lên đến 9,3% vào tháng 2. Đức, quốc gia vốn phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga từ trước khi nổ ra xung đột tại Ukraine, đã bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi giá cả leo thang, trong bối cảnh phải tranh giành các nguồn năng lượng mới, tỷ lệ lạm phát vượt ngưỡng bình quân của khu vực sử dụng đồng euro trong những tháng gần đây.

Sức ép giá cả dai dẳng đã khiến các ngân hàng trung ương phải liên tục tăng lãi suất, dù các nhà hoạch định chính sách cho rằng còn quá sớm để nói về một vòng xoáy giá cả - tiền lương.

Công đoàn Verdi đang tham gia đàm phán với tư cách đại diện cho khoảng 2,5 triệu người lao động trong khu vực công, bao gồm trong lĩnh vực vận tải công và tại các sân bay. Trong khi đó, Công đoàn EVG đàm phán thay cho khoảng 230 nghìn người lao động tại hãng vận hành đường sắt Deutsche Bahn và các công ty xe buýt.

Nhà ga vắng tanh ở Berlin hôm 27/3. Ảnh: Reuters

Nhà ga vắng tanh ở Berlin hôm 27/3. Ảnh: Reuters

Vài giờ đồng hồ trước khi diễn ra các cuộc đình công, cả hai bên đều tỏ ra kiên định, các lãnh đạo công đoàn cảnh báo rằng tăng lương đáng kể là “vấn đề sống còn” đối với hàng nghìn người lao động. Một người phát ngôn của Deutsche Bahn cho biết hôm 27/3: “Hàng triệu hành khách phụ thuộc vào xe buýt và tàu đang bị ảnh hưởng bởi cuộc đình công quá mức và phóng đại này”.

Verdi đang yêu cầu tăng lương 10,5%, tức lương sẽ tăng ít nhất 500 euro mỗi tháng, trong khi EVG đòi tăng 12% hay ít nhất 650 euro mỗi tháng.

Những hành khách bị mắc kẹt bày tỏ sự cảm thông lẫn cảm giác không vui vẻ về hành động đình công. Hành khách Lars Boehm nói: “Vâng, điều đó có thể hiểu được nhưng tôi chưa từng đình công trong suốt cuộc đời mình, và tôi đã làm việc hơn 40 năm rồi. Tuy nhiên, tại Pháp người ta lúc nào cũng đình công vì vấn đề gì đó”.

Chủ tịch EVG Martin Burkert nói với tờ Augsburger Allgemeine hôm 27/3 rằng, người sử dụng lao động vẫn chưa đưa ra đề xuất khả thi nào, và cảnh báo có thể xảy ra thêm các cuộc đình công khác, kể cả trong dịp nghỉ lễ Phục sinh.

Deutsche Bahn hôm 26/3 cho biết, cuộc đình công “hoàn toàn quá mức, vô căn cứ và không cần thiết”, còn những người sử dụng lao động đang cảnh báo rằng tăng lương cho lao động trong lĩnh vực vận tải sẽ dẫn tới việc tăng phí và thuế để bù vào sự chênh lệch đó.

Các cuộc đình công hôm 27/3 là một phần trong các làn sóng đình công tại các nước giàu ở châu Âu trong vài tháng trở lại đây, bao gồm Pháp và Anh, nơi hàng trăm nghìn người lao động trong lĩnh vực vận tải, y tế và giáo dục gây sức ép đòi tăng lương.

Các cuộc biểu tình phản đối các cải cách lương hưu của Tổng thống Emmanuel Macron cũng đã châm ngòi cho tình cảnh bạo lực đường phố tồi tệ nhất nhiều năm qua tại Pháp.

Người dân sử dụng phương tiện công cộng để đi làm bị ảnh hưởng trong cuộc đình công quy mô ở Đức. Ảnh: Reuters

Người dân sử dụng phương tiện công cộng để đi làm bị ảnh hưởng trong cuộc đình công quy mô ở Đức. Ảnh: Reuters

Nhà kinh tế trưởng tại Commerzbank Joerg Kraemer nói rằng, cho đến nay, tác động kinh tế từ cuộc đình công hôm 27/3 là có giới hạn, nhưng điều này có thể thay đổi nếu đình công dai dẳng trong một thời gian dài hơn.

Ông nói: “Đình công sẽ khiến mọi người căng thẳng thần kinh. Nhưng về mặt kinh tế, tổn thất có thể sẽ được giới hạn trong ngành vận tải vì các nhà máy sẽ tiếp tục hoạt động và nhiều người lao động sẽ làm việc tại nhà”.

Người đứng đầu Bundesbank Joachim Nagel hồi tuần trước cũng nói rằng, Đức cần tránh vòng xoáy giá cả - tiền lương: “Phải nói rõ rằng, ngăn chặn lạm phát trở nên dai dẳng thông qua thị trường lao động đòi hỏi người lao động phải chấp nhận mức tăng lương hợp lý và các công ty chấp nhận mức lợi nhuận hợp lý. Dù đã có những dấu hiệu cho thấy hiệu ứng vòng hai của lạm phát, cho đến nay chúng tôi vẫn chưa quan sát thấy sự xuất hiện vòng xoáy giá cả - tiền lương tại Đức”.

Tin mới