Đừng để bóng đá trẻ bất ngờ 'đứng sững' như thế!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Câu chuyện mới nhất liên quan đến đội đoạt Cup vô địch Giải U23 châu Á 2022- Saudi Arabia sẽ gợi mở nhiều điều thú vị về bóng đá trẻ, về quá trình đào tạo, sử dụng các nhân tài, về các nhà cầm quân tài ba của làng bóng đá châu lục…

Nhiều người hẳn còn nhớ trước khi đối đầu với U23 Việt Nam ở tứ kết giải đấu nói trên, HLV trưởng U23 Saudi Arabia, ông Saad Al-Shehri hé lộ rằng “không hiểu gì về U23 Việt Nam” nhưng khẳng định sẽ tìm ra chìa khóa để chiến thắng đối thủ đang lên này. Và ông đã làm được, dù ít nhiều gặp khó khăn ở hiệp đấu thứ nhất của trận đấu.

U23 Việt Nam - U23 Saudi Arabia. Ảnh tư liệu

U23 Việt Nam - U23 Saudi Arabia. Ảnh tư liệu

Hai bàn thắng của U23 Saudi Arabia, kỳ lạ thay đều có dấu giày của một cầu thủ rất ít người quan tâm theo dõi, chỉ chơi tròn vai ở các trận đấu vòng bảng trước đó, thường xuyên chơi hậu vệ biên trái, đó là Moteb Al-Harbi-12. Một bàn thắng ở hiệp 1 và 1 kiến tạo ở hiệp 2 đều từ bên cánh trái cho thấy “quân bài” này lợi hại như thế nào trong đội hình toàn sao của U23 Saudi Arabia.

Chi tiết quan trọng nói trên cho thấy rằng, chính ở nơi từng được coi là ngòi nổ, là xuất phát của các mũi tấn công lợi hại của U23 Việt Nam ở giải đấu này lại chính là nơi bị đối thủ khai thác triệt để nhất. Dưới thời ông Park Hang-seo cũng ông Gong Oh-kyun, cặp song sát hậu vệ biên tấn công được coi là vũ khí quan trọng bậc nhất trong sơ đồ chiến thuật, đảm bảo cho khả năng dâng cao tấn công cũng như lui về phòng thủ bởi tính chất “con thoi” rất hao tốn thể lực, trí lực.

Thực chất, đối thủ của U23 Việt Nam, nhất là đội bóng già rơ như U23 Saudi Arabia hoàn toàn không khó để “đọc vị” cách chơi này khi biết cách khai thác quá trình dâng cao, để hở phía sau để tận dụng thời cơ, dù rất nhỏ trong một thế trận chặt chẽ, căng thẳng. U23 Saudi Arabia, mà cụ thể là Moteb Al-Habri đã tận dụng một tích tắc chững lại của toàn bộ hàng thủ U23 Việt Nam khi đối thủ có người nằm sân, để dễ dàng vượt qua cả Tiến Long lẫn Việt Anh, ghi bàn hiểm hóc vào lưới Văn Chuẩn vốn là tình huống vô cùng hiếm gặp ở giải đấu này.

Đáng tiếc là trong cả 2 bàn thắng của đối thủ đều xuất phát từ một vị trí nhưng U23 Việt Nam đều không thể ngăn chặn, hóa giải và lỗi nặng của U23 Việt Nam cũng đều xuất phát từ một vị trí của Tiến Long, người từng chơi xuất sắc trong trận gặp U23 Hàn Quốc trước đó và là một mắt xích không thể thay thế của bộ tứ vệ U23 Việt Nam dưới thời ông Gong Oh-kyun. Lỗi cá nhân kéo theo lỗi tập thể bị lặp lại trước một đối thủ già rơ cho thấy những điểm yếu chí tử mà bóng đá trẻ Việt Nam phải nhanh chóng khắc phục nếu thực sự muốn vươn tầm trong thời gian tới dù điều này không phải cứ nói là làm được.

Nên nhớ trong khi Việt Anh hay Thanh Bình chỉ mới một vài lần đá chính ở ĐT Việt Nam (mới nhất là trận hòa 1-1 trước Nhật Bản ở vòng loại thứ 3), còn lại là những vị trí được gọi lên để “hưởng” không khí đội tuyển chứ không hề được vào sân, kể cả từ vị trí dự bị. Trong khi đó, U23 Saudi Arabia lại có tới 13 tuyển thủ quốc gia, nhiều cầu thủ từng chơi 5-10 trận cho đội tuyển, riêng tài năng trẻ Firas Al-Bủraikan từng 22 lần khoác áo tuyển quốc gia, ghi được 6 bàn thắng. Không chỉ trước U23 Việt Nam mà cả các đối thủ sừng sỏ cấp châu lục, đội bóng này đều thể hiện sự trên cơ về kỹ chiến thuật, về khả năng áp đặt thế trận, làm chủ cuộc chơi và giành chiến thắng với chiến tích đặc biệt không để thủng lưới bàn nào, ghi bàn nhiều nhất giải với 13 bàn thắng…

Thực tế nhãn tiền này giúp những người có trách nhiệm với bóng đá Việt học hỏi cách làm hay của các nền bóng đá phát triển, mạnh dạn cách tân, đổi mới cách làm, trong đó có việc mạnh dạn bố trí, sử dụng những nhân tố trẻ, có tiềm năng nhằm tăng độ cọ xát, va đập cần thiết cho quá trình rèn luyện, trưởng thành.

Để dứt khoát từ nay về sau, dù là bóng đá trẻ nhưng bất kỳ ở đâu, lúc nào cũng không thể có chuyện “chững lại” một cách vô lý, ngây thơ như thế trước mọi đối thủ để rồi đánh mất tất cả. Cũng dứt khoát không để tái diễn tình trạng cầu thủ chơi trận cực hay rồi lại đến cực dở, nghĩa là thiếu sự ổn định cần thiết, độ bền cần thiết như câu chuyện của Tiến Long trong trận tứ kết đáng tiếc nói trên, như Thanh Bình được đánh giá rất cao trước giải nhưng thực ra Việt Anh lại chơi hay hơn, như Tuấn Tài bùng nổ những trận đầu, sau đó dần im tiếng…

Chỉ là giả thiết nhưng rất nên nói ra: giá như ở U23 Việt Nam có nhiều hơn những Việt Anh, Thanh Bình… được rèn dũa từ nhiều trận đấu chính thức của ĐT Việt Nam như cách làm của Saudi Arabia, thì biết đâu, bóng đá trẻ còn lập nên những Thường Châu mới và hơn thế nữa…?

Tin mới