Đừng để người tốt bị ngăn trở

(Baonghean) - Chiến dịch trả lại công năng vỉa hè là dành cho người đi bộ chứ không phải là nơi buôn bán ở thành phố Hồ Chí Minh khởi phát từ sự “xuống đường” chỉ đạo một cách quyết liệt, cụ thể của ông Phó Chủ tịch UBND quận 1 vẫn tiếp tục diễn ra. Nhưng xung quanh việc này đã bắt đầu có những động thái mới không thể xem thường.

 » Linh mục Nguyễn Đình Thục kích động giáo dân
 

Thoạt đầu, trên các diễn đàn xã hội và một số trang báo mạng đặt vấn đề là “chiến dịch giành lại vỉa hè đang đi hơi quá đà”. Một  luật sư đã lên tiếng trên báo cho là “cách làm của quận 1 đang đi quá giới hạn” bởi  việc xử lý các hành vi lấn chiếm vỉa hè phải được điều chỉnh bởi Luật Xử lý vi phạm hành chính. Để tiến hành bước cưỡng chế thì quận phải thực hiện đúng trình tự thủ tục như Luật quy định.

Phó Chủ tịch UBND quận 1 Đoàn Ngọc Hải trực tiếp tham gia chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm lấn chiếm lòng, lề đường. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN
Phó Chủ tịch UBND quận 1 Đoàn Ngọc Hải trực tiếp tham gia chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm lấn chiếm lòng, lề đường. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN

Đầu tiên là phải lập biên bản người có hành vi xây dựng trái phép, sau đó ra quyết định xử phạt. Hoặc nếu đã hết thời hạn xử phạt thì ra quyết định khôi phục lại tình trạng ban đầu và buộc người có hành vi xây dựng trái phép tháo dỡ. Nếu không tiến hành tháo dỡ thì mới ra quyết định cưỡng chế. Chi phí cưỡng chế do người có hành vi vi phạm chịu trách nhiệm...

Rồi sau đó đại diện của một tờ báo đã có công văn rất “khiếm nhã” đòi làm việc để làm rõ về việc ông Phó Chủ tịch UBND quận 1 dùng đồng hồ, điện thoại của những hãng đắt tiền (mặc dù chưa xác định chính xác là có đúng hay không). Một tờ báo nữa, được coi là có uy tín của thành phố thì lại viết bài với câu hỏi “làm quan” có được xài sang, xới lại chuyện chiếc đồng hồ, và cái điện thoại được cho là đắt tiền đó một cách tinh vi, nhưng chủ đích là vẫn nhắm tới người đang tận tâm, tận lực thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình.

Tiếp sau đó, có một số người tự nhận là chủ các gánh hàng rong trên vỉa hè tụ tập kéo nhau đến trước UBND quận 1 phản đối việc làm của ông “phó quận” cho là làm vậy đã “triệt kế sinh nhai” của họ... Một số người nữa, có vai, có vế hẳn hoi, không hiểu vì sao cũng lên tiếng úp mở nói này, nói nọ. Cứ như vậy thì còn mấy ai hào hứng, tâm huyết với việc tốt.

Ảnh minh họa, nguồn: Internet
Ảnh minh họa, nguồn: Internet

Động cơ thật sự của những người cầm bút viết bài, phát biểu hay tụ tập phản ứng là gì cũng không khó đoán, bởi không thể nằm ngoài hai thứ là danh và lợi. Vấn đề đặt ra ở đây là một người đang rất nỗ lực làm việc tốt cho cả cộng đồng lại không nhận được sự ủng hộ triệt để của mọi người? Có phải có một nhóm người nào đó lo ngại hành động dẹp loạn vỉa hè một cách triệt để sẽ tạo cảm hứng cho nhiều nơi làm theo mà cũng có thể là buộc những nơi đang chờ đợi, đang chần chừ phải tích cực, quyết liệt theo.

Điều đó sẽ làm cho “nền kinh tế vỉa hè” với lợi nhuận vô cùng lớn sẽ bị thất thu nghiêm trọng, làm giảm sút quyền lợi của một nhóm lợi ích nào đó nên người ta bắt đầu phản pháo, tìm mọi cách để “hạ nhiệt” hành động của ông “phó quận”. Mà cũng có khi là ai đó, đơn giản là không muốn người khác nổi hơn mình nên cũng tìm cách ngăn trở. Hơi đa nghi một chút, nhưng cũng không loại trừ thế lực xấu, nhân chuyện này xúi bẩy những người bị thiệt hại tụ tập phản ứng nhằm gây mất ổn định xã hội từ đường phố...

Cho dù với lý do gì đi chăng nữa thì chúng ta phải thống nhất một điều là người tốt làm việc tốt thì phải được ủng hộ, bảo vệ đến tận cùng. Người dân và các cơ quan chức năng ở thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, cả nước nói chung cần phải hết sức tỉnh táo, cảnh giác với những hành vi, luận điệu xảo trá nói trên và có các biện pháp đủ mạnh để cho người tốt không bị bất cứ ai ngăn trở làm việc tốt.

Duy Hương

TIN LIÊN QUAN