Đừng để tái diễn vụ chìm đò ở Chôm Lôm!

(Baonghean) - Nghệ An là một trong những tỉnh có hệ thống giao thông đường thủy nội địa đa dạng nhất nhì cả nước. Chính vì thế, công tác đảm bảo an toàn giao thông đường thủy là vô cùng quan trọng, nhất là trong mùa mưa bão.

Hệ thống tuyến đường thủy nội địa của Nghệ An rộng lớn, phức tạp, đa dạng với 82km bờ biển, 7 cửa lạch nối ra biển; 13 con sông lớn nhỏ có tổng chiều dài 1.140km và hàng trăm hồ đập, khe suối; hệ thống sông ngòi có độ dốc lớn, hiểm trở, khan cạn về mùa hè, lũ lụt về mùa mưa, bị chia cắt bởi các công trình giao thông thủy lợi (cầu cống, đập bara, các hồ chứa của thủy điện...). Hiện các tuyến sông trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã đưa vào khai thác, quản lý 262,6km. Trong đó tuyến đường thủy nội địa quốc gia dài 217,1 km; tuyến đường thủy nội địa địa phương quản lý 45,5 km; tuyến do cấp huyện, xã quản lý 897 km.

Bến đò Vạn Rú ở xã Khánh Sơn (Nam Đàn) có 2 phương tiện, trung bình mỗi ngày đưa đón khoảng hơn 70 người/30 chuyến. Hành khách chủ yếu là người dân của 2 xã Khánh Sơn, Xuân Lâm và một số khách vãng lai. Nhà chờ tại bến đò Vạn Rú chỉ được dựng tạm, không đủ che nắng mưa cho khách nếu có nhu cầu trú lại chờ đò. Lối lên xuống của bến đò chỉ mới được xây dựng một bên, bờ bên kia vẫn còn là con đường đất bị sụt lở nham nhở.

Đoàn liên ngành kiểm tra phương tiện thủy chở hành khánh trái phép từ bãi tắm Cửa Lò ra đảo Ngư.
Đoàn liên ngành kiểm tra phương tiện thủy chở hành khánh trái phép từ bãi tắm Cửa Lò ra đảo Ngư.

Ông Nguyễn Xuân Hùng - Công chức phụ trách giao thông - thủy lợi xã Khánh Sơn cho biết: “Bến đò đã hết hạn giấy phép hoạt động và đang “chờ” để được cấp mới. Tuy nhiên, hiện bến đò vẫn hoạt động vì một số xóm của xã Khánh Sơn có đất sản xuất bên kia sông nên không thể dừng được. Chúng tôi chỉ yêu cầu cấm hoạt động khi có nguy cơ mất an toàn như mưa lớn, gió bão, nước lũ dâng trên mức báo động 2”. 

Bởi, dù mới được huyện Nam Đàn trang bị thêm 12 áo phao và 12 phao tròn, nhưng cả chủ đò lẫn hành khách đều không mấy quan tâm. Thậm chí khi nhìn thấy ai mặc áo phao thì tỏ ra bất ngờ. Anh Phạm Hồng Tuấn - Giáo viên Trường THCS Khánh Sơn cho biết: “Tôi ở xã Xuân Lâm nên trung bình mỗi ngày tôi đều đi qua bến đò này bốn lượt, vẫn biết việc mặc áo phao là để bảo vệ mình, tuy nhiên, việc qua sông chỉ mất có vài ba phút nên nhiều người hay… quên!”.

Mặc dù được trang bị phao nhưng rất nhiều người “quên” sử dụng. Ảnh chụp tại bến đò Vạn Rú (Khánh Sơn, Nam Nam)	Ảnh: c.n
Mặc dù được trang bị phao nhưng rất nhiều người “quên” sử dụng. Ảnh chụp tại bến đò Vạn Rú (Khánh Sơn, Nam Nam) Ảnh: Cảnh Nam


Ngược lên thượng lưu tới bến đò Rú Nguộc, xã Ngọc Sơn (Thanh Chương). Cũng như nhiều bến đò ngang khác, cơ sở vật chất như lối lên xuống dù đã được rải bê tông vẫn rất lồi lõm, trơn trượt vào mùa mưa, và chưa được xây dựng hệ thống lan can. Tình trạng khách qua đò không mặc áo phao cũng khá phổ biến, thậm chí ngay cả khi chủ đò nhắc nhở nhiều người vẫn không thực hiện.

Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh ta có 19 bến đò, mỗi ngày chở hàng nghìn người qua sông, vào mùa mưa bão, nước sông dâng cao, dòng chảy mạnh do độ dốc lớn cuốn theo cây rừng và nhiều thứ khác. Mặc dù các ngành chức năng thường xuyên duy trì tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở và xử phạt, nhưng nhiều người dân, kể cả chủ phương tiện lẫn hành khách vẫn rất chủ quan khi sử dụng loại phương tiện này.

Thượng tá Nguyễn Công Thư - Phó trưởng phòng Cảnh sát đường thủy Công an Nghệ An cho rằng: “Để làm tốt công tác đảm bảo TTATGT trên tuyến đường thủy nội địa, nhất là hạn chế thấp nhất tai nạn xảy ra, ngoài công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm cần chú trọng vào công tác tuyên truyền Luật Đường thủy... Bởi chỉ khi người dân có ý thức, trách nhiệm bảo vệ tính mạng, tài sản của chính mình và người khác thì mới giảm thiểu được nguy cơ tai nạn khi tham gia giao thông trên các tuyến đường thủy.

Theo báo cáo ngày 8/8/2016 của đoàn liên ngành về kiểm tra công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, Nghệ An hiện có 128 bến thủy nội địa, gồm 105 bến hàng hóa, 5 bến hành khách, 19 bến khách ngang sông. Trong 105 bến hàng hóa chủ yếu là tập kết khoáng sản cát, sỏi thì chỉ có 33 bến có giấy phép mở bến (chiếm 31,43%); 19 bến khách ngang sông, có 13 bến có Giấy phép (chiếm 72%) nhưng cơ sở vật chất của các bến (nhà chờ, bảng nội quy, đường lên xuống,...) hầu hết đã cũ hỏng, xuống cấp.

Về phương tiện thủy nội địa, có khoảng 950 phương tiện. Số lượng phương tiện đã được đăng ký, đăng kiểm chỉ đạt gần 30% tổng số phương tiện; số người được cấp chứng chỉ chuyên môn cũng chỉ đạt 39,9% (439/1.100 người). 

Ông Phan Huy Chương - Phó Chánh thanh tra Sở GTVT cho biết: Sau vụ chìm đò ở Chôm Lôm (Con Cuông) vào năm 2006, Ban ATGT tỉnh đã huy động nguồn lực xây dựng cầu treo tại các bến khách ngang sông; các lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền, tuần tra kiểm soát trên các tuyến sông; cấm các hoạt động khai thác cát trái phép làm thay đổi dòng chảy; liên kết trách nhiệm UBND xã, các lực lượng chức năng tổ chức và phát triển tốt các mô hình đảm bảo ATGT, như mô hình “Vì bình yên sông nước” ở làng chài Hưng Hòa (TP. Vinh); bến đò kiểu mẫu ở Phú Sơn  (Tân Kỳ); “Bến cảng an toàn Cảng Cửa Hội” (TX. Cửa Lò)... 

Cảnh Nam

TIN LIÊN QUAN

Tin mới