Đừng để trẻ dậy thì xong, mấy năm sau mới học giới tính

Dạy con chuyện giới tính, chỉ con cách bảo vệ bản thân… luôn là những vấn đề "chưa mở miệng ra đã thấy ngại" của nhiều người Việt.

Người lớn cứ lo vẽ đường cho hươu chạy, vậy thì sao không vẽ cho hươu chạy đúng đường? - Ảnh: NEWS
Người lớn cứ lo vẽ đường cho hươu chạy, vậy thì sao không vẽ cho hươu chạy đúng đường? - Ảnh: NEWS

Phải chăng đã đến lúc chính người lớn chúng ta nên gỡ bỏ rào cản tâm lý ấy? Bởi vì "vẽ đường cho hươu chạy đúng" thì nên làm lắm chứ!

Sách giáo khoa "lỗi thời", người lớn nên giải đáp trẻ

Trong chương trình hiện hành, phải đến năm lớp 8 ở bộ môn Sinh học các em mới được tiếp xúc và tìm hiểu những vấn đề tuổi dậy thì, những biểu hiện thay đổi của cơ thể nam và nữ. 

Nhưng hiện nay do xu hướng dậy thì đến sớm, nhiều học sinh nữ đã có dấu hiệu dậy thì ở lớp 4-5, học sinh nam thì muộn hơn ở lớp 6-7. Sự thay đổi đột ngột sẽ tạo nên những "cú sốc" tâm lý cho chính các em. 

Dấu hiệu dậy thì đã có nhưng lại phải chờ đến vài năm sau mới được tìm hiểu thì quả là ngược đời. Do đó, nguồn thông tin gần gũi và thiết thực nhất chính là tìm sự giúp đỡ từ cha mẹ, thầy cô.

Thông thường con trai có thể hỏi bố hoặc thầy, con gái có thể tâm sự với mẹ hoặc cô giáo. Sự đồng cảm về giới tính sẽ giúp cho các em dễ dàng chia sẻ và nhận được sự tư vấn chính xác hơn từ người lớn.

Chính phụ huynh phải cởi bỏ tâm lý ngại ngùng, e dè chứ không phải là con trẻ trong những vấn đề liên quan đến giới tính. 

Thay vì dùng những từ ngữ thông dụng thì phụ huynh có thể dùng những thuật ngữ y học đỡ phải ngượng miệng khi nói ra trước mặt con. 

Thậm chí, còn có nhiều ông bố đã không hề né tránh khi các cậu con trai hỏi về những chiếc bao cao su: vì sao nam giới lại phải đeo, khi đeo bao cần chú ý điều gì…

Cần có giáo viên tư vấn tâm lý học đường

Tiến sĩ tâm lý Lê Thị Linh Trang hướng dẫn các em học sinh tiểu học kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em - Ảnh: LÊ THANH TRUNG
Tiến sĩ tâm lý Lê Thị Linh Trang hướng dẫn các em học sinh tiểu học kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em - Ảnh: LÊ THANH TRUNG

Nếu cha mẹ ngại thì còn có nhà trường. Sự cần thiết phải có giáo viên tư vấn tâm lý học đường đã được đề cập đến nhiều nhưng rất ít trường thực hiện được điều này.

Một phần là do khó sắp xếp tiết dạy cho giáo viên kiêm nhiệm công việc tư vấn, một phần khó khăn trong việc tuyển dụng giáo viên được đào tạo bài bản chuyên ngành này. 

Điểm cần phải nói đến là ngay trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được công bố mới đây nhất cũng không đề cập đến vấn đề tư vấn tâm lí học đường. 

Tổ chức thành những buổi sinh hoạt ngoại khóa hay đưa vào nội dung giảng dạy trong môn Sinh học. Nếu là vậy thì phần giáo dục giới tính này sẽ được đưa vào khối nào cho phù hợp với lứa tuổi hiện nay? 

Đó cũng là thắc mắc chung của những người đang đảm nhiệm công tác tư vấn tại trường.

Trang tư vấn tâm lý học đường của một trường học - Ảnh: Đ.B.
Trang tư vấn tâm lý học đường của một trường học - Ảnh: Đ.B.

Trong thực tế hiện nay, một số trường ở các thành phố như Hà Nội, TP.HCM…đang thực hiện khá tốt việc tư vấn tâm sinh lý ngay trong nhà trường, có thể kể đến các mô hình như: gửi thư tay, gửi thư điện tử (email), trao đổi qua nhóm trên Facebook hoặc tư vấn trực tiếp tại chỗ. 

Với lứa tuổi này, các em thường chọn cách nói chuyện gián tiếp qua email hay thông dụng nhất là mạng xã hội. Chỉ cần các em cảm thấy thoải mái thì dù bằng cách thức tư vấn nào cũng sẽ đạt được một số hiệu quả nhất định.

Giữa thời đại công nghệ thông tin quá phổ biến, hễ một lần né tránh câu hỏi nhạy cảm của con cái cũng là lúc chính cha mẹ đẩy con lại gần với nguồn thông tin không chính thống, phản khoa học, tràn lan thiếu kiểm soát trên mạng xã hội./.

Theo TTO

Tin mới